Gỡ nút thắt xử lý rác thải sinh hoạt

Hiện nay, Hà Nội chưa đưa được công nghệ hiện đại vào xử lý rác thải gây áp lực lớn, quá tải trong việc đảm bảo an ninh, an toàn vận hành các khu xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Cùng đó, các khu xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh của Thành phố đều đã khai thác vận hành gần hết công suất,... đó là những tồn tại khiến cho bài toán xử lý rác thải sinh hoạt vẫn nhức nhối.

Bài 1: Áp lực rác thải ngày càng tăng

Với tốc độ phát triển nhanh, lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày càng tăng nhanh, mặc dù Thành phố đã đầu tư nhiều khu xử lý chất thải sinh hoạt tập trung nhưng phương pháp xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp hợp vệ sinh dẫn đến quá tải các khu xử lý rác thải tập trung và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Khoảng 89% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp

Lượng rác thải sinh hoạt trên toàn địa bàn Thành phố là 6.500 tấn/ngày. Hiện nay tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại các quận trung tâm Thành phố là 100%, các huyện ngoại thành là 88 - 89%.

Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại các quận trung tâm Thành phố là 100%, các huyện ngoại thành là 88 - 89%

Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại các quận trung tâm Thành phố là 100%, các huyện ngoại thành là 88 - 89%

Chất thải rắn sinh hoạt từ khu vực đô thị và nông thôn được phân luồng, xử lý tại khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn (từ 12 quận và 5 huyện gồm Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn), khối lượng trung bình 4.500 – 4.700 tấn/ngày); khu xử lý chất thải Xuân Sơn thị xã Sơn Tây (12 huyện và thị xã Sơn Tây, khối lượng trung bình khoảng 1.200 – 1.300 tấn/ngày).

Mặc dù Thành phố đã đầu tư nhiều khu xử lý chất thải sinh hoạt tập trung nhưng phương pháp xử lý chủ yếu vẫn là phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Cụ thể tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp chiếm khoảng 89%, xử lý bằng phương pháp đốt (không phát điện) chiếm khoảng 11% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom. Công nghệ chế biến rác thải, sản xuất phân compost đã được ứng dụng tại các cơ sở xử lý Cầu Diễn, Kiêu Kỵ nhưng không đạt hiệu quả do hạn chế trong sử dụng sản phẩm đầu ra nên hiện nay đã dừng hoạt động.

Xử lý chất thải sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường và chưa hiệu quả dẫn đến quá tải các khu xử lý rác thải tập trung lớn như khu xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), khu xử lý chất thải Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây)... từ đó kéo theo những nguy cơ, tác động lớn đến chất lượng môi trường đất, nước... Trong khi đó công tác đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn, các nhà máy xử lý rác trên địa bàn còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ do khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa, thiếu sự đồng thuận của người dân trong việc xây dựng các khu xử lý chất thải rắn.

Thực tế, trong những năm qua, người dân ở cạnh khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) đã từng nhiều lần chặn xe rác, bởi việc vận chuyển, xử lý rác gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của họ. Trong những ngày gần đây, trên địa bàn huyện Sóc Sơn tiếp tục xảy ra tình trạng người dân thuộc các xã Hồng Kỳ, Nam Sơn tập trung ngăn chặn xe rác vào khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, khiến rác thải tại các quận và một số huyện bị ùn ứ, gây ảnh hưởng đến môi trường và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố.

Cần chú trọng đầu tư công nghệ xử lý rác

Đánh giá về các mô hình đang được ứng dụng để xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn Thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết mặc dù mô hình đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn một số tồn tại như hầu hết chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của Thành phố hiện nay chưa đưa được công nghệ hiện đại vào xử lý gây áp lực lớn, quá tải trong việc đảm bảo an ninh, an toàn vận hành các khu xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh quãng đường vận chuyền rác thải sinh hoạt từ các địa bàn đến khu xử lý còn xa.

Rác thải không được phân loại gây thêm áp lực cho quá trình xử lý

Rác thải không được phân loại gây thêm áp lực cho quá trình xử lý

Khối lượng rác thải sinh hoạt đăng ký vận chuyển trong ngày của nhiều quận huyện chưa sát với thực tế. Việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt từ các huyện còn thiếu các điểm tập kết trung chuyển, đảm bảo vệ sinh chưa được đồng thuận của nhân dân khu vực…

Mặt khác các khu xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh của Thành phố đều đã khai thác vận hành gần hết công suất. Mặc dù Thành phố đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp nhằm cải tạo, nâng cấp hạ tầng, nâng công suất tiếp nhận, xử lý (như hợp nhất các ô chôn lấp nhằm tận dụng diện tích; nâng cao độ mỗi ô..), dự báo đến hết năm 2021, nếu không có giải pháp công nghệ thay thế, các khu xử lý rác bằng công nghệ chốn tấp tại Nam Sơn và Xuân Sơn đều đóng bãi.

Có thể thấy nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên là do việc triển khai thực hiện những định hướng của Thành phố về các cơ chế, chính sách khuyến khích kêu gọi xã hội hóa đầu tư để đẩy mạnh tiến độ triển khai dự án đầu tư mở rộng một số khu xử lý chất thải hiện nay còn chậm hoặc chưa được thực hiện. Quá trình đầu tư mở rộng các khu chôn lấp rác ở các khu xử lý rác thải tập trung của Thành phố theo quy hoạch chưa được thực hiện đồng bộ, công tác quản lý vận hành xử lý rác và nước rác tại các khu xử lý này còn gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó do việc đô thị hóa tại Thành phố phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là khu vực trung tâm và các khu đô thị vệ tinh, các khu công nghệ Hòa Lạc, tới đây một số huyện như Hoài Đức, Gia Lâm, Đan Phượng sẽ thành quận nên lượng rác sinh hoạt trên địa bàn cũng đang gia tăng. 2 khu xử lý chính của Thành phố là Nam Sơn và Xuân Sơn được xây dựng và vận hành từ những năm 1990, sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh là chủ yếu, thời điểm thiết kế chưa tính toán đến việc sáp nhập địa giới hành chính, khống lượng dân số... nên chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận và xử lý gia tăng khối lượng rác thải sinh hoạt.

Bài cuối: Đồng bộ các giải pháp trong xử lý rác thải

N. Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/go-nut-that-xu-ly-rac-thai-sinh-hoat-115008.html