Gỡ vướng cho sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản mùa dịch

Hiện dịch bệnh COVID-19 tại các tỉnh thành phía Nam vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ các mặt hàng nông sản đang vào vụ thu hoạch và cần những giải pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời những vướng mắc.

Giải quyết tình trạng ùn ứ trong sản xuất, lưu thông các mặt hàng nông sản. Ảnh minh họa

Theo dánh giá của Bộ Công Thương, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ các mặt hàng nông sản đang gặp nhiều khó khăn, giá cả hàng hóa đang ở mức thấp,...ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người dân trên địa bàn.

Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh thành phía Nam, các địa phương đang vào vụ thu hoạch nông sản. Một số loại nông sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang tồn đọng với số lượng lớn.

Đợt dịch COVID- 19 thứ 4 bùng phát tại Việt Nam vào đúng thời điểm nhiều địa phương thu hoạch nông sản. Khó khăn chồng chất khó khăn khi thị trường xuất khẩu thu hẹp, tiêu thụ trong nước chật vật nên mặt hàng nông sản của Việt Nam cần các giải pháp căn cơ, đồng bộ, vừa đảm bảo đầu ra, vừa giữ vững được giá trị thương hiệu.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) cũng cho biết, tham gia cung ứng thực phẩm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, các doanh nghiệp chiếm 30% - 40% thị phần; thương nhân các chợ đầu mối chiếm 60% -70% thị phần. Còn lại các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất lương thực thực phẩm tự cung ứng tại các cửa hàng chiếm 10% - 20% thị phần.

Đợt dịch COVID- 19 thứ 4 bùng phát tại Việt Nam vào đúng thời điểm nhiều địa phương khu vực phía Nam thu hoạch nông sản nên cần các giải pháp tháo gỡ những khó khăn. Ảnh minh họa

Hiện nay, các kênh chợ đầu mối và chợ truyền thống đã tạm ngưng hoạt động. Người dân tập trung mua lương thực, thực phẩm từ hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện lợi. Do phải đáp ứng điều kiện giãn cách, cấm tụ tập đông người nên người dân vẫn phải xếp hàng lâu mới mua được hàng hóa thiết yếu.

Vấn đề đáng lưu tâm nhất là lưu thông hàng hóa. Các xe vận chuyển tiêu thụ nông sản khi lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ phải tuân thủ kiểm dịch, kiểm tra nhiều tại các chốt nên tăng chi phí vận chuyển.

Để tháo gỡ những khó khăn cho tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam yêu cầu các tỉnh thành phía Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản không bị đứt gãy.

“Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Công thương đã tạo điều kiện tối đa để cung ứng nông sản, vì vậy các tỉnh không những phải cung ứng sản phẩm tiêu thụ mà còn cần tập trung vào vật tư để sản xuất. Cùng với đó, các tỉnh phía Nam nên phối hợp với Bộ Công thương để củng cố tình hình phát triển chuỗi cung ứng nông sản, nên hình thành chuỗi thể hiện vai trò của Nhà nước...”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý.

Các tỉnh phía Nam có 2 nhiệm vụ về cung ứng sản xuất gồm bảo đảm cung ứng cho địa bàn và tiếp tục hỗ trợ cho TP.Hồ Chí Minh. Đồng thời báo cáo về tình hình sản xuất giết mổ. Nếu một cơ sở chế biến giết mổ có nhân viên mắc COVID-19 sẽ làm đứt gãy cả chuỗi cung ứng nên các tỉnh cần rà soát lại.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, sắp tới sẽ là mùa mưa nên các tỉnh thành cần chú ý không để tình trạng thiếu hụt hàng hóa xảy ra và cần thành lập đầu mối để tạo chuỗi cung ứng nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm cho TP.Hồ Chí Minh, "Không thể để vì thiếu hụt mà xảy ra mất an toàn thực phẩm".

Dương Lâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/go-vuong-cho-san-xuat-kinh-doanh-tieu-thu-nong-san-mua-dich-post147671.html