Góc khuất đời áo blouse trắng, những rủi ro khó lường
Bác sĩ là người chăm lo cho sức khỏe, cứu sống bệnh nhân. Thế nhưng, họ đôi khi không thể tự bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình bởi những rủi ro trong nghề nghiệp.
Tháng 6 năm 2018, bác sỹ Nguyễn Văn Hiếu (29 tuổi) đột ngột bị phơi nhiễm HIV sau 1 tình huống cấp cứu bất khả kháng. Khi ấy, anh Hiếu đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, theo dự án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về các vùng khó khăn của Bộ Y tế.
Bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng máu trào ra rất nhiều từ cổ tay sau khi cố gắng tự tử. Điều kiện thiếu thốn, không ngần ngại, anh Hiếu dùng tay chịt miệng vết thương, nhanh chóng đưa bệnh nhân lên tuyến trên.
Sau này, anh mới biết bệnh nhân nhiễm H.
Bị phơi nhiễm HIV, anh Hiếu phải thường xuyên dùng thuốc ARV (nhóm thuốc kháng virus HIV). Thể trạng yếu, Hiếu bị phản ứng mạnh với thuốc, ngày ngày vật lộn với chứng ảo giác, hoang tưởng. “Nắm được cơ chế sinh ảo giác nên khi nó sắp đến, mình lại đi ngủ để biến chúng thành cơn ác mộng, tránh hại mình, hại người”, Hiếu tâm sự.
Uống thuốc ARV cũng làm bệnh khớp lâu nay của Hiếu nặng nề hơn. Chỉ trong một thời gian ngắn, chàng trai trẻ suy nhược toàn thân, những cơn đau khớp, đau cột sống hành hạ làm Hiếu có lúc phải vịn tường và cầu thang mới có thể đi lại được. Xa nhà, anh Hiếu một mình chống chọi với mọi đau đớn.
May mắn, sau 3 tháng điều trị, bác sĩ Hiếu được kết luận âm tính với HIV. Thế nhưng dù đã thoát căn bệnh thế kỷ, Hiếu vẫn đang phải ngày ngày vật lộn với những hệ lụy, là bệnh viêm khớp, viêm cột sống.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu chỉ là một trong rất nhiều những bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế đã và đang thường xuyên đối mặt với những khó khăn, rủi ro nghề nghiệp.
Môi trường làm việc của cán bộ y tế luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố độc hại, nguy cơ phơi nhiễm, mắc các bệnh nghề nghiệp cao.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Công đoàn Y tế Việt Nam, hiện đã có 1.361 đoàn viên và người lao động y tế cả nước mắc các bệnh hiểm nghèo. Trong đó, có trên 60% là bệnh ung thư. Con số này chắc chắn sẽ tăng lên khi các đơn vị y tế trong cả nước có thống kê đầy đủ.
Tình trạng bạo hành nhân viên y tế trong khi làm việc cũng có xu hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. Theo số liệu đưa ra Bộ Công an, trong năm 2017, có 25 vụ hành hung bác sỹ, nhân viên y tế với 37 đối tượng tham gia. Năm 2018, báo chí đưa tin có 21 vụ bạo hành (gây thương tích, đập phá, gây rối...) đối với nhân viên y tế.
Tuy nhiên, những số liệu thực tế chắc chắn sẽ nhiều hơn, bởi ngoài những vụ hành hung thân thể, người thầy thuốc còn phải chịu đựng nhiều hành vi đe dọa về mặt tinh thần, bị nhục mạ, xúc phạm, gây tổn thương sâu sắc về mặt tâm lý.
Đã có những trường hợp, bác sĩ thậm chí mất đi tính mạng của mình (như trường hợp bác sĩ Trần Văn Giàu ở Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư, Thái Bình năm 2012).
Dù luôn có những rủi ro nghề nghiệp, người bác sĩ vẫn luôn cố gắng vượt qua tất thảy để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Giáo sư Lê Đức Hinh, nguyên trưởng khoa Thần kinh - Bệnh viện Bạch Mai, một trong những chuyên gia hàng đầu của ngành Thần kinh học Việt Nam cũng từng trải qua rất nhiều rủi ro nghề nghiệp trong suốt gần 60 năm gắn bó với nghề y.
Vào thời chiến, có những khi, ông Hinh phải khám chữa bệnh không đèn, không nước, không bàn ghế dưới hầm tối đen, ẩm mốc hay lao ra giữa hàng bom đạn để cấp cứu phòng không kịp thời. Thế nhưng, ông bảo, dù là tình huống nào, ông cũng luôn cố gắng thích nghi với hoàn cảnh để hoàn thành nhiệm vụ.
“Phía sau mỗi bệnh nhân không chỉ là sức khỏe, tính mạng của họ mà còn là cuộc sống của những người xung quanh họ nữa. Tôi luôn đặt hai chữ trách nhiệm lên hàng đầu bởi cứu một bệnh nhân cũng là cứu rất nhiều người”, ông Hinh tâm sự.
Như ông Hinh, với rất nhiều người bác sĩ chân chính, làm tròn trách nhiệm nghề nghiệp, cứu sống bệnh nhân luôn là điều đầu tiên họ nghĩ đến, trước cả bản thân mình.
Ngày 26/4/2019, Công đoàn Y tế Việt Nam đã triển khai Chương trình “Bảo vệ Blouse trắng” năm 2019.
Chương trình nhằm mục đích tạo sự đồng thuận, cảm thông, chia sẻ của toàn xã hội đối với những khó khăn vất vả, sự hy sinh của cán bộ, nhân viên ngành Y; tuyên truyền, đề xuất xây dựng chính sách nhằm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn ngành Y.
Trên hết là niềm mong mỏi các cấp chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, mỗi người dân cùng chung tay ủng hộ Chương trình “Bảo vệ Blouse trắng” để đội ngũ y, bác sĩ yên tâm, tập trung sức lực và trí tuệ chăm sóc người bệnh; mỗi cán bộ, nhân viên ngành Y cùng hưởng ứng chương trình bằng việc nâng cao ý thức, chủ động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho mình để chăm sóc tốt hơn cho người bệnh.
Ngày 29/10 tới đây, Hội thảo “Bảo vệ Blouse trắng” với chủ đề “An toàn, vệ sinh lao động, phòng chống bạo hành nhân viên tại cơ sở y tế” – hoạt động cao điểm của Chương trình “Bảo vệ Blouse trắng” năm 2019 sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chủ trì.