Góc khuất sau vụ máy bay rơi trong rừng Amazon làm 7 người tử nạn, mất tích

Theo CNN, chiếc máy bay gặp nạn trong rừng Amazon vừa qua từng bị rơi cách đây 2 năm đến mức hỏng hết cánh quạt, động cơ.

"Lật tung" rừng Amazon, tìm 4 trẻ mất tích

Chiếc máy bay Cessna 206 HK-2803 một động cơ, chở 7 người gặp nạn tại khu vực rừng Amazon ở Colombia từ ngày 1/5. Kể từ khi xảy ra vụ việc, quân đội Colombia thực hiện chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn.

Trong đó, đội tìm kiếm cứu hộ mới phát hiện thi thể 3 người lớn và đang dốc toàn lực tìm kiếm 4 trẻ còn mất tích.

Chiến dịch này đã trở thành mối quan tâm của toàn thể người dân Colombia.

Tính đến nay, hàng trăm nhân viên cứu hộ mới chỉ tìm được một số dấu vết của nhóm trẻ em từ 11 tháng tuổi tới 13 tuổi trong rừng như: bình sữa trẻ em, dây buộc tóc, túp lều dựng tạm và dấu vết dường như là dấu chân trẻ em.

Binh sĩ Colombia tham gia chiến dịch tìm kiếm 4 trẻ em mất tích sau vụ rơi máy bay trong rừng Amazon 2 tuần trước. Ảnh: Reuters

Binh sĩ Colombia tham gia chiến dịch tìm kiếm 4 trẻ em mất tích sau vụ rơi máy bay trong rừng Amazon 2 tuần trước. Ảnh: Reuters

Cách đây 2 ngày, Tổng thống Colombia Gustavo Petro đã gây chấn động dư luận khi thông báo quân đội đã tìm thấy nhóm trẻ nhưng rốt cuộc đó là thông tin sai lệch nên đã phải xóa bài đăng và thừa nhận chưa có thông tin xác nhận giải cứu thành công.

Trong khi đó, người thân của nhóm trẻ tin tưởng rằng các em hiểu rõ về khu vực rừng rậm, tin tưởng con cháu mình vẫn còn sống và sẽ được giải cứu.

Chiếc máy bay rơi từng gặp tai nạn nghiêm trọng cách đây 2 năm

Quân đội Colombia đang triển khai chiến dịch tìm kiếm nhóm trẻ trên quy mô 300km2 trong rừng Amazon.

Hiện quân đội Colombia đã huy động 150 binh sĩ và chó nghiệp vụ, khẳng định sẽ “tìm kiếm từng ngóc ngách trong khu rừng cho tới khi tìm thấy nhóm trẻ”.

Vụ rơi máy bay xuống khu vực rừng Amazon một lần nữa báo động về hoạt động hàng không tại đây.

Nhóm OPIAC - đại diện cho cộng đồng thổ dân địa phương lên tiếng, cho rằng vụ tai nạn này là hoàn toàn có thể lường trước.

Nhóm OPIAC chỉ trích Chính phủ Colombia phải chịu trách nhiệm cho thảm kịch vì theo họ, những vụ việc như vậy xảy ra là do sơ suất về giám sát quy trình an toàn trong hoạt động hàng không khu vực.

Họ cũng chỉ ra thực tế người dân địa phương không có nhiều lựa chọn về đi lại do khu vực này thiếu hạ tầng đường bộ và khó tiếp cận về đường thủy.

Không chỉ vậy, trao đổi với hãng tin CNN, ông Julio Cesar Lopez - Chủ tịch OPIAC cho hay, chiếc máy bay gặp nạn ngày 1/5 từng bị rơi vào ngày 25/7/2021 tại cùng khu vực và đề nghị làm rõ bên phải chịu trách nhiệm cho thảm kịch khiến 3 người thiệt mạng và 4 trẻ em hiện chưa rõ số phận trong rừng Amazon.

Theo báo cáo cuối cùng của Cơ quan Hàng không Dân dụng Colombia về vụ rơi máy bay năm 2021, phương tiện gặp nạn do gặp vấn đề về động cơ ngay sau khi cất cánh. Vào thời điểm đó, máy bay đang thực hiện nhiệm vụ cứu thương tại tỉnh Vaupés.

Theo báo cáo, máy bay được chế tạo năm 1982 và đã thực hiện 10.000 giờ bay trước vụ tai nạn năm 2021.

Ở thời điểm đó, 3 thành viên phi hành đoàn có mặt trên máy bay chỉ bị thương nhẹ và được thổ dân địa phương giải cứu. Tuy nhiên, các bộ phận cánh quạt, động cơ, cánh máy bay bị hư hại nặng nề.

Về phía công ty sở hữu máy bay - Avianline Charter’s SAS, ông Giselle Lopez, chủ sở hữu công ty thừa nhận chiếc máy bay từng bị rơi trong rừng nhưng khẳng định công ty đã sửa lại phương tiện.

Động cơ, cánh quạt của máy bay đã được thay mới và phương tiện cũng vượt qua các kỳ kiểm tra của Cơ quan Hàng không Dân dụng Colombia.

Hãng tin CNN đã liên hệ với cơ quan hàng không dân dụng Colombia và đang chờ phản hồi trước thông tin trên.

Hoàng Anh (Theo CNN)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/goc-khuat-sau-vu-may-bay-roi-trong-rung-amazon-lam-7-nguoi-tu-nan-mat-tich-d591589.html