Góc nhìn TTCK tuần 10 - 14/7: Thị trường vẫn chờ đợi, cảnh giác với 'tin đồn'
Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, thị trường đang tiềm ẩn nhiều rủi ro ngắn hạn. Nếu giải ngân tìm cơ hội thì chỉ nên dùng tiền mặt với tỷ trọng vừa phải.
Thanh khoản tiếp tục “nguội lạnh”, tự doanh dẫn dắt cuộc chơi
Sau 5 tuần thanh khoản “nóng” liên tục, VN-Index đã có một tuần giao dịch “ảm đạm” khi chỉ có hơn 3,6 tỷ cổ phiếu được sang tay (giảm 9,8%), tương đương với giá trị giao dịch 77.600 tỷ đồng (giảm 6,3%). Diễn biến thanh khoản dần nguội lạnh cũng đã được Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap dự báo từ trước khi mà thị trường đang bước vào giai đoạn chờ kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp.
Trong bức tranh chung thanh khoản giảm nhẹ do tâm lý chờ đợi thì 2 cổ phiếu “tiêu điểm” gọi tên VND và HVN.
Trong đó, HVN bị nhà đầu tư bán tháo sau khi nhận thông tin hạn chế giao dịch từ ngày 12/7 do HVN chưa công bố báo cáo kiểm toán năm 2022. Bên cạnh bị hạn chế giao dịch, HVN còn thuộc diện cảnh báo từ ngày 11/07 vì hãng hàng không này chưa tổ chức đại hội thường niên 2023 quá 6 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính. HVN cho biết sẽ tổ chức đại hội trước ngày 30/08/2023.
Theo đó, phiên 6/7, cổ phiếu HVN giảm kịch sàn về 13.300 đồng/cổ phiếu, dư bán bán sàn hơn 500.000 cổ phiếu. Khối lượng giao dịch tăng mạnh lên 8,6 triệu cổ phiếu, cao nhất trong hơn 1 năm.
Cùng ngày, trước những thông tin chưa xác thực liên quan đến lãnh đạo công ty); và thông tin công bố việc chậm thanh toán lãi gốc lô trái phiếu 1.500 tỷ đồng - được lan đirộng rãi liên quan đến lãnh đạo Công ty CTCP Năng lượng Tái tạo Trung Nam - đơn vị phát hành trái phiếu liên quan nhiều đến VNDirect đã khiến cổ phiếu VND có phiên giao dịch đầy biến động và gây rung động toàn thị trường. Cả phiên, VND khớp gần 106 triệu đơn vị, giá trị giao dịch tương ứng 1.950 tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng giá trị giao dịch sàn HOSE.
Trước sự ảm đạm về mặt thanh khoản, VN-Index đã có sự tăng điểm khá đáng kể khi đóng cửa tuần ở mốc 1138,07 điểm (tăng 11,11%). Dẫn dắt thị trường tuần qua là các nhóm ngành hóa chất, dầu khí và bán lẻ với mức tăng điểm lần lượt là 6,98%, 5,58% và 5,05%.
Đáng chú ý khối giao dịch tự doanh đã có 01 tuần gom hàng với giá trị ròng hơn 870 tỷ đồng. Top các cổ phiếu được tự doanh mua nhiều nhất là GEX, FPT, HPG, STB và VPB.
Diễn biến ngược lại ở khối ngoại, có 1 tuần “xả hàng” với giá trị ròng lên tới hơn 1.800 tỷ đồng. Đặcbiệt phiên 7/7. khi thị trường đảo chiều “trả điểm” cho phiên giảm ngày thứ 5 trước đó thì khối ngoại đã “xả” ra hơn 1.400 tỷ đồng. Top các cổ phiếu bị bán nhiều nhất là EIB, VHM, STB, KDH và PNJ. Trái chiều, “cổ phiếu quốc dân” HPG được khối ngoại “gom” với giá trị mua ròng lên đến hơn 400 tỷ đồng giúp HPG đứng vững trước sóng gió trong tuần qua.
Giảm thuế nhập khẩu xăng, dầu
Ngày 5/7, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Công thương về thuế nhập khẩu bình quân áp dụng trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu. Theo đó, thuế nhập khẩu xăng giảm từ 10% xuống 5,62%, với dầu diesel thuế sẽ giảm xuống còn 0,58%; dầu mazut còn 1,38%. Mức thuế mới được áp dụng ngay từ đầu quý III/2023.
Đánh giá tác động của quy định này, Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS cho rằng, xăng, dầu là nguồn đầu vào của hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh nên việc giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu sẽ trực tiếp làm tiết giảm chi phí của doanh nghiệp, từ đó các sản phẩm được bán ra thị trường với giá cả cạnh tranh hơn.
Trong bối cảnh sức cầu của toàn nền kinh tế bị chững lại vì khủng hoảng kinh tế thì việc hạ được giá bán sản phẩm là một yếu tố quan trọng để kích thích chi tiêu cá nhân, chi tiêu cho hoạt động sản xuất góp phần vào tăng trưởng GDP trong năm 2023. Thực tế cho thấy nhiều các chính sách vĩ mô cần thời gian đủ dài để nền kinh tế hấp hấp thụ.
Tuy nhiên, Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS cho rằng, việc tác động vào giá nhiên liệu sẽ khác bởi chi phí nhiên liệu giảm sẽ giúp giảm chi phí vận tải, điều này sẽ lập tức phản ánh vào giá bán các sản phẩm của hầu hết các ngành nghề trong nền kinh tế. Cho nên, tác dụng của chính sách giảm thuế nhập khẩu xăng, dầu này sẽ được nền kinh tế hấp thụ rất nhanh. Ngoài ra, chính sách này sẽ càng củng cố cho Chính phủ đạt được mục tiêu kiểm soát được lạm phát dưới mức 4,5% trong năm nay, góp phần ổn định vĩ mô, kinh tế xã hội.
Quy định mới từ Ngân hàng Nhà nước ngăn ngừa “bong bóng tài sản”
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (SBV) ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi một số điều về quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Có 3 nội dung đáng chú ý nhất trong sửa đổi, bổ sung lần này của NHNN là:
Bổ sung các mục đích vay vốn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao không được cho vay;
Đốc thúc các NHTM tăng cường giám sát với các khoản vay phục vụ mục đích đầu tư kinh doanh chứng khoán; mua hoặc kinh doanh bất động sản và tạo hành lang pháp lý cho các khoản vay được duyệt thông qua phương tiện điện tử.
Bổ sung một số quy định về việc không được cho vay với một số nhu cầu vay như đảo nợ, để gửi tiền, thanh toán tiền góp vốn, mua chuyển nhượng phần vốn góp tại các công ty cổ phần chưa niêm yết, thanh toán tiền góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư với các dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt mức 4,03%, rất khiêm tốn so với kế hoạch từ đầu năm của Ngân hàng Nhà nước là 14-15%. Chính sách tiền tệ nới lỏng đã giúp thanh khoản hệ thống trở nên dồi dào, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã được đưa về mức rất thấp (dưới 1%). Tuy nhiên lãi suất cho vay thực tế tại thị trường 1 chưa giảm mạnh như kỳ vọng.
Nguyên nhân của hiện tượng này một phần đến từ việc nhu cầu tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do khủng hoảng kinh tế. Để tránh tình trạng dòng vốn đang “tắc nghẽn” lưu thông quá nhiều, thiếu tính kiểm soát vào các kênh tài sản rủi ro như bất động sản, cổ phiếu… mà không đi vào khu vực sản xuất kinh doanh, SBV đã ban hành rất kịp thời Thông tư 06 để khoanh vùng đối tượng để tăng cường giám sát các hoạt động cho vay, cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.
Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS cho rằng, quy định mới tại Thông tư 06 có thể sẽ làm giảm đà tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn. Tuy nhiên dưới góc độ trung và dài hạn thì quy định này sẽ giúp dòng vốn của kênh tín dụng ngân hàng sẽ được phân bổ an toàn hơn cho nền kinh tế, tránh hiện tượng bong bóng tài sản rủi ro trên thị trường tài chính, tạo nền tảng “chậm mà chắc” cho sự phục hồi của kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.
FOMC phát tín hiệu sớm chấm dứt tình trạng “diều hâu”
Nhìn ra thế giới tuần qua, Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ mới đây đã công bố tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia này. Theo đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu bất ngờ giảm trong tuần trước. Đồng thời, mức tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ cũng tăng vượt kỳ vọng tại kỳ báo cáo lần nhất vào tháng 5. Phản ứng trước những số liệu tích cực đó, Ủy ban Thị trường mở Hoa Kỳ (FOMC) tiếp tục phát đi tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất để “triệt tiêu” khả năng tăng trưởng tiêu dùng của quốc gia này.
Mục tiêu cao nhất của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn 1 năm qua của Hoa Kỳ là kiểm soát lạm phát, đưa lạm phát về mức 2%. Tính đến nay, hiệu quả của những lần tăng lãi suất đã phát huy được tác dụng khi lạm phát từ mốc trên 9% đã được hạ xuống còn 4%. Tuy nhiên, để trở về mức lạm phát ổn định (2%) thì Fed còn rất nhiều việc phải làm.
Nhiều tháng qua, chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ gặp lực cản lớn từ việc nhu cầu chi tiêu của người dân chưa bị triệt tiêu một cách triệt để. Thậm chí số liệu về tiêu dùng trong quý I/2023 của quốc gia này còn tăng trưởng so với quý liền trước.
Nhận định về hiện tượng này, Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS cho rằng, sức bật về sức chi tiêu của người dân Hoa Kỳ rất lớn, đến khi nào nhu cầu chi tiêu của người dân được hạ nhiệt một cách triệt để thì khi đó chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed mới có dấu hiệu chấm dứt. Tại cuộc họp của mới đây của FOMC, có 9/18 thành viên ủng hộ quan điểm hướng lãi suất lên mốc 5,625%. Có 2/18 người tham dự cuộc họp ủng hộ việc tăng lãi suất mục tiêu lên mức 5,825%.
Vào thời điểm ngày 07/7/2023, thị trường phái sinh đang đặt cược khả năng 89,9% Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào cuối tháng 7 - theo dữ liệu từ CME FedWatch Tool.
Trước những tín hiệu từ FOMC, thị trường ngoại hối tiếp tục “nóng” khi ngày 7/7, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng nhẹ tỷ giá trung tâm thêm 5 đồng, lên mức 23.833 VND/USD. Tuy nhiên, theo ghi nhận chung của một số CTCK, việc nóng lên bất ngờ của tỷ giá là ngắn hạn, bởi nguyên nhân khiến tỷ giá bật tăng theo tìm hiểu ban đầu được cho là do nhu cầu USD đột xuất từ EVN để trả tiền nhập khẩu điện trong khi chênh lệch lãi suất USD và VND cao khiến dòng tiền thực chảy vào Việt Nam chưa được dồi dào.
Bên cạnh đó, Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cũng cho rằng áp lực tỷ giá hiện tại là chưa đáng ngại bởi dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn còn đang được hỗ trợ rất lớn từ việc cán cân thương mại dương (xuất siêu 12 tỷ USD) và dòng vốn FDI đã tăng trở lại sau 6 tháng đầu năm. Mặc dù chưa đáng ngại nhưng áp lực tỷ giá cần phải sớm kiểm soát để kích thích dòng vốn nước ngoài quay trở lại Việt Nam và ngăn chặn sự “tháo chạy” của dòng vốn ngoại hiện vẫn còn gắn bó.
“Phe mua” và “Phe bán” chưa tìm thấy nhau
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, VN-Index tiếp tục cho tín hiệu trung tính khi đồ thị nến tuần vẫn bám theo và đóng cửa ở trên đường MA200. Việc giá tăng nhưng thanh khoản giảm dần cho thấy quan điểm về định giá của “phe mua” và “phe bán” chưa tìm thấy nhau. Tâm lý chờ đợi là diễn biến chính trong tuần giao dịch vừa qua.
Theo Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS diễn biến này sẽ tiếp tục kéo dài trong vòng 2 tuần tiếp theo cho đến khi kết quả kinh doanh quý 2 của doanh nghiệp dần được công bố chính thức.
Tâm lý chờ đợi và kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý II cho thấy thị trường đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá cổ phiếu rất dễ bị ảnh hưởng bởi tin đồn. Những tin đồn về kết quả kinh doanh hay các hoạt động tái cơ cấu, sắp xếp bộ máy nhân sự doanh nghiệp và đặc biệt là những tin đồn liên quan tới các vị trí lãnh đạo chủ chốt rất dễ tác động vào tâm lý thị trường trong giai đoạn “đói” thông tin như hiện nay. Chính vì vậy các nhà đầu tư nếu khẩu vị rủi ro thấp chưa nên giải ngân trong giai đoạn ngắn hạn này.
Với những nhà đầu tư khẩu vị rủi ro cao, thích tìm cơ hội trong rủi ro thì có thể cân nhắc giải ngân một tỷ trọng vừa phải vào nhóm cổ phiếu mà kết quả kinh doanh quý II đã được các nguồn uy tín dự phóng.
Ngoài các cổ phiếu dự báo kết quả kinh doanh tích cực như nhóm lương thực, gạo (TAR, LTG); nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc tìm kiếm cơ hội ngắn hạn từ các cổ phiếu mà doanh nghiệp được cho rằng đã “chạm đáy” lợi nhuận và sẽ hưởng lợi từ chính sách vĩ mô trong 6 tháng cuối năm như nhóm phân đạm (DPM, DCM), nhóm bán lẻ, hàng tiêu dùng như (DGW, MWG, FRT, MSN). Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, nếu giải ngân trong giai đoạn này, các nhà đầu tư không nên sử dụng margin, không nên giải ngân với tỷ trọng lớn và cần giữ một tỷ trọng tiền mặt đủ lớn để kịp thời “cover” khi thị trường có biến động mạnh.