Góc nhìn TTCK tuần 19 - 23/6: Chú ý dấu hiệu các 'tay to' đang 'thoát hàng'
Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, lực bán ròng của nhà đầu tư cá nhân áp đảo thị trường tuần qua, đây là dấu hiệu cho thấy các 'tay to' đã bắt đầu 'thoát hàng'.
Cá nhân bán ra, khối ngoại “gom hàng”
VN-Index đã có tuần giao dịch với nhiều phiên giằng co, thanh khoản được giữ ở mức cao với hơn 4,47 tỷ cổ phiếu được giao dịch với giá trị hơn 85,4 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt vào phiên giao dịch ngày thứ Sáu (16/6), nhiều nhà đầu tư đã hứng khởi với thông tin Ngân hàng nhà nước hạ lãi suất điều hành, điều này đã tác động tâm lý rất lớn đến toàn bộ thị trường. Có thời điểm, VN-Index tăng hơn 10 điểm trong phiên, tuy nhiên, lực chốt lời đã xuất hiện kéo thị trường giảm điểm mạnh.
Nhờ lực cầu mạnh từ khối ngoại (chủ yếu do các quỹ ETF cơ cấu danh mục) giúp cho VN-Index thu hẹp biên độ giảm, kết thúc tuần giao dịch đầy sôi động ở mức 1.115,22 điểm (tăng 0,69% so với tuần trước). Nhiều mã cổ phiếu nhóm chứng khoán sau khi được kéo gần trần ở phiên sáng đã quay về sát mốc tham chiếu như SSI, HCM, VCI, VND.
Đáng chú ý sau 3 tuần đứng ngoài cuộc chơi, khối ngoại đã quay trở lại và có liên tục 5 phiên mua ròng liên tiếp với tổng giá trị mua ròng đạt hơn 1.700 tỷ đồng. Top các cổ phiếu được khối ngoại mua nhiều nhất là VND, STB, HPG và SSI. Trong đó dòng tiền nước ngoài ghi nhận mua ròng mạnh nhất với cổ phiếu quốc dân HPG.
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu bị khối ngoại bán ra nhiều nhất là VNM, VPB, CTG và VRE. Trongđó, VNM đã có tuần thứ 4 liên tiếp bị khối ngoại bán ròng, với giá trị bán ròng vượt ngưỡng 400 tỷ đồng.
Khối tự doanh tiếp tục có tuần thứ 2 mua ròng với giá trị mua ròng đạt hơn 700 tỷ đồng. Top các cổ phiếu được tự doanh mua nhiều nhất là NVL, VPB, HPG và MWG.
Trái ngược, nhà đầu tư cá nhân trong nước sau 2 tuần hưng phấn mua ròng liên tiếp đã có một tuần “quay xe” khá đột ngột khi đã quay trở lại bán ròng. Với hơn 118 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 3.200 tỷ đồng đã được nhà đầu tư cá nhân trong nước bán ròng trong tuần. Top các cổ phiếu được nhà đầu tư cá nhân bán ròng có là HPG, VND, VHM, VIC, SSI.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành
Ngày 16/6, Ngân hàng Nhà nước ban hành 3 quyết định bao gồm Quyết định số 1123/QĐ-NHNN, Quyết định số 1124/QĐ-NHNN, Quyết định số 1125/QĐ-NHNN để tiếp tục điều chỉnh giảm một số loại lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng trở xuống và lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên, với mức giảm từ 0,25 - 0,5%/tùy loại lãi suất. Quyết định có hiệu lực từ ngày 19/6/2023. Đây là lần thứ 4 liên tiếp kể từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất điều hành.
Việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang càng ngày càng mạnh tay thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên việc tác động vào cung tiền và chi phí lãi vay lúc này chưa phải là yếu tố quyết định để thay đổi bối cảnh “thế trận”.
Thực tế cho thấy sau 3 lần hạ lãi suất điều hành của NHNN, tăng trưởng tín dụng đến nay vẫn thấp, điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang yếu. Bởi vậy, Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, trong giai đoạn kinh tế gặp khó khăn thì cần nhiều giải pháp để tháo gỡ chứ không chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ. Việc chỉ hạ lãi suất điều hành trong khi chính sách tài khóa mở rộng chưa được nền kinh tế hấp thụ thì dòng vốn vẫn không lưu thông ra nền kinh tế.
Thông tin đáng chú ý khác, gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp TP.HCM đã giải ngân 117.000 tỷ đồng, bằng 25,8% gói tín dụng các ngân hàng đăng ký trong năm nay. Đây là gói tín dụng nằm trong chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, được xây dựng từ đầu năm theo kế hoạch nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn về vốn, lãi suất cho doanh nghiệp.
Đã có 20 ngân hàng đăng ký gói hỗ trợ tín dụng, với quy mô hơn 453.000 tỷ đồng để cho doanh nghiệp vay với lãi suất hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho doanh nghiệp gắn với việc tăng hạn mức tín dụng. Trong đó, chương trình cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên, với lãi suất ưu đãi; cho vay hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ.
Như đã đề cập, việc nới lỏng chính sách tiền tệ, tác động vào chi phí sử dụng vốn không phải là “cây đũa thần” để giải quyết bài toán hiện tại. Tuy nhiên, đây là điều kiện cần để vực dậy nền kinh tế, việc tung ra những gói tín dụng ưu đãi góp phần giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn về nguồn vốn, tạo động lực để quay trở lại sản xuất kinh doanh, vận hành trở lại các dự án, nhà máy đã bị dừng hoạt động trước đó.
Thông tin thế giới, FED tạm ngưng, ECB tiếp tục tăng lãi suất. Ngày 14/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tạm dừng tăng lãi suất sau 10 lần nâng liên tiếp, để có thời gian đánh giá về tác động của chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ khởi động vào tháng 3 năm ngoái. Tuy nhiên, quyết định này đi kèm với dự báo rằng trước khi kết thúc năm nay, Fed sẽ có thêm hai lần nâng lãi suất nữa, với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm mỗi lần. Fed cho biết việc tạm dừng tăng lãi suất điều hành sẽ giúp nước Mỹ có thời gian để đánh giá mức độ hấp thụ chính sách tiền tệ thắt chặt trong vòng 01 năm qua, trong bối cảnh cuộc chiến chống lạm phát của Fed bắt đầu có những tín hiệu đáng khích lệ.
Trong khi đó vào ngày 15/06, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định nâng lãi suất chuẩn thêm 25 điểm cơ bản lên 3,5%, đánh dấu một bước đi khác biệt với Fed trong ngày trước đó. ECB đã tiến hành chính sách tiền tệ thắt chặt bằng việc nâng lãi suất điều hành kể từ tháng 7/2022 với mục tiêu là kiểm soát lạm phát. Sau 01 năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã hạ nhiệt nhanh hơn dự báo, với CPI tổng thể tăng 6,1% trong tháng 5/2023, còn CPI tăng 5.3%. Mặc dù lạm phát đã “quay đầu” tuy nhiên mức lạm phát hiện tại của cả Mỹ và EU vẫn còn cách xa mức lạm phát mục tiêu (2%) một khoảng cách rất xa. Điều này cho thấy, chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ và EU chưa có dấu hiệu dừng lại.
Thị trường gặp rủi ro điều chỉnh, không nên mua đuổi, mua vượt đỉnh
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, VN-Index xuất hiện sự rung lắc mạnh khi chỉ số quay về vùng đỉnh cũ tháng 1/2023 ở mốc 1.115 điểm. Nhìn dưới góc độ dài hạn, VN-Index đang ở mức cân bằng. Tuy nhiên, tín hiệu RSI đã về vùng giá quá mua, tạo đỉnh thứ 2 trên mức giới hạn.
Điều này cho thấy khả năng thị trường sẽ điều chỉnh vào tuần giao dịch tiếp theo là rất cao. Tuần vừa qua cũng là tuần bán ròng của nhà đầu tư cá nhân, lực bán ròng áp đảo thị trường, đây là dấu hiệu cho thấy các “tay to” đã bắt đầu “thoát hàng”.
Trong 2 tuần giao dịch kế tiếp, các nhà đầu tư nên thận trọng vì sẽ có nhiều biến động về mặt thông tin. Bao gồm những thông tin về vĩ mô như việc Quốc hội sẽ kết thúc Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV với nhiều quyết sách quan trọng được thông qua. Ngoài ra, ngày 29/6, Tổng cục Thống kê sẽ công bố báo cáo kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, lúc này các kết quả kinh tế xã hội, hiệu quả của các chính sách tài khóa sẽ được đánh giá một cách tổng thể.
Thực tế không có nhiều kỳ vọng bùng nổ trong báo cáo vĩ mô quý II bởi những con số đáng chú ý về doanh số bán lẻ và chi tiêu Chính phủ trong 5 tháng đầu năm đã phản ánh bức tranh khá bi quan của nửa đầu năm 2023.
Ở góc độ thị trường, các quỹ ETF đã kết thúc đợt cơ cấu danh mục trong tháng 6, cho nên sẽ không có lực cầu lớn để đỡ giá nếu thị trường bước vào nhịp điều chỉnh.
Chính vì vậy, Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, các nhà đầu tư hết sức cẩn trọng trong 2 tuần giao dịch kế tiếp, không nên mua đuổi, mua vượt đỉnh với những cổ phiếu đã tăng giá. Với những cổ phiếu cơ bản tốt, kết quả kinh doanh dự kiến thuận lợi cũng nên đợi nhịp điều chỉnh ở vùng giá thích hợp để giải ngân, không nên mua đuổi trong giai đoạn này.