Góc nhìn TTCK tuần 3 - 7/7: Ngóng chờ kết quả kinh doanh, VN-Index tiếp tục định giá lại
Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, thị trường vào nhịp điều chỉnh. Nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp chưa nên giải ngân cho đến khi thị trường xác nhận điểm phục hồi.
Thanh khoản dần “nguội lạnh”, khối ngoại và tự doanh “gom hàng”
VN-Index đã có một tuần giao dịch với thanh khoản gần như “đi ngang”, giá trị giao dịch theo cả hình thức khớp lệnh và thỏa thuận vẫn giữ ở mốc trên 82 nghìn tỷ Đồng với hơn 4 tỷ cổ phiếu được sang tay.
Bất chấp lực bán chốt lời của nhà đầu tư cá nhân ở 3 phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index vẫn giữ điểm và đóng cửa ở mốc hỗ trợ “cứng” 1.120 điểm.
Trái ngược với hành động của nhà đầu tư cá nhân, khối ngoại và tự doanh đã mua ròng giá trị lần lượt là 573 và 197 tỷ đồng. Top các cổ phiếu được khối ngoại mua nhiều nhất điều thuộc nhóm bluechip như HPG, VHM, VNM, PNJ và SSI. Đáng chú ý sau 6 tuần bán ròng liên tiếp, cổ phiếu VNM đã có dấu hiệu mua ròng trở lại của khối ngoại. Diễn biến ở khối tự doanh, top các cổ phiếu được mua nhiều nhất chủ yếu tập trung vào nhóm ngân hàng là STB, EIB, MBB, CTG và cổ “cổ phiếu quốc dân” HPG.
Tổng kết tháng 6, các nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn “làm chủ cuộc chơi” khi giá trị giao dịch chiếm tới 75% VN-Index. Khối ngoại chỉ xuất hiện ở những phiên VN-Index điều chỉnh vì có lực bán chốt lời.
Tăng trưởng GDP thấp, áp lực đè nặng 06 tháng cuối năm
Ngày 29/6, Tổng cục Thống kê đã công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, tăng trưởng GDP 6 tháng 2023 đạt mức 3,74%. Đây là mức khiêm tốn trong cả giai đoạn 2011-2023, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020. Động lực kỳ vọng dẫn dắt tăng trưởng kinh tế là đầu tư công không đạt như kỳ vọng. Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực với việc giải ngân tăng 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng so với kế hoạch thì số giải ngân chỉ đạt 33%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% do Quốc hội đề ra từ đầu năm thì trong 06 tháng còn lại, tăng trưởng GDP phải đạt 9%. Đó là con số cực kỳ thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới và các vấn đề nội tại của Việt Nam vẫn còn rất nhiều bất ổn.
Thêm 2 chính sách kích cầu được ban hành
Ngày 29/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2023/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng. Theo đó, từ ngày 1/7/2023, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định, sau khi điều chỉnh có mức hưởng thấp hơn 3 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm như sau:
Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 2,7 triệu đồng/người/tháng;
Tăng lên bằng 3 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2,7 triệu đồng/người/tháng đến dưới 3 triệu đồng/người/tháng.
Tỷ giá USD/VND lại “nóng”
Nhìn ra thế giới, ngày 28/6 tại một sự kiện do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đăng cai ở Sintra (Bồ Đào Nha), ông Jerome Powell tiếp tục bày tỏ quan điểm cứng rắn về chính sách tiền tệ, ông Powell cho rằng, kỳ vọng lãi suất còn phải tăng thêm vài lần nữa và thậm chí tăng với tốc độ quyết liệt.
Phản ứng trước thông tin này, USD đã lập tức tăng giá. Tỷ giá USDVND đã tăng trở lại sau thời gian dài giữ ở mức ổn định. Tỷ giá trung tâm USDVND ngày 30/6/2023 đã lên tới mức 23.800. Việc tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng tới nhiều vấn đề liên quan tới xuất nhập khẩu.
Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, mặc dù Việt Nam vẫn xuất siêu từ đầu năm, nhưng vì là một quốc gia “gia công” và nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu, nên việc tỷ giá tăng sẽ tạo một lực đẩy rất lớn lên giá nguyên vật liệu đầu vào với ngành chế biến, chế tạo. Trong bối cảnh sức cầu thế giới đang giảm vì khủng hoảng kinh tế, nếu tỷ giá tăng sẽ tạo ra một “cơn gió ngược” mới cho động lực tăng trưởng của xuất khẩu Việt Nam trong 6 tháng cuối năm.
VN-Index điều chỉnh ngắn hạn, chờ đợi kết quả kinh doanh quý II
Thị trường chứng khoán tuần qua cũng có nhiều biến động. Trái ngược với một tuần giảm điểm nhẹ của VN-Index, hầu hết các thị trường lớn châu Á đều tăng điểm. Trong đó chỉ số Nikkei 225 đã tăng 20% tính từ đầu năm, và đạt mức tăng trưởng gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Việt Nam, VN-Index đã xuất hiện áp lực điều chỉnh ngắn hạn. Thanh khoản phiên giao dịch ngày cuối tuần 30/6 đã “nguội lạnh” với giá trị giao dịch chỉ hơn 12.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự lưỡng lự của các nhà đầu tư cá nhân - những người đang làm chủ cuộc chơi trong vòng 1 tháng qua.
Hiện tại, VN-Index đã chạm mức hỗ trợ 1.120 điểm, tiệm cận đường MA20. Tâm lý lưỡng lự của nhà đầu tư cá nhân hiện tại dù là dòng tiền đầu cơ hay là đầu tư thì cũng thể hiện một sự kỳ vọng trong ngắn. Xét trong bối cảnh hiện tại, kỳ vọng này đang được đặt vào kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp.
Tuần tới, các tin dự báo về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ rục rịch xuất hiện ở các hội nhóm. Như chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS đã nhận định từ tuần trước, dù kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp là tốt hay xấu thì dòng tiền chắc chắn sẽ có xu hướng dịch chuyển từ nhóm đầu cơ sang nhóm cổ phiếu cơ bản và thị trường sẽ được định giá lại. Thực tế xu hướng này đã thể hiện từ cuối tuần trước khi lực của của khối ngoại tập trung vào nhóm bluechip.
Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS cho rằng, nhịp điều chỉnh ngắn hạn xuất hiện từ cuối tuần trước sẽ chưa có dấu hiệu dừng lại cho đến khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lần lượt được công bố chính thức. Chính vì vậy, với những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp chưa nên giải ngân cho đến khi thị trường xác nhận điểm phục hồi.