'Gói' Tết ở làng nghề Bờ Đậu
Đã 60 mùa Xuân người dân ở Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu cần mẫn 'gói' Tết cổ truyền trong những chiếc bánh chưng xanh. Để rồi từ đây, hương vị của đất, trời trong chiếc bánh chưng thời Vua Hùng dựng nước sẽ theo chân khách thập phương lên ngược, về xuôi, hiện diện trong mâm cơm ngày Tết của mỗi gia đình dâng lên tiên tổ…
Làng nghề truyền thống bánh chưng Bờ Đậu thuộc xóm 9, xã Cổ Lũng (Phú Lương). Làng nghề trải dài bên Quốc lộ 3 nên chạy xe trên đường chúng tôi đã nhận ra làng nghề với những hàng bánh chưng san sát. Chưa đến Tết, nhưng không khí Xuân ở đây đã chộn rộn lắm rồi. Dừng xe bên đường là bắt gặp những đôi tay thoăn thoắt của các bà, các chị đãi đỗ, rửa lá rong. Theo mùi thơm của lá rong, gạo nếp, chúng tôi bước vào cửa hàng bánh chưng 999 - một trong những cơ sở làm bánh nổi tiếng để nghe chuyện làng nghề.
Bên nồi bánh vừa mới luộc, bà Nguyễn Bích Liên, Trưởng làng nghề nhẹ giọng: Người đầu tiên bán bánh chưng ở đây là cụ Nguyễn Thị Xuân nhưng người làng thường gọi là cụ Đấng. Thời ấy, quán của cụ tuy nhỏ nhưng lúc nào cũng đông khách. Thấy nghề làm bánh của cụ có thể giúp cải thiện cuộc sống gia đình, một vài hộ dân khác cũng học theo để kiếm kế sinh nhai. Từ chỗ chỉ có vài gia đình làm bánh, đến nay, cả làng nghề đã có khoảng 50 hộ sản xuất và bán bánh chưng…
Bà Liên ngừng chuyện nhen thêm lửa trên bêp đúng lúc ông Nguyễn Tiến Sỹ, chủ cửa hàng bánh chưng 999 bước vào, thấy chúng tôi chăm chú nghe chuyện làng bánh, ông tiếp lời: Gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên học theo nghề của cụ Đấng. Trước kia, chúng tôi chủ yếu gói bánh vuông với kích thước nhỏ. Sau khi làm xong, bánh chưng được giao tới các quán nước ven đường để phục vụ nhu cầu của khách thập phương. Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thực khách, chúng tôi cũng sản xuất ra nhiều loại bánh khác nhau như: Bánh vuông, bánh dài, bánh gù, với kích thước phổ biến to gấp 2 lần so với trước kia. Ngoài sản phẩm bánh chưng truyền thống, chúng tôi còn làm thêm các loại bánh mơi như: bánh chưng lá giềng, bánh nếp cẩm, bánh chưng gấc...
Rời cửa hàng bánh chưng 999, chúng tôi ghé thăm cửa hàng bánh chưng Hương Liên cơ sở 2. Thấy khách, chị Trần Thị Thu Hương, chủ cửa hàng dừng tay rửa lá niềm nở rót nước mời, vẫn là chuyện quanh chiếc bánh chưng thời Vua Hùng dựng nước, chị Hương bảo: Tôi là thế hệ thứ hai trong gia đình theo nghề làm bánh chưng. Từ nhỏ, chúng tôi đã được kế thừa cách gói bánh chưng truyền thống từ cha mẹ. Để làm ra một chiếc bánh chưng ngon, ngoài việc lựa chọn nguyên liệu tốt thì một trong những yếu tố quan trọng chính là nhân bánh. Tùy từng nhà sẽ có bí quyết pha trộn gia vị cho nhân bánh khác nhau để khi bóc bánh ra sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngon, đậm đà của nhân bánh. Một điều khác biệt giữa cách làm bánh của bà con làng nghề so với những nơi khác là bánh chưng luôn được gói bằng tay chứ không gói bằng khuôn. Điều này đòi hỏi ngươi gói phải nhanh nhưng cũng cần tỷ mỉ và khéo léo.
Hiện nay, các hộ dân trong làng nghề gói bánh thành nhiều loại với mức giá dao động từ 20 đến 30 nghìn đồng/chiếc (tùy kích thước bánh). Vào dịp Tết, người dân sẽ gói những chiếc bánh với kích thước to hơn nên giá cả dao động từ 40 đến 50 nghìn đồng/chiếc. Với hương vị thơm ngon, đậm vị cổ truyền, thương hiệu bánh chưng Bờ Đậu ngày càng nức tiếng gần xa, lượng khách hàng thập phương ghé qua mua hoặc đặt bánh ngày càng tăng. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, làng nghề luôn tấp nập người gói bánh và nổi lửa luộc bánh quanh năm, tuy nhiên nhộn nhịp nhất vẫn là những ngày giáp Tết.
Chị Nguyễn Thị Thu, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên): “...Những chiếc bánh chưng xanh với hương vị đậm đà của Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu đã giúp cho ngày Tết của gia đình tôi thêm đủ đầy, ấm cúng.”