Gói thuốc độc của tuyển Italy dành cho Bỉ
Những ranh giới trong bóng đá hiện đại rất mờ nhạt. Trong quá khứ, rất dễ phân biệt trường phái bóng đá Anh, Đức, Italy, Hà Lan. Điều đó lúc này không còn nữa.
Tuyển Italy không còn đá phòng thủ catenaccio. Họ chơi theo kiểu tiki-taka. Bỉ với hàng tấn công thượng thặng với một HLV đề cao bóng đá đẹp bỗng nhiên chuyển thành đội phòng thủ siêu hạng.
Chất lượng hàng thủ của Bỉ rất cao
Vào đầu giải, nếu nói Italy gặp Bỉ, mọi người bảo Bỉ sẽ tấn công và không biết Italy bố trí phòng thủ như thế nào, để ngăn chặn sức tấn công của đối thủ. Nhưng bây giờ, ai cũng bảo Italy sẽ tấn công, còn Bỉ sẽ phòng thủ.
Bỉ bắt đầu tự tin với lối chơi phòng thủ của họ. Một phần do "Quỷ đỏ" đau khổ với các bài học kinh nghiệm trước đây. Họ tấn công và chơi bóng lộng lẫy, cuối cùng phải nhận thất bại.
Các ngôi sao Kevin De Bruyne và Eden Hazard cũng không còn sung sức. Chưa kể, bộ đôi này khó có thể ra sân chạm trán Italy.
Ở trận gặp Bồ Đào Nha tại vòng 1/8, Bỉ cầm bóng 43%, ít nhất trong nhiều năm trở lại đây (theo số liệu từ Opta). Họ có một cú sút trúng đích và không được quả phạt góc nào.
Nhưng thầy trò Roberto Martinez cho thấy khi chọn phòng thủ, họ cũng giỏi giang không kém ai. Bồ Đào Nha sút 23 cú về phía Bỉ, nhưng phần lớn ở khoảng cách xa, vô hại, phung phí. Chỉ có 2-3 pha bóng đe dọa được thủ môn Thibault Courtois.
Italy phải mất 120 phút để giành chiến thắng trước Áo phòng thủ ngoan cường, kỷ luật. Đó là trận kém thuyết phục nhất của Italy từ đầu giải.
Điều này cho thấy những hạn chế về mặt con người của Italy. Bỉ đặt ở chế độ phòng thủ sẽ là phiên bản cao hơn nhiều so với Áo. Một bài toán khó để thử thách HLV Roberto Mancini.
Italy thiếu cá nhân xuất sắc
Trong các trận chiến, người ta thường lượng hóa: Muốn công thành thắng lợi, lực lượng tấn công phải có số người ít nhất là gấp ba lần lực lượng phòng thủ. Trong bóng đá, số người là ngang nhau, chọn lối đá thủ chắc chắn dễ hơn tấn công.
Muốn giành phần thắng khi chọn lối đá tấn công, đội phải có những cầu thủ đẳng cấp thế giới. Với các tố chất như một đường chuyền có thể xé tan hàng thủ đối phương, hay nửa cơ hội cũng tạo nên bàn thắng.
Các nhà vô địch giải lớn trong những năm qua đều có cầu thủ như thế: Zinedine Zidane, Ronaldo, Francesco Totti, Andres Iniesta. Trước nữa, bóng đá thế giới có Pele, Bobby Charlton, Diego Maradona.
Nhưng Italy hiện nay không có cầu thủ nào như vậy. Bộ ba tấn công Lorenzo Insigne, Ciro Immobile, Domenico Berardi đều chỉ được xem là những người có phong độ ổn định tại Serie A, chưa có dấu ấn đáng kể nào trong bóng đá quốc tế.
Đến đấu trường như Champions League, các cầu thủ đội khác góp mặt thường xuyên cũng là xa lạ với họ. Immobile không thường xuất hiện ở Champions League. Domenico Berardi chỉ thi đấu cho đội bóng nhỏ Sassuolo.
Lối chơi của Insigne không khó đoán, từ cánh trái với cái chân phải thuận, anh chỉ có một kiểu: dẫn bóng xuống, lấy má ngoài chân phải ngoặt bóng lại và cứa lòng trong vào góc xa. Immobile di chuyển và có cảm giác không gian tốt nhưng những cú chạm bóng của anh không mềm mại, mượt mà.
Nhưng Italy có dàn quân đồng đều
Về lý thuyết, chất lượng các cầu thủ tấn công này của Italy không thể làm khó được phòng tuyến của Bỉ. Vậy Italy có lợi điểm nào để hy vọng?
Thứ nhất, Euro này được sử dụng 5+1 cầu thủ dự bị, nên chiều sâu đội hình rất quan trọng. Tuyển Italy có điều này. Dù không có ngôi sao thật sự nổi bật, chất lượng các cầu thủ của đoàn quân áo thiên thanh đồng đều từ sân bóng lên ghế dự bị.
Ví du,5 Federico Chiesa tỏa sáng trận gặp Áo. Matteo Pessina, cầu thủ dự bị khác, còn gây ấn tượng mạnh hơn với 2 bàn thắng vào lưới Wales và Áo. Cầu thủ của CLB Atalanta này chỉ được gọi vào phút cuối khi các tiền vệ khác là Lorenzo Pellegrini và Stefano Sensi không kịp hồi phục chấn thương để dự giải.
Chiều sâu đội hình cho phép HLV Mancini thực hiện nhiều phương án tấn công, rút cầu thủ mệt mỏi ra để thay cầu thủ khác chất lượng tương đương vào sân. Berardi có thể "quậy" cho Jan Vertonghen mệt nhoài, để cho Chiesa vào sân từ ghế dự bị luôn hơn Vertonghen một bước chân.
Thứ hai, Italy có sự gắn kết cá nhân và linh hoạt trong luân chuyển vị trí. Hệ thống 4-3-3 của họ chuyển sang hệ thống 3-2-5 mềm mại, cho phép 5 cầu thủ có thể xuất hiện quanh vòng cấm đối thủ khi tấn công: Immobile, Insigne, Berardi và Nicolo Barella, Leonardo Spinazzola.
Tuy nhiên, nếu đối thủ phòng thủ sâu, với 8-9 người phía sau quả bóng như Áo thì 5 cầu thủ tấn công cũng không đủ. Bỉ với 3 trung vệ và 2 wing-back là đủ người để một chọi một với các cầu thủ tấn công của Italy. Việc có thêm 2 tiền vệ trụ Axel Witsel và Youri Tielemans giúp thế thủ của Bỉ càng chắc.
Bí mật nằm ở miếng đánh vu hồi
Vì vậy, điều thứ ba này mới quan trọng để giúp Italy kéo dãn, phá vỡ khối phòng thủ của Bỉ: Các đường chuyền về. Đánh trực diện không phá được phòng tuyến đối phương, đội bóng phải chọn cách đánh vu hồi, tức dùng cánh quân thứ hai tách ra từ lực lượng chính đánh vòng sang bên sườn và ra sau lưng đối thủ.
Pha ghi bàn 2-0 của Italy trước Áo trở thành ví dụ mẫu mực. Insigne đá phạt góc, bóng được phá ra đến chân Manuel Locatelli. Cầu thủ này chuyền ra biên lại cho Insigne. Rồi Insigne chuyền bóng 50 m về phía sân nhà lại cho Spinazzola.
Ngạc nhiên hơn, Spinazzola bấm bóng trở lại cho Insigne ở biên trái. Khối phòng thủ Áo dãn ra bởi các đường chuyền bổng và dài. Tiếp theo, Insigne tạt bóng từ biên vào trung lộ và đón bóng là trung vệ Francesco Acerbi và tiền vệ Pessina đã lẳng lặng lẻn vào. Pessina ghi bàn trong sự ngỡ ngàng của các cầu thủ Áo.
Italy sẽ sử dụng nhiều đường chuyền về kiểu này để gây bất ngờ, Jorginho, Marco Verratti, Leonardo Bonucci, Spinazzola đều giỏi chuyền những cú như vậy. Đừng nghĩ khi Italy dồn nhiều người sang một bên, họ sẽ đột phá vào bên đó. Hiểm họa thực sự nằm ở cánh quân bí mật phía bên không người kia.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/goi-thuoc-doc-cua-tuyen-italy-danh-cho-bi-post1233797.html