Gợi ý chính sách từ bức tranh doanh nghiệp

TS. Bùi TrinhSáng nay Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận kéo dài hai ngày về tình hình kinh tế - xã hội. Bức tranh tổng thể về doanh nghiệp - nhìn từ Sách Trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì biên soạn và công bố - có thể tham góp một số hàm ý chính sách cho các khu vực doanh nghiệp trong thời gian tới.

Sách Trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2022 cho thấy, trong nhiều năm qua, khu vực doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI) đã đóng góp trên 60% vào kết quả tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Nếu chỉ tính riêng doanh nghiệp trong nước thì đóng góp vào GDP của cả nước chỉ khoảng trên dưới 30%, hơn 20% là đóng góp của khu vực FDI. Như vậy, ngoài 10% là thuế sản phẩm, khoảng 40% đóng góp vào GDP là từ các khoản không tạo ra lợi nhuận như các khoản chi thường xuyên từ ngân sách, các hoạt động không vì lợi nhuận, nhà ở tự có tự ở và khu vực hộ cá thể… Vì theo nguyên tắc của Hệ thống tài khoản Quốc gia (SNA), giá trị tăng thêm của các hoạt động không tạo ra lợi nhuận như đã nói ở trên cũng được tính vào GDP, giá trị tăng thêm của các hoạt động này cơ bản là lương của người lao động và khấu hao tài sản cố định. Và tăng trưởng GDP như vậy rất ít ý nghĩa.

Số liệu doanh nghiệp Việt Nam được công bố trong Sách Trắng cũng cho thấy dường như có hai nền kinh tế trong một nền kinh tế. Đó là nền kinh tế trong nước (bao gồm doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp ngoài Nhà nước) và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI).

Trong giai đoạn 2016 - 2020, doanh nghiệp ngoài Nhà nước là khu vực tạo ra doanh thu cao nhất trong toàn bộ doanh nghiệp. Bình quân mỗi năm, doanh nghiệp ngoài Nhà nước tạo ra 13,2 triệu tỷ đồng, chiếm 57% doanh thu toàn bộ doanh nghiệp, tăng 101,3% so với bình quân 5 năm trước đó (2011 - 2015). Cũng trong giai đoạn này, doanh nghiệp FDI tạo ra 6,6 triệu tỷ đồng, chiếm 28,8% doanh thu, tăng 118,6%. Doanh nghiệp Nhà nước tạo ra 3,3 triệu tỷ đồng, chiếm 14,2% doanh thu, tăng 15,1% (trong đó doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước tạo ra 2,1 triệu tỷ đồng, chiếm 9% doanh thu và tăng 16,4%).

Tuy doanh thu thuần của khu vực FDI chiếm 28,8% nhưng lợi nhuận trước thuế lại chiếm gần 49% tổng lợi nhuận trước thuế của nền kinh tế. Năm 2020, doanh nghiệp FDI tạo ra lợi nhuận cao nhất trong toàn bộ doanh nghiệp, đạt 463,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 21 tỷ USD), tăng 14,1% so với năm 2019; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tạo ra 295,9 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, tăng 6,6%. Trong khi đó, doanh nghiệp Nhà nước tạo ra 195 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, giảm 5,5% (trong đó doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tạo ra 112,6 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, giảm 4,5%).

Tuy nhiên, số liệu trên niên giám Thống kê cho thấy, năm 2020 chi trả sở hữu ra nước ngoài của nền kinh tế là 400 nghìn tỷ đồng. Như vậy, phải chăng khu vực FDI tạo ra lợi nhuận lớn nhất nhưng phần lợi nhuận đó chuyển về nước gần hết (khoảng 86%)?

Tính toán hiệu quả đầu tư thông qua hệ số ICOR cho 3 khu vực kinh tế Nhà nước, ngoài nhà nước và khu vực FDI trong 2 giai đoạn 2016 - 2021 và 2010 - 2015 cho thấy, hiệu quả đầu tư có chiều hướng kém đi. Hệ số ICOR giai đoạn 2010 - 2015 là 7 thì giai đoạn 2016 - 2021 là 9,1. Trong đó, khu vực kinh tế Nhà nước hệ số ICOR tăng từ 13,03 lên 17,8. Hiệu quả đầu tư khu vực kinh tế ngoài Nhà nước cũng giảm sút, khi hệ số ICOR từ 6,2 tăng lên 9,4. Riêng khu vực FDI, hiệu quả đầu tư giảm nhẹ - loanh quanh mức 6,3.

Những con số nêu trên có thể gợi vài hàm ý cho các nhà hoạch định chính sách trong phát triển doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp suy kiệt hiện nay. Một trong số đó là cần tiếp tục có các chính sách hiệu quả, tạo điều kiện và thúc đẩy khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước phát triển mạnh mẽ và bền vững để góp phần củng cố nội lực của đất nước.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/goi-y-chinh-sach-tu-buc-tranh-doanh-nghiep-i330858/