Golden Gate âm thầm tiến vào lĩnh vực giao đồ ăn, trà sữa
Điểm khác biệt của GDeli so với các ứng dụng giao đồ ăn hiện nay, đó là Golden Gate chỉ phục vụ các món ăn, thức uống của thương hiệu F&B trực thuộc hệ thống công ty bao gồm: Manwah, Gogi, Kichi-kichi, Ashima, Daruma, Yu Tang, Shogun, Icook,...
Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, CTCP Tập đoàn Golden Gate đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 6.887 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, mục tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ là 167 tỷ đồng, giảm hơn 74% so với năm 2022.
Kế hoạch kinh doanh của Golden Gate đã phần nào phản ánh tình hình khó khăn với ngành bán lẻ trong năm nay. Trước đó, các doanh nghiệp bán lẻ đầu ngành như Thế Giới Di Động, FPT Retail đều đặt mục tiêu lợi nhuận rất thấp.
Phía Golden Gate cho biết, công ty sẽ tiếp tục tập trung vào mảng kinh doanh nhà hàng trên toàn quốc, bên cạnh việc phát triển thêm các thương hiệu F&B mới.
Đáng chú ý, tài liệu họp ĐHĐCĐ 2023 cũng nhắc tới một lĩnh vực mà Golden Gate mới tham gia gần đây, là "đồ ăn giao hàng".
Theo tìm hiểu, đây là mảng kinh doanh có tên "GDeli" - bắt nguồn từ sáng kiến của Golden Gate trong bối cảnh đại dịch bùng phát, khách hàng không thể tới ăn trực tiếp các nhà hàng mà phải sử dụng dịch vụ gọi đồ ăn giao tận nhà.
Điểm khác biệt của GDeli so với các ứng dụng giao đồ ăn hiện nay, đó là Golden Gate chỉ phục vụ các món ăn, thức uống của thương hiệu F&B trực thuộc hệ thống công ty.
Các thương hiệu này bao gồm: Manwah, Gogi, Kichi-kichi, Ashima, Daruma, Yu Tang, Shogun, Icook,...
Phí giao hàng từ 20.000 - 90.000 cho một đơn hàng tùy khoảng cách. GDeli sẽ giao hàng trong ngày từ 9h00 -21h00, phục vụ cả thứ 7, chủ nhật và ngày lễ. Phạm vi giao hàng là Hà Nội, các tỉnh Miền Bắc và TP. HCM.
Nói về năm 2022 trước đó, Golden Gate cho biết, công ty đã đạt được thành công khi cả doanh thu và lợi nhuận đều lên cao nhất lịch sử. Nguyên nhân là do sự trở lại của nền kinh tế và nhu cầu ăn uống tăng cao sau đại dịch Covid-19.
Cụ thể, Golden Gate đạt doanh thu 6.965 tỷ đồng trong năm 2022, gấp hơn 2 lần so với năm 2021. Lợi nhuận gộp về bán hàng của Golden Gate cũng tăng lên mức 4.314 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ mức 58% tăng lên 62%.
Tận dụng khoảng thời gian nhịp kinh doanh chậm lại trong thời kỳ dịch, công ty đã chú trọng đầu tư vào nâng cao năng lực quản lý, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, cải thiện các sản phẩm dịch vụ để mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Thêm vào đó, Golden Gate đẩy mạnh xây dựng công nghệ chuyển đổi số (các ứng dụng bán hàng, quản lý thông tin khách hàng, quản lý tài sản, lập kế hoạch và quản lý vận hành tại nhà hàng...) làm nền tảng cho việc nâng cao hiệu quả vận hành, chăm sóc khách hàng, tối ưu chi phí.
Ngoài ra, trong năm 2022 công ty bước vào những mảng kinh doanh mới như cung cấp suất ăn tại Bệnh viện Bạch Mai.
Gần đây, công ty cũng chính thức đổi tên thành CTCP Tập đoàn Golden Gate và logo nhận diện thương hiệu mới từ ngày 6/6/2023.
Được biết, đây là lần đầu tiên Golden Gate chủ động thực hiện thay đổi tên và logo nhận diện thương hiệu sau 18 năm thành lập.
Xuất phát điểm từ một startup ẩm thực với khởi đầu là nhà hàng lẩu nấm Ashima năm 2005 tại Hà Nội, đến nay, Golden Gate đã sở hữu hơn 23 thương hiệu cùng hơn 450 nhà hàng trên gần 50 tỉnh thành, phục vụ hơn 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm.
Ông Đào Thế Vinh - CEO Golden Gate cho biết, việc đổi tên và logo nhận diện thương hiệu thể hiện quyết tâm của công ty đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới, cũng như mang mô hình ẩm thực quốc tế về Việt Nam.