Gốm Bàu Trúc, Dệt Mỹ Nghiệp: Tinh hoa Văn hóa Chăm ở Ninh Thuận
Ngoài tháp Chăm với vẻ đẹp huyền bí, mảnh đất đầy nắng gió Ninh Thuận còn được biết đến với 2 làng nghề truyền thống thuộc loại cổ xưa nhất của khu vực Đông Nam Á.
Với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, những nghệ nhân của 2 làng nghề gốm Bàu Trúc và làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước đã tạo ra những sản phẩm vô cùng độc đáo và mang vẻ đẹp đặc trưng của người Chăm. Bằng tất cả tâm huyết, sự cần mẫn, đồng bào người Chăm ở Ninh Thuận đã và đang tiếp tục duy trì, gìn giữ và phát triển, đưa những tinh hoa văn hóa độc đáo của quê hương mình đi khắp năm châu.
Độc đáo gốm Bàu Trúc
Làng gốm Bàu Trúc cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm chừng 10km về phía Nam. Hiện trong làng có khoảng 400 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề gốm truyền thống.
Không giống như gốm Bát Tràng ở Hà Nội hay gốm Chu Đậu ở Hải Dương, gốm Bàu Trúc có những nét độc đáo rất riêng. Trong từng sản phẩm làm ra đều thể hiện sự tinh tế, kỹ lưỡng và chịu khó của người phụ nữ Chăm truyền thống. Từng đường xoay, chải vuốt đều rất tỉ mẩn vì đây là loại gốm hoàn toàn làm thủ công.
Gốm Bàu Trúc mang nhiều nét biểu trưng của nền văn minh Champa cổ xưa. Điểm độc đáo trước tiên phải bắt nguồn từ đất. Cả Ninh Thuận có đến hàng chục làng Chăm nhưng chỉ có đất từ cánh đồng bên bờ sông Quao của làng Bàu Trúc mới có thể làm được gốm. Đây là loại đất sét nổi tiếng dẻo, mềm. Vì vậy thay vì dùng bàn xoay, người làm phải dùng cả người để xoay. Mỗi sản phẩm gốm làm ra đều mang tâm tư, tình cảm của người thợ.
Hơn nửa đời người gắn bó với nghề gốm, bà Đàng Thị Trình đã trải qua nhiều thăng trầm với nghề ở làng Bàu Trúc.
Theo bà Trình, gia đình bà làm gốm đã bao đời nay. Bà bắt đầu làm gốm từ năm 18 tuổi, nay đã 53 tuổi, cũng phải vất vả, gian nan lắm mới thạo nghề như bây giờ.
“Nghề của mình cũng lắm thăng trầm nhưng biết sao được, cái gốc mình ở đây mà, nên buồn vui gì cũng làm hết. Cứ làm hoài không biết mệt”, bà Trình chia sẻ.
Để thích nghi với những thay đổi của thị trường, từ năm 2000, ngoài làm đồ gốm truyền thống là gia dụng, gia đình bà Trình còn làm thêm gốm mỹ nghệ để có đầu ra tốt hơn.
Không riêng nhà bà Trình, nhiều hộ làm gốm trong làng Bàu Trúc cũng nhanh chóng thay đổi, bắt kịp xu hướng của thị trường.
Từ một nghề làm trong lúc nông nhàn, các sản phẩm làm ra chỉ để phục vụ trong cộng đồng người Chăm, hiện nay gốm Bàu Trúc đã được nâng tầm, với thiết kế, cách trang trí hiện đại, mới lạ, gốm nơi đây đã trở thành một sản phẩm hàng hóa được trao đổi, mua bán tại nhiều nơi trong nước, thậm chí là ra cả nước ngoài.
Để có sự phát triển này phải kể đến sự ra đời của HTX gốm Bàu Trúc, nhiều hộ dân tham gia HTX cho biết đây là cách họ chung tay, góp sức vực dậy làng nghề truyền thống, mong muốn đưa thương hiệu gốm Bàu Trúc vươn xa thông qua việc đẩy mạnh sản xuất gắn với du lịch. Theo anh Phú Hữu Minh Thuần, chủ nhiệm HTX gốm Bàu Trúc, những năm qua làng gốm thu hút nhiều khách du lịch, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết. Không chỉ là khách trong nước mà có những đoàn khách lớn từ nước ngoài như Anh, Pháp, Nga…
“Giờ đây cái khó là nguồn lực thiếu, nhất là người trẻ như mình. Vì làm ăn khó khăn không đủ trang trải cuộc sống nên mọi người đi làm ăn xa ở Bình Dương, TP.HCM… Mình muốn tập hợp những người trẻ yêu nghề và muốn phát triển nghề để chung tay đưa gốm Bàu Trúc đi lên. Một mình mình thì làm không xuể”, anh Phú Hữu Kate, thợ điêu khắc gốm Bàu Trúc bộc bạch thêm.
Năm 2017, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công bố quyết định chứng nhận nghệ thuật làm gốm của người Chăm Bàu Trúc được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Hiện làng nghề này đã được Chính phủ đồng ý và trình UNESCO xem xét đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
“Với sự chỉ đạo của UBND tỉnh thì ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đã hoàn tất các hồ sơ. Hy vọng trong năm nay hoặc năm sau hồ sơ của gốm Bàu Trúc sẽ vào danh sách của UNESCO. Sau khi được công nhận thì chúng tôi sẽ có một chương trình hành động để bảo vệ theo đúng nghĩa khẩn cấp”, ông Phạm Văn Thành, đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Ninh Thuận cho biết thêm.
Làng dệt cổ Mỹ Nghiệp
Nói về văn hóa Chăm, sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến làng dệt Mỹ Nghiệp. Cùng với gốm Bàu Trúc, đây là một trong hai làng nghề lâu đời còn may mắn được gìn giữ cho đến ngày nay.
Theo dân gian truyền miệng, dân làng nơi đây được truyền nghề từ tổ nghề là bà Ponaga vào khoảng thế kỉ 17. Hàng trăm năm qua, những hoa văn, họa tiết và cách dệt hoàn toàn thủ công của thổ cẩm Mỹ Nghiệp vẫn được giữ nguyên vẹn từ đời này sang đời khác.
Thơ cổ người Chăm có đoạn “Đạo đàn bà giữ nhà, ham ăn người đời cười chê. Tập dệt vải, quay tơ”. Đối với đồng bào dân tộc Chăm thì một trong những tiêu chí đánh giá phẩm hạnh của người phụ nữ là kỹ năng dệt thổ cẩm, bởi đây là công việc gắn với họ gần như suốt cả cuộc đời.
Đối với đồng bào Chăm, thổ cẩm được xem như tấm gương phản chiếu một cách rõ nét và có chiều sâu về lịch sử, về những tập quán sinh sống và văn hóa truyền thống xa xưa của cộng đồng người Chăm.
Gắn bó với nghề dệt từ nhỏ, bà Thuận Thị Trào – Chủ nhiệm HTX Dệt Mỹ Nghiệp cho biết, những người gắn bó với nghề dệt phải am hiểu sâu về kỹ thuật, khâu chọn chất liệu rất quan trọng. Sản phẩm phải có tính sáng tạo mới thu hút người dùng. Nghề dệt đòi hỏi tính thẩm mỹ cao, để làm được điều đó người thợ phải có hoa tay, óc thẩm mỹ, am hiểu từng đường nét, màu sắc, hình khối và sự kết hợp giữa các linh vật.
Cũng như các làng nghề khác, Mỹ Nghiệp đã trải qua những năm tháng khó khăn, nhưng với lòng yêu nghề và tài năng, những người thợ dệt Mỹ Nghiệp vẫn đang âm thầm nuôi dưỡng nghề truyền thống của dân tộc.
Bà Trào chia sẻ: “Làn gió mát thời mở cửa khiến hàng thổ cẩm Mỹ Nghiệp có điều kiện vươn xa, để khách hàng, đặc biệt là khách nước ngoài biết đến và ưa chuộng. Tiếp sau các cơ sở chuyên sản xuất thổ cẩm với quy mô lớn, năm 2010, HTX thổ cẩm Mỹ Nghiệp được thành lập, thu hút hơn 73 xã viên. Việc góp vốn làm ăn chung theo cơ chế thị trường đã đem lại lợi ích cho các thành viên HTX, kích thích họ phát huy tính sáng tạo trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từ lúc có nhà trưng bày, nhà biểu diễn này thi các nghệ nhân tập trung lại, khôi phục các hoa văn cổ, những gì mất đi nay đã dần được tìm lại. Mỗi năm, nơi đây được tổ chức 2 lớp học để khôi phục nghề này đó. Hồi xưa người dân mình làm nông nghiệp nhiều hơn, từ khi có làng du lịch này thi 80% người dân Mỹ Nghiệp giữ được nghề”.
Được sự quan tâm của các cấp chính quyền và chính nỗ lực của mỗi người thợ, sản phẩm thổ cẩm Mỹ Nghiệp từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường và ngày càng được nhiều người biết đến.
Nhiều sản phẩm của làng nghề được trưng bày ở các cuộc triển lãm, hội chợ quốc tế trong nước, được khách nước ngoài ưa chuộng. Không dừng lại ở sản phẩm mang tính truyền thống, các cơ sở dệt trong làng còn làm ra những mặt hàng lưu niệm với những mẫu mã và chủng loại phong phú như: cà vạt, túi xách, ví, áo ghi lê, ba lô…để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ…
“Cả 2 làng nghề mình đến thăm ở Ninh Thuận đều rất lôi cuốn, nhất là dệt Mỹ Nghiệp, dù làm bằng tay thôi mà nhìn rất đẹp mắt. Mong cho ngày càng nhiều du khách biết và đến đây”, chị Thanh một khách du lịch ở Hà Nội chia sẻ.
Theo ngành văn hóa du lịch tỉnh Ninh Thuận, ngày càng có nhiều người, du khách đến với các làng nghề truyền thống. Vì thế cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương, sự sáng tạo của các cơ sở làng nghề sẽ là giải pháp để bảo tồn và phát triển làng nghề thủ công truyền thống, góp phần làm phong phú, đa dạng sản phẩm của du lịch Ninh Thuận.
Ninh Thuận hiện có ba làng nghề truyền thống được công nhận gồm nghề gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, dệt thổ cẩm Chung Mỹ và hàng chục làng có các nghề tiểu thủ công nghiệp sản xuất những mặt hàng đặc thù của địa phương đang trên đà phát triển như nghề làm nước mắm, chế biến hải sản, sản xuất đồ mỹ nghệ, chế biến sản phẩm rượu nho, nho sấy, táo sấy, chuối sấy, măng khô… phục vụ thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu.
Để làng nghề phát triển bền vững, tỉnh Ninh Thuận đã, đang và sẽ tập trung huy động các nguồn lực triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển làng nghề như đầu tư hạ tầng làng nghề; quy hoạch, khai thác nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất; nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.