Gốm Bàu Trúc phát triển trên nền tảng văn hóa Chăm
Trong giai đoạn hiện nay, khi người tiêu dùng có yêu cầu thẩm mỹ cao, làng gốm Bàu Trúc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận phải tìm hướng đổi mới để phát triển. Tuy nhiên, việc phát triển vẫn phải dựa trên nền tảng văn hóa Chăm để giữ được dáng vẻ và nét đặc sắc riêng.
Làng gốm Bàu Trúc được xem là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến ngày nay, nổi tiếng với những sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo, mang đậm nét văn hóa Chăm. Nét độc đáo của nghề làm gốm làng Bàu Trúc là phương pháp thủ công chứa đựng tính nghệ thuật cao. Ở những nơi khác, người ta dùng bàn xoay để nặn gốm, còn dân làng Bàu Trúc vẫn dùng đôi tay khéo léo để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời.
Nghệ nhân Trương Thị Gạch người đã có trên 70 năm làm nghề gốm ở làng Bàu Trúc, cho biết: “Làm bằng tay, xoay bằng mông” là cách nói dân dã về kỹ thuật làm gốm Bàu Trúc. Động tác đặc sắc là người cứ xoay tròn. Xoay sao cho tròn, xoay càng lâu sản phẩm càng đẹp, càng tròn và cân đối. Cứ đi quay tròn, xoay người xong để khô rồi cạo, trà rồi tạo hoa văn, phơi khô một lần nữa rồi đem đi nung. Một ngày tính ra xoay như vậy thợ làm gốm phải đi bộ tới 7 đến 8 km. Sản phẩm đặc trưng là làm bằng tay không làm bằng khuôn nên không có cái nào giống cái nào.
Gốm Bàu Trúc hoàn toàn khác so với gốm của những nơi khác. Các hoa văn trang trí trên gốm Bàu Trúc là những đường khắc vạch hình sông nước, chấm vỏ sò và hoa văn thực vật, có cả hoa văn móng tay trên vai cổ gốm rất mộc mạc. Do không phủ men, nên gốm Bàu Trúc có màu đặc trưng vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu, tạo thành các sản phẩm gốm độc đáo, tính độc bản cao. Và đó cũng chính là yếu tố để nghề làm gốm ở đây nổi tiếng, vang xa.
Trước đây, làng gốm Bàu Trúc chuyên sản xuất các đồ gia dụng như: Lu, chum, vại, lò, ấm, nồi…chủ yếu để tiêu thụ trong tỉnh. Từ một nghề phụ làm trong lúc nông nhàn, dần dần gốm Bàu Trúc trở thành sản phẩm hàng hóa được đưa đi trao đổi, buôn bán tại các tỉnh, thành lân cận như: Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên và một số tỉnh, thành phố khác.
Ngày nay, gốm Bàu Trúc phát triển thêm dòng gốm mỹ nghệ được ứng dụng chế tác phong phú hơn phục vụ du lịch và đời sống thẩm mỹ. Giám đốc HTX gốm Chăm Bàu Trúc - Phú Hữu Minh Thuần cho rằng: Song song với việc áp dụng khoa học công nghệ vấn đề quan trọng nhất vẫn là con người. Theo ông Thuần, văn hóa Chăm đã in sâu vào trong tiềm thức của người dân đặc biệt là những nghệ nhân làm gốm Bàu Trúc. Chính vì vậy việc phát triển vẫn dựa trên nền tảng văn hóa Chăm để giữ được dáng vẻ và nét đặc sắc riêng. Có như vậy, gốm Chăm Bàu Trúc mới có chỗ đứng vững trên thị trường. Từ suy nghĩ đó, các nghệ nhân làng gốm đã mạnh dạn thay đổi mẫu mã, tạo ra sản phẩm mới với nhiều kiểu lạ, trang trí hoa văn độc đáo, đảm bảo chất lượng để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh việc cải tiến dòng sản phẩm gốm dân dụng, hiện nay gốm Bàu Trúc đang đẩy mạnh phát triển dòng gốm trang trí, gốm mỹ nghệ có hàm lượng thẩm mỹ, cho giá trị kinh tế cao như: Đèn gốm trang trí, đèn ngủ, lọ hoa, bình nước, bình trà, lục bình, tháp nước, các biểu tượng văn hóa phương Tây, văn hóa phương Đông, văn hóa Chăm. Gốm Bàu Trúc hiện có hàng nghìn sản phẩm với nhiều chủng loại khác nhau, có giá từ vài chục nghìn đồng đến hàng triệu đồng/sản phẩm.
Hiện nay, làng gốm Bàu Trúc có khoảng 500 hộ dân thì có đến hơn 400 hộ gắn bó với nghề gốm. Trong đó có 1 HTX và 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm, tạo việc làm thường xuyên cho trên 600 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm gốm Bàu Trúc đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu sang một số nước trên thế giới.