GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ: CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU VỀ QUỸ PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Dự thảo luật Phòng thủ dân sự lần đầu trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và tiếp tục trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Để có thêm ý kiến góp ý hoàn thiện, dự thảo luật được Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến vào một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau. Trong đó, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đưa ra 2 phương án xin ý kiến đại biểu đối với quy định về Quỹ phòng thủ dân sự.

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.

Sau khi trình Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, quy định về Quỹ phòng thủ dân sự quy định (Điều 41) đã nhận được hai loại ý kiến giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình và bỏ quy định này. Cơ quan chủ trì soạn thảo và đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Quốc phòng, an ninh của Quốc hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất và đề nghị giữ như quy định dự thảo Chính phủ trình (có chỉnh lý một số nội dung). Tuy nhiên, do đây là vấn đề còn có ý kiến khác nhau, nên Thường trực Ủy ban Quốc phòng, an ninh của Quốc hội thống nhất với cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị đại biểu Quốc hôịcho ý kiến về 02 phương án:

Phương án 1: Giữ quy định về Quỹ phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp như Điều 44 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Phương án 2: Quy định:Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ thành lập quỹ theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa”.

Cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, đa số đại biểu thống nhất với phương án 1: Giữ quy định về Quỹ phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp như Điều 44 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến khác đề nghị quy định như Phương án 2; có ý kiến đề xuất không cần thành lập Quỹ phòng thủ dân sự.

Quy định về Quỹ phòng thủ dân sự kịp thời, đáp ứng các yêu cầu cấp thiết, khắc phục hậu quả sự cố thảm họa.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản thống nhất với phương án 1 theo hướng sáp nhập từ các quỹ phòng, chống thiên tai vào quỹ phòng, chống dịch bệnh với mục tiêu chủ yếu là phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Để chặt chẽ hơn khi áp dụng, đại biểu Ban soạn thảo cần xem xét việc cụ thể hóa việc sử dụng Quỹ phòng thủ dân sự vào hoạt động nào, cũng như rà soát các loại quỹ có tính chất và mục đích sử dụng tương đồng như Quỹ phòng thủ dân sự khi được Quốc hội thông qua, nhằm tránh chồng chéo.

Cùng quan điểm với đại biểu Huỳnh Thị Phúc, đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cũng thống nhất chọn phương án 1, vì đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách với mục đích huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động phòng thủ dân sự, đáp ứng theo yêu cầu của Nghị quyết số 22 Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ nghiên cứu có thể tích hợp chung với Quỹ phòng chống thiên tai, bởi theo đại biểu đã là phòng thủ thì phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra thiên tai, thảm họa, sự cố, dịch bệnh. Do đó, Quỹ Phòng thủ dân sự là nguồn lực sẵn có để giải quyết những vấn đề cấp thiết ngay từ ban đầu, Quỹ Phòng thủ dân sự được được xây dựng sẽ phù hợp với quy định tại Điều 21 về thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình.

Đồng tình với phương án 1, Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình lựa chọn phương án 1 và thống nhất cao với những lý do được nêu trong báo cáo giải trình, tiếp thu. Đại biểu nêu quan điểm, quy định Quỹ phòng thủ dân sự là để tạo cơ chế pháp lý linh hoạt, kịp thời, đáp ứng các yêu cầu cấp thiết, khắc phục hậu quả sự cố thảm họa trong những trường hợp khẩn cấp, đáp ứng yêu cầu tinh thần Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của BCH Trung ương về Phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo - đó là phòng thủ dân sự từ sớm, từ xa.

Trong dự thảo luật này cũng đã quy định rõ việc thành lập, mục đích, nội dung, nguyên tắc hoạt động, nguồn tài chính hình thành Quỹ phòng thủ dân sự. Các quy định này đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.

Nêu quan điểm về quy định này, đại biểu Hà Phước Thắng – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh nhất trí với phương án 1: Giữ quy định về Quỹ phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp như Điều 44 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý. Đại biểu phân tích, Quỹ phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và được hình thành trên cơ sở điều tiết các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự. Đại biểu đề nghị cần rà soát các loại quỹ tương tự như Quỹ Phòng chống thiên tai, quỹ phòng chống dịch bệnh để tránh chồng chéo trùng lắp; bổ sung quy định về công khai, minh bạch trong việc triển khai thực hiện.

Quỹ phòng thủ dân sự chưa làm rõ được khả năng tài chính độc lập.

Cũng tại hội nghị, một số đại biểu lựa chọn phương án 2: Quy định:Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ thành lập quỹ theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa”. Đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long nêu quan điểm, bỏ quy định này vì hàng năm ngân sách thường xuyên đã bố trí bố gồm cả nguồn dự toán ngân sách và nguồn dự phòng để thực hiện các nhiệm vụ chi như dự thảo Luật, trong khi Quỹ phòng thủ dân sự chưa làm rõ được khả năng tài chính độc lập. Nhiệm vụ chi của Quỹ trong một số trường hợp có thể trùng với nhiệm vụ chi của Ngân sách Nhà nước. Hiệu quả của Quỹ này sẽ không cao vì khi xảy ra thiên tai sẽ cần kinh phí rất lớn, nên nếu để số dư ở mức nhỏ sẽ không đáp ứng được yêu cầu, nếu dư Quỹ lớn sẽ lãng phí vì không thường xuyên sử dụng; việc khắc phục thiên tai vẫn phải là Ngân sách nhà nước.

Việc hình thành Quỹ PTDS sẽ dẫn đến chấm dứt sự tồn tại của Quỹ phòng chống thiên tai và Quỹ phòng chống dịch, trong khi tính chất của Quỹ phòng chống thiên tai và Quỹ phòng chống dịch là khác nhau. Do đó, việc thành lập Quỹ là không cần thiết và chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước...

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh rằng việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự sẽ làm phát sinh khoản chi phí thường xuyên cho hệ thống quản lý quỹ. Do quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nên phải thường xuyên bổ sung vốn để duy trì quỹ. Tại Điều 55 của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự quy định "Ban chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn", do đó có thể giao thêm nhiệm vụ cho Quỹ phòng, chống thiên tai trong việc thực hiện các quy định của Luật Phòng thủ nhân sự, không nhất thiết phải thành lập quỹ mới. Mặt khác, khi xảy ra thiên tai, sự cố, thảm họa cần sự chung tay của cả cộng đồng, quốc gia chứ không chỉ một Quỹ phòng thủ dân sự có thể đảm bảo.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh.

Nêu ý kiến về nội dung này, đại biểu Lò Thị Luyến – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng, hiện nay có rất nhiều quỹ và một số quỹ hoạt động không hiệu quả và không huy động được nguồn. Nếu như chọn theo phương án 1 tại dự thảo là không phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, vì theo quy định hiện hành hàng năm ngân sách nhà nước bố trí bao gồm cả nguồn dự toán ngân sách và nguồn dự phòng để thực hiện nhiệm vụ chi cho công tác phòng thủ dân sự. Như vậy nhiệm vụ chi của Quỹ Phòng thủ dân sự như dự thảo trình thì sẽ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Hơn nữa, nếu chọn theo phương án 1, Quỹ phòng thủ dân sự sẽ điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự cũng không phù hợp với yêu cầu về khả năng tài chính độc lập của việc thành lập quỹ và không phù hợp với quy chế hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách khác... Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ nội dung này.

Cho rằng không nên quy định thành lập Quỹ phòng thủ dân sự trong dự thảo luật, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng nêu thực tế hiện nay quỹ ngoài ngân sách chưa hiệu quả; có sự trùng lắp với Quỹ phòng, chống thiên tai, Quỹ phòng, chống dịch bệnh… vì vậy đề nghị giữ nguyên như hiện nay.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương giải trình nội dung đại biểu nêu liên quan đến Quỹ phòng thủ dân sự.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương giải trình nội dung đại biểu nêu liên quan đến Quỹ phòng thủ dân sự.

Thay mặt cơ quan soạn thảo giải trình về Quỹ phòng thủ dân sự, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương cho biết, Ban soạn thảo của đề xuất theo phương án 1, bởi hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và xử lý các vấn đề quan trọng tầm quốc gia để bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế. Như vậy quỹ được sử dụng trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước không đáp ứng kịp thời, trong khi yêu cầu nguồn lực khi có sự cố xảy ra thì rất lớn, khi cần thiết và khẩn trương thì cần có nguồn lực để thực hiện được ngay.

Việc quy định Quỹ phòng thủ dân sự trong dự thảo luật thực hiện theo Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị trong đó tổ chức phòng từ sớm, từ xa, từ khi các dịch bệnh, những thảm họa chưa xảy ra. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương cho rằng, quy định Quỹ phòng thủ dân sự không trái với các luật về ngân sách nhà nước. Bởi vì Quỹ phòng thủ dân sự do Chính phủ thành lập, nguồn thu từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện đóng góp. Trong trường hợp cấp bách Thủ tướng Chính phủ điều tiết từ các quỹ khác có liên quan đến phòng thủ dân sự. Quỹ phòng thủ dân sự thì độc lập với ngân sách nhà nước, nhằm hỗ trợ cho các đối tượng dễ bị tổn thương và Nhân dân bị thiệt hại, sẽ giao cho Bộ Tài chính quản lý và hướng dẫn sử dụng quỹ này.

Như vậy, nên hay không nên quy định Quỹ phòng thủ dân sự trong dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đang nhận được ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Nội dung này tiếp tục được cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu, chỉnh lý trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tới./.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=74658