Góp ý quy định kiểm soát đưa các vi chất vào thực phẩm

Việt Nam chỉ có khoảng 27% hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn, thấp hơn rất nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 09/2016 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 09/2016 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Tại Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 09/2016 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm do Bộ Y tế tổ chức ngày 11/10, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Trương Tuyết Mai đánh giá: “Tại Việt Nam, hiện tình trạng thiếu i-ốt, sắt, kẽm, vitamin A huyết thanh vẫn còn là vấn đề cần được quan tâm. Qua khảo sát giá trị trung vị i-ốt niệu ở trẻ em miền núi, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai đều không đạt theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đặc biệt, con số này ở phụ nữ mang thai chỉ đạt gần một nửa so với khuyến cáo của WHO. Tỷ lệ hộ gia đình được bao phủ muối i-ốt tiêu chuẩn hiện mới chỉ đạt khoảng 27%, trong khi yêu cầu của WHO là trên 90%. Tương tự, chúng ta đang ở mức độ khá nặng về thiếu kẽm, vitamin A trên quần thể”.

Tình trạng thiếu vi chất còn được gọi là “nạn đói tiềm ẩn” vì nó diễn ra một cách từ từ, âm thầm, dần dần mới biểu hiện ra ngoài. Đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, vi chất cho sự phát triển của con người.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, sau 7 năm thực hiện Nghị định 09, kết quả điều tra dinh dưỡng cho thấy tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ở cộng đồng vẫn còn cao. Trong quá trình tổ chức thực hiện, theo đề nghị của một số doanh nghiệp, năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 theo hướng khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm bổ sung vi chất này vào các sản phẩm. Tuy nhiên, thực tế, lượng vi chất i-ốt, sắt, kẽm, vitamin A vẫn thiếu hụt trong cộng đồng. Theo đánh giá của WHO, Việt Nam vẫn đứng trong nhóm 26 nước còn thiếu hụt i-ốt.

Qua đánh giá, việc thiếu hụt vi chất dinh dưỡng có thể khắc phục hiệu quả theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế để tăng cường i-ốt, sắt, kẽm, và vitamin khác. Chúng ta cần biện pháp can thiệp ở cộng đồng để đảm bảo người dân Việt không bị thiếu hụt vi chất.

TS Roland Kupka, Cố vấn dinh dưỡng khu vực, Văn phòng UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết: Tình trạng thiếu iốt, sắt, kẽm… ảnh hưởng nhiều đến trẻ em, bà mẹ, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Đặc biệt, i-ốt là nguyên nhân đáng kể gây suy giảm trí tuệ ở trẻ, nó cũng liên quan đến các nguy cơ sức khỏe khác như: Thai chết lưu, sảy thai ở phụ nữ. Việc thiếu sắt có thể khiến thai nhi phát triển kém, thiếu kẽm sẽ gây suy yếu sự phát triển và tăng tỷ lệ mắc, nguy cơ mắc tiêu chảy, nhiễm trùng hô hấp cấp tính và tử vong ở trẻ em.

Hiện Việt Nam vẫn chưa đi theo hướng bắt buộc tăng cường vi chất vào thực phẩm trong khi trên thế giới đã thực hiện. Việc tiếp tục theo dõi, thực hiện các biện pháp để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng trong cộng đồng là rất cần thiết.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Chính phủ đã giao Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung nghị định 09 để phù hợp với thực tiễn này ở Việt Nam.

Các chuyên gia cùng đề nghị dự thảo sửa đổi Nghị định 09 không thay đổi khoản 1 điều 6. Theo đó, cần phải tiếp tục thực hiện tăng cường i-ốt trong muối dùng để ăn trực tiếp và muối dùng trong chế biến thực phẩm; tăng cường sắt, kẽm vào bột mì, vitamin A vào dầu ăn. Điều này để đảm bảo phòng chống thiếu hụt vi chất trên cộng đồng, góp phần thực hiện các mục tiêu Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/gop-y-quy-dinh-kiem-soat-dua-cac-vi-chat-vao-thuc-pham-20241011133200405.htm