Gương sáng sống 'tốt đời đẹp đạo'
Xuất thân trong một gia đình nông dân Khmer nghèo tại ấp Bưng Tróp A, xã An Hiệp (Châu Thành) nhờ sớm giác ngộ với đạo pháp và để đền ơn báo hiếu tổ tông, cha mẹ, theo tập tục của dân tộc, năm 1985 Sơn Thươl xuất gia vào chùa Kom Pong Tróp, lúc nào sư cũng là tấm gương mẫu mực sống 'tốt đời, đẹp đạo'.
Nhờ tính cần cù lao động, chăm chỉ học tập, chịu khó rèn luyện, sau 13 năm tu học, đến năm 1998, sư được tấn phong đại đức và làm trụ trì chùa Kom Pong Tróp cho đến nay. Đại đức Sơn Thươl luôn sống giản dị, dành hết tâm sức lo cho việc đạo, cho sự phát triển tốt đẹp của xã hội, có nhiều đóng góp trong việc tuyên truyền, giáo dục sư sãi, phật tử Khmer thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự trong xóm ấp trên địa bàn. Đại đức thường xuyên đến các thôn xóm tuyên truyền, vận động phật tử thực hiện tốt Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, bài trừ các tệ nạn xã hội, cảnh giác trước âm mưu của kẻ xấu lợi dụng gây chia rẽ dân tộc… Qua các buổi gặp gỡ, trao đổi thường xuyên với phật tử để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đại đức giúp đỡ, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong đời sống vật chất, tinh thần cũng như vấn đề mâu thuẫn nội bộ của đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm tạo lòng tin của họ với các chức sắc, nhất là chính quyền địa phương. Thông qua những dịp lễ, tết, khi có đông bà con phật tử đến cúng viếng chùa, đại đức thường xuyên khuyên bảo phật tử thực hành tiết kiệm, siêng năng lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Việc làm này, đã tác động rất lớn trong nhận thức của đồng bào Khmer. Nhiều gia đình trước đây nghèo khó do cờ bạc, rượu chè, con cái bỏ học… thì nay vươn lên thoát nghèo, con cái được học hành đến nơi đến chốn.
Ngoài ra, đại đức còn có nhiều công lao trong việc vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những người từng có quá khứ lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng. Hàng năm, đại đức thường mở 2 lớp dạy chữ Khmer trong chùa cho sư sãi và các con em của đồng bào Khmer ở địa phương. Nhờ lớp học do chùa tổ chức mà nhiều con em đồng bào Khmer biết đọc, biết viết chữ Khmer, góp phần giữ gìn và phát huy nền văn hóa của dân tộc mình. Riêng những trường hợp bỏ học giữa chừng, đại đức đến tận nơi vận động, cho sách, vở, chi phí để các em được tiếp tục đến trường. Chia sẻ với chúng tôi, Đại đức Sơn Thươl cho biết: “Là người xuất gia nên tôi luôn lấy từ thiện nhân đạo làm trọng tâm, với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo” vận động các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân cùng nhau đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp để cái tốt được nhân lên, cái xấu được đẩy lùi”.
Sống tốt đời, đẹp đạo, có nhiều đóng góp tích cực trong công tác xã hội, nhiều năm liền Đại đức Sơn Thươl đã được Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng và UBND huyện Châu Thành tặng bằng khen, giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác xã hội, từ thiện và giữ gìn an ninh trật tự. Đại đức luôn được đồng bào, phật tử tôn kính.