Hà Nội cụ thể hóa sự quan tâm đối với lực lượng phòng, chống ma túy và Công an xã bán chuyên trách (4): Đánh giá đúng đóng góp của Công an xã bán chuyên trách

'24 năm gắn bó với 'nghề' Công an xã, tháng đầu tiên, tôi nhận mức hỗ trợ 161.000 đồng. Năm 2011, tôi được bổ nhiệm là Phó trưởng Công an xã, và suốt từ đó đến cuối năm 2023, thu nhập cộng trừ các khoản mỗi tháng chưa bao giờ vượt quá con số 1,5 triệu đồng. Họ hàng, người thân ai cũng bảo về nghỉ, kiếm việc khác mà làm để vừa có tiền, vừa đỡ rủi ro đến sức khỏe, tính mạng. Tôi gạt hết. Tin rằng đến giờ phút này, mỗi Công an xã bán chuyên trách chúng tôi ai đã theo và gắn bó, chắc chắn không phải vì thu nhập. Và khi biết tin rồi được nhận thu nhập mới hàng tháng, tăng gấp đôi, bắt đầu từ ngày 1-1-2024, anh em rất mừng. Mừng vì cái 'nghề' của mình đã được 'quan tâm, đánh giá đúng', ông Trần Minh Thanh - Công an xã bán chuyên trách của xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, chia sẻ.

Giữ chân... Công an xã bán chuyên trách

Ngày cuối tháng 2-2024, trong câu chuyện với phóng viên An ninh Thủ đô, khi chia sẻ một trong những kỷ niệm, ấn tượng nhớ nhất sau hơn 3 năm được điều động về nhận nhiệm vụ Trưởng Công an xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn không phải nghĩ ngợi lâu: “Là việc đối diện với sự thiếu hụt và quyết tâm phải giữ lại bằng được các đồng chí Công an xã bán chuyên trách”.

Anh Trần Minh Thanh (ngoài cùng bên trái), Công an bán chuyên trách xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm chia sẻ niềm vui chung khi được nhận mức hỗ trợ mới, bắt đầu từ ngày 1-1-2024

Anh Trần Minh Thanh (ngoài cùng bên trái), Công an bán chuyên trách xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm chia sẻ niềm vui chung khi được nhận mức hỗ trợ mới, bắt đầu từ ngày 1-1-2024

Đại Áng có 4 thôn với khoảng 12.000 dân, với 2 làng nghề truyền thống là nón lá Vĩnh Thịnh và may Vĩnh Trung. Năm 2021, Thiếu tá Tuấn cùng 5, 6 cán bộ, chiến sĩ thuộc biên chế CATP Hà Nội được điều động về. Trước thời điểm ấy, Đại Áng có 9 Công an viên và không lâu sau khi Công an chính quy về, con số này rút còn 5. Người vì tuổi tác; cũng có người tâm tư giữa “chính quy” và “bán chuyên trách”, rồi cũng có người không vượt được “gánh nặng” cơm áo gạo tiền, bởi thu nhập hàng tháng quá thấp.

“Phải giữ chân bằng được lực lượng Công an bán chuyên trách, bởi đây chính là hạt nhân nòng cốt của các phong trào giữ gìn an ninh, trật tự cơ sở. Chưa kể, nhiều đồng chí đã được đào tạo nghiệp vụ Công an xã, tuổi đời và nhiệt huyết vẫn còn nhiều”, Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh chủ trương đó ngay ở buổi họp đầu tiên của đơn vị. Trong câu chuyện với phóng viên An ninh Thủ đô, có thêm một tình tiết mà đồng chí Trưởng Công an xã tiết lộ: “Không chỉ 4 người xin nghỉ, mà trong 5 đồng chí còn lại, ít nhất 3 người đã chuẩn bị viết đơn...”.

Thế là Ban chỉ huy Công an xã vào tận nhà từng đồng chí Công an viên để tìm hiểu hoàn cảnh, để nghe tâm sự, để trao đổi sự “được - mất” khi tiếp tục gắn bó, sát cánh với lực lượng Công an chính quy, mà ở đây, cái “được” lớn nhất, giá trị nhất, là góp sức vì bình yên địa bàn và chính gia đình mình. “Tấm lòng và ngọn lửa nhiệt huyết của đồng chí Trưởng Công an xã đã lan tỏa trong mỗi chúng tôi. Cảm giác chung nhất là công việc của người Công an viên đã được đánh giá đúng, được nhìn nhận”, anh Nguyễn Văn Tiến (người gắn bó với nhiệm vụ tham gia đảm bảo an ninh, trật tự ở Đại Áng từ năm năm 2014, cũng là người đã hoàn thành chương trình đào tạo Trung cấp - Trưởng Công an xã do CATP Hà Nội tổ chức), bày tỏ.

Giống như anh Tiến, là trường hợp anh Nguyễn Minh Chiến. Năm nay 51 tuổi, anh Chiến “đi” Công an viên ở Đại Áng liên tục từ năm 2012. Đến năm 2021, anh Chiến buộc phải đưa ra quyết định giữa việc theo “nghề vác tù và hàng tổng”, hay chạy “xe ôm”, để “vừa chủ động công việc, nuôi được vợ con”, như câu nói của bà xã. Rồi, anh Chiến đã ở lại, vui vẻ và nhận thức mới. Không chỉ giữ được 5 đồng chí Công an viên, mấy năm qua, Công an xã Đại Áng còn đã giới thiệu, tuyển chọn được thêm 2 đồng chí mới, đều còn trẻ, khỏe. Đội hình “bán chuyên trách” ấy trong 3 năm qua đã chung sức, thử lửa cùng Công an chính quy trên toàn diện các mặt trận phòng, chống Covid-19; thu thập cơ sở, dữ liệu dân cư dùng chung; Đề án 06/CP; và đều không nghĩ đến việc bắt đầu từ ngày 1-1-2024 này, mình sẽ được... tăng thu nhập gấp đôi, theo tinh thần Nghị quyết số 21/2023/NQ-HĐND, ngày 8-12-2023 của HĐND thành phố Hà Nội.

Hôm chúng tôi về Đại Áng, các đồng chí Công an viên vừa lĩnh mức lương mới, gồm cả truy lĩnh từ đầu tháng 1-2024. Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn thông tin, cùng với các đồng chí Công an viên, thì cán bộ Công an xã và cả cán bộ, nhân viên của ủy ban xã làm công tác liên quan đến lĩnh vực phòng, chống ma túy, cũng được hưởng mức hỗ trợ mới hàng tháng, tăng nhiều so với mức hỗ trợ cũ, theo Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND, ngày 6-12-2023 của HĐND thành phố Hà Nội, có hiệu lực từ 1-1-2024. “Mọi người ai cũng phấn khởi. Câu chuyện tăng lương rôm rả ở nhiều cuộc họp thôn, xóm. Có thêm thu nhập là vui, song quả thực vui hơn cả là chúng tôi cảm thấy công việc của anh em đã được chia sẻ, nhìn nhận và đánh giá đúng”, anh Nguyễn Văn Tiến bộc bạch.

Không chỉ Đại Áng (huyện Thanh Trì), những ngày này, có dịp tiếp xúc với đội ngũ Công an xã bán chuyên trách ở nhiều địa bàn, như Phúc Tiến (Phú Xuyên), Khánh Hà (Thường Tín), Vân Hội (Đông Anh), Đông Xuân (Quốc Oai), Khánh Thượng (Ba Vì)... chúng tôi đều ghi nhận tâm trạng hết sức phấn khởi. Nó giống như chia sẻ của anh Trần Minh Thanh - Công an xã bán chuyên trách của xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm: “24 năm gắn bó với “nghề” Công an xã, tôi nhớ mãi tháng đầu tiên nhận mức hỗ trợ 161.000 đồng. Năm 2011, tôi được bổ nhiệm là Phó trưởng Công an xã, và suốt từ đó đến cuối năm 2023, thu nhập cộng trừ các khoản mỗi tháng chưa bao giờ vượt quá con số 1,5 triệu đồng. Họ hàng, người thân ai cũng bảo về nghỉ, kiếm việc khác mà làm để vừa có tiền, vừa đỡ rủi ro đến sức khỏe, tính mạng. Tôi gạt hết. Tin rằng đến giờ phút này, mỗi Công an xã bán chuyên trách chúng tôi ai đã theo và gắn bó, chắc chắn không phải vì thu nhập. Và khi biết tin rồi được nhận thu nhập mới hàng tháng, tăng gấp đôi, bắt đầu từ ngày 1-1-2024, anh em rất mừng. Mừng vì cái “nghề” của mình đã được quan tâm, đánh giá đúng”.

Tâm huyết của anh Thanh, đúng như đồng chí Công an viên 24 "tuổi nghề" chia sẻ, bởi luôn có sự động viên, quan tâm, đánh giá cao của Ban Chỉ huy Công an xã. Theo tìm hiểu, ngay tại địa bàn huyện Gia Lâm, thời điểm này có xã đang không "giữ chân" được lực lượng Công an bán chuyên trách! Nhưng ở Phù Đổng lại khác; sát cánh cùng với 10 cán bộ, chiến sỹ Công an chính quy là 9 đồng chí Công an viên. Trung tá Nguyễn Hữu Hiển - Trưởng Công an xã cho biết, tuy là Công an bán chuyên trách, nhưng hoạt động của 9 đồng chí Công an viên tuân thủ nghiêm quy định của ngành Công an: phân công lịch trực, nhiệm vụ, địa bàn.

Phù Đổng có 3 bậc học, từ mầm non đếnn cấp 2; cứ cao điểm đầu giờ sáng hay tan tầm, đều có sắc phục các đồng chí Công an viên thực hiện nhiệm vụ để hướng dẫn, phân luồng giao thông. Cũng sắc phục cỏ úa ấy cần mẫn, nhiệt huyết tại các địa điểm thờ tự, khu di tích lịch sử quốc gia (Đền Gióng), các lễ hội hoa giấy, hoa hồng tổ chức trên địa bàn.

Sau 21h, 9 đồng chí Công an viên luân phiên tham gia các tổ tuần tra của Công an xã khép kín địa bàn 6 thôn. Rồi chưa kể những nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất như tham gia các tổ PCCC ở thôn; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục Đề án 06/CP, căn cước công dân, định danh điện tử mức 1, mức 2; rồi tuyên truyền phòng, chống tội phạm lừa đảo công nghệ cao...

"Họ thực sự là những ông "Táo Thổ địa, có ưu điểm, thế mạnh và rất cần chú trọng phát huy trong công tác nắm tình hình địa bàn dân cư", Trung tá Hiển nhìn nhận về "những cánh tay nối dài" của Công an xã...

Cụ thể hóa sự quan tâm đối với lực lượng nòng cốt

Có thể thấy, góp phần trong kết quả đảm bảo ANCT, TTATXH của lực lượng Công an xã là đóng góp không nhỏ của lực lượng Công an xã bán chuyên trách. Tại Hà Nội, trên địa bàn các huyện, thị xã đang có khoảng 290 mô hình, chuyên đề; trong đó có nhiều mô hình, chuyên đề vận động quần chúng phát huy tác dụng tốt, được nhân rộng trên nhiều địa bàn xã như: Mô hình “Cụm liên kết về ANTT” được triển khai tại 167 xã; mô hình “Tự phòng, tự quản về ANTT” được triển khai tại 100% các xã; mô hình “Dòng họ tự quản” được triển khai tại 124 xã; mô hình “Tổ hòa giải cơ sở” triển khai ở 140 xã; mô hình “Họ giáo tự quản” triển khai tại 49 xã...

Bên cạnh đó, tại các xã đã hình thành và duy trì hàng trăm mô hình câu lạc bộ, như: “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm”, “Câu lạc bộ sau cai nghiện”...; lập trên 1.000 tổ hòa giải ở thôn, xóm; duy trì gần 3.000 hòm thư tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội. Các mô hình, chuyên đề tập trung đi sâu xây dựng ý thức tự phòng, tự quản, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân; vận động quần chúng tham gia giải quyết những nổi cộm, bức xúc, những điểm nóng về tội phạm, tệ nạn xã hội, an ninh nông thôn; xây dựng các nội quy, quy chế, quy ước bảo mật, phòng gian... và lực lượng Công an xã bán chuyên trách trở thành nòng cốt trong xây dựng phong trào và duy trì hoạt động của các hoạt động trên.

Tính chất, trách nhiệm công việc là vậy, song bao nhiêu năm qua, lực lượng Công an bán chuyên trách phải “đối mặt” với thực tế là mức hỗ trợ, chính sách thực sự chưa tương xứng. Theo đại diện Phòng Tham mưu - CATP Hà Nội, Báo cáo tổng hợp ý kiến các cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ của HĐND thành phố những năm gần đây, rất nhiều cử tri kiến nghị tăng mức phụ cấp đối với lực lượng Công an xã bán chuyên trách để động viên, khuyến khích lực lượng này yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mặt khác, từ đầu năm 2021 đến nay, sau khi CATP thực hiện việc bố trí Công an chính quy về Công an xã, nhiều đồng chí Phó Công an, Công an viên thường trực nghỉ công tác nhưng chưa được giải quyết chế độ, chính sách. Trong bối cảnh ấy, thành phố lại chưa có quy định giải quyết cho đối tượng này.

Theo CATP Hà Nội, từ khi thực hiện chủ trương đưa Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã đến nay, đã có trên 2.000 đồng chí Công an xã bán chuyên trách không bố trí sắp xếp được công tác khác xin nghỉ việc, trong đó, đa số là Công an bán chuyên trách nghỉ công tác thuộc đối tượng chi hỗ trợ theo khoản 2 Điều 12 Nghị định 42/2021/NĐ-CP nhưng chưa có chính sách hỗ trợ. Do vậy, việc đề xuất chính sách trên cơ sở giải quyết chính sách hỗ trợ thôi việc cho trên 2.000 đồng chí nguyên là Công an xã (trừ Trưởng Công an xã) không bố trí sắp xếp được công tác khác hoặc không tiếp tục tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở theo quy định, đồng thời, thực hiện đảm bảo chính sách của thành phố.

Một chính sách, nghị quyết được thành phố ban hành, quy định số lượng, mức hỗ trợ thường xuyên đối với Công an xã bán chuyên trách; và mức chi hỗ trợ thôi việc đối với Công an xã bán chuyên trách nghỉ công tác mà không bố trí sắp xếp được công tác khác hoặc không tiếp tục tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm đảm bảo triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, của Thành ủy, UBND thành phố tại thời điểm hiện hành. Động viên, hỗ trợ Công an xã bán chuyên trách được bố trí ở thôn tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Thực hiện đúng chính sách và kịp thời động viên, hỗ trợ đối với Công an xã bán chuyên trách nghỉ công tác mà không bố trí sắp xếp được công tác khác hoặc không tiếp tục tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Và, sau quá trình tâm huyết, dày công nghiên cứu, tham mưu, đề xuất báo cáo, xin ý kiến các cấp, các ngành... của CATP Hà Nội, ngày 8-12-2023, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 21/2023/NQ-HĐND, “Quy định số lượng, mức phụ cấp thường xuyên đối với Công an xã bán chuyên trách được bố trí ở thôn tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở; mức chi hỗ trợ thôi việc đối với Công an xã bán chuyên trách nghỉ công tác mà không bố trí sắp xếp được công tác khác hoặc không tiếp tục tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Có hiệu lực từ ngày 1-1-2024, Nghị quyết số 21 với những nội dung quan trọng: Quy định số lượng và chế độ chính sách đối với Công an xã bán chuyên trách được bố trí ở thôn tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở (Chính sách 01): mức chi phụ cấp thường xuyên hàng tháng: 2.520.000 đồng (tương đương 1,4 mức lương cơ sở). Hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng: 234.000 đồng (tương đương 13% mức lương cơ sở). Hỗ trợ đóng Bảo hiểm y tế hàng tháng: 54.000 đồng (tương đương 3% mức lương cơ sở).

Và Quy định mức chi hỗ trợ đối với Công an xã bán chuyên trách nghỉ công tác (Chính sách 02): Phó Trưởng Công an xã, Công an viên thường trực và Công an viên thôn nghỉ công tác do thực hiện bố trí Công an chính quy về xã mà không bố trí sắp xếp được công tác khác kể từ ngày 17-11-2017 (ngày Đề án 03/ĐA-CAHN về thí điểm bố trí Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã có hiệu lực) được hỗ trợ với các mức cụ thể như sau:

a, Đối với các trường hợp nghỉ công tác từ ngày 17-11-2017 đến trước ngày Nghị quyết 21 có hiệu lực: hỗ trợ mỗi năm công tác 1 tháng phụ cấp tại thời điểm nghỉ công tác.

b, Đối với các trường hợp nghỉ sau ngày Nghị quyết 21 có hiệu lực được tính như sau:

Đối với thời gian công tác trước ngày Nghị quyết 21 có hiệu lực: hỗ trợ mỗi năm công tác 1 tháng phụ cấp tương ứng với mức phụ cấp công tác đảm nhiệm tại thời điểm công tác qua các năm.

Đối với thời gian công tác kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực: hỗ trợ mỗi năm công tác 1 tháng phụ cấp theo quy định tại Nghị quyết 21.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ha-noi-cu-the-hoa-su-quan-tam-doi-voi-luc-luong-phong-chong-ma-tuy-va-cong-an-xa-ban-chuyen-trach-4-danh-gia-dung-dong-gop-cua-cong-an-xa-ban-chuyen-trach-post568397.antd