Hà Nội cứu được 33 cây quý hiếm, lịch sử sau bão Yagi

Tại họp báo chiều 3/10 thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý III/2024 của UBND TP. Hà Nội, đại diện các sở, ngành TP. Hà Nội đã thông tin về các vụ việc nóng, gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Lãnh đạo TP. Hà Nội trả lời nhiều vấn đề nóng tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý III/2024 . (Ảnh: Phi Khanh)

Lãnh đạo TP. Hà Nội trả lời nhiều vấn đề nóng tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý III/2024 . (Ảnh: Phi Khanh)

Tại họp báo, ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Hà Nội cho biết, trong tổng số hơn 40.000 cây gãy đổ, có 11.756 cây do Thành phố quản lý. Trong đó, Hà Nội cứu được 4.103 cây, gồm 3.513 cây được dựng lại ngay tại chỗ sau khi đổ và 608 cây được mang về vườn ươm để trồng lại.

Ông Hưng cho hay: "7.635 cây gãy, đổ không cứu được đã được cắt thành các khúc gỗ ngắn mang về kho chờ đấu giá. Riêng cây quý hiếm, cây lịch sử và cây cổ thụ có 98 cây bị gãy đổ. Trong đó cây quý hiếm, cây lịch sử là 35 cây bị gãy đổ, cứu được 33 cây"..

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề thành phố có chậm hay không trong việc giải tỏa cây xanh sau bão, ông Nguyễn Đức Hưng cho biết, ngay sau bão, đường phố còn ngổn ngang cây đổ, thành phố đã chỉ đạo tập trung để giải tỏa giao thông, cắt cây đổ để lên vỉa hè, ưu tiên dựng lại những cây quý hiếm, những cây có thể cứu được. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc thu dọn cây xanh gãy đổ toàn Thành phố sau bão số 3 đã được thực hiện xong trước ngày 20/9 theo chỉ đạo của UBND Thành phố.

Về việc sau bão, nhiều cây xanh gãy đổ lộ ra bầu cây không được dỡ ra khi trồng, ông Nguyễn Đức Hưng cho biết, năm 2014, Sở Xây dựng đã tiến hành rà soát, tìm những cây không được dỡ bầu khi trồng. Năm 2024, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, cơ quan chức năng đã phát hiện 12 cây không được dỡ bầu ra khi trồng, trong đó có 7 cây có bầu lưới, là vật liệu khó phân hủy, 5 cây bọc vỏ bao xi măng.

Ông Nguyễn Đức Hưng khẳng định: “Những cây này bọc rễ không phát triển được, rất dễ đổ. Cơ quan chức năng đang tìm chủ đầu tư, đơn vị triển khai trồng các cây này để xử lý trách nhiệm”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan hình ảnh cô giáo có cử chỉ thân mật với nam sinh Trường THPT Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) gây xôn xao trên mạng xã hội trong những ngày qua, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho hay, cô giáo trẻ nên kinh nghiệm quản lý học sinh, quản lý lớp học, xử lý các vấn đề phát sinh trong lớp học còn thiếu nghiêm khắc, dẫn đến hiểu nhầm, ảnh hưởng nhà trường và ngành giáo dục. Nhà trường tạm đình chỉ việc dạy học của nữ giáo viên này để kiểm điểm và ổn định tâm lý. Với học sinh, nhà trường cũng làm việc với gia đình để giúp em này nhìn nhận được vấn đề.

Ông Nguyễn Quang Tuấn thông tin, học sinh cho biết ban đầu chỉ nghĩ là hành vi trêu đùa cô giáo, không nghĩ ảnh hưởng không hay. Nhà trường sẽ xem xét hạnh kiểm học sinh theo đúng quy định. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã có những văn bản yêu cầu đảm bảo giữ gìn môi trường sư phạm, giữ gìn văn hóa học đường.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Tấn thông tin về câu chuyện đấu giá đất thời gian qua trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: Mai Hữu)

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Tấn thông tin về câu chuyện đấu giá đất thời gian qua trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: Mai Hữu)

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Tấn đã thông tin về 3 vấn đề tồn tại trong công tác đấu giá đất thời gian qua trên địa bàn Hà Nội.

Qua rà soát tại 2 địa bàn thực hiện đấu giá đất thời gian qua là huyện Thanh Oai và huyện Hoài Đức, ông Nguyễn Minh Tấn cho biết, TP. Hà Nội xác định có 3 vấn đề tồn tại.

Thứ nhất, về bảng giá đất, việc xây dựng, cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất trước Luật Đất đai 2024 được căn cứ theo khung giá đất của Chính phủ quy định, dẫn đến có sự chênh lệch giữa giá đất do UBND Thành phố quy định và giá đất giao dịch, chuyển nhượng trên thị trường.

Theo quy định của Luật Đất đai 2024, việc điều chỉnh bảng giá đất được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 27/6/2024 của Chính phủ. Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung triển khai xây dựng điều chỉnh bảng giá đất theo quy định. Do đó, chưa thể cập nhật ngay bảng giá đất sát với giá đất thực tế trên thị trường.

Thứ hai, tình trạng trả giá cao hơn giá thị trường để trúng đấu giá sau đó không nộp tiền trúng đấu giá (bỏ cọc), nhằm mục đích “làm giá", "thổi giá" gây nhiễu loạn giá thị trường vẫn chưa được kiểm soát triệt để.

Thứ ba, trên địa bàn Thủ đô xuất hiện tình trạng người tham gia đấu giá không có nhu cầu để ở, đấu giá nhằm mục đích kinh doanh "đầu cơ" dẫn đến phức tạp trong quản lý.Với 3 nội dung trên, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành có biện pháp cụ thể. Đó là, tiếp tục hoàn thiện quy định về đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố.

Trong đó, hạn chế việc tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở; ưu tiên việc đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất đối tượng là tổ chức để thực hiện dự án đầu tư, đảm bảo lựa chọn được chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Công an Thành phố xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã có biện pháp ngăn chặn các trường hợp vi phạm quy định đấu giá không được tiếp tục tham gia đấu giá.

Đề xuất giải pháp ngăn chặn hoặc hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá đối với các trường hợp đã từng tham gia đấu giá, trả giá cao "bất thường" để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định.

Phi Khanh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ha-noi-cuu-duoc-33-cay-quy-hiem-lich-su-sau-bao-yagi-288677.html