Hà Nội đang thiếu hụt tới 30% thịt lợn
Nguồn cung thịt lợn tại Hà Nội hiện đang thiếu hụt 30%, chưa kể các địa phương khác cũng hụt nên lượng bù đắp cũng bị thiếu.
Nguồn cung thiếu hụt trầm trọng
Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết Hà Nội sẽ dự trữ hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán (tính cho 2 tháng, từ ngày 7.12.2019 đến 8.2.2020) gồm: Gạo 191.400 tấn; thịt lợn 44.600 tấn; thịt gà 14.800 tấn; thịt bò 12.306 tấn; trứng gia cầm 260 triệu quả; 247.400 tấn rau củ; thực phẩm chế biến 12.800 tấn; thủy hải sản 11.364 tấn; nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn; 3.000 tấn bánh mứt kẹo; 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát; 200.000m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy...
Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 31.200 tỉ đồng (tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa tết năm 2019).
Về khả năng cung ứng của các mặt hàng trên địa bàn thủ đô dịp tết, dự kiến gạo đạt 51.150 tấn (đáp ứng 27% nhu cầu); thịt gà 17.000 tấn; thịt bò 1.782 tấn (đáp ứng 12,1%); thủy hải sản khai thác 280 tấn (đáp ứng 2,5%); trứng gà, vịt 292 triệu quả (cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng), thực phẩm chế biến 3.840 tấn (đáp ứng 30%); rau củ 115.228 tấn (đáp ứng 47%)…
Đến nay, theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, 22 đơn vị đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2019 đã thực hiện chuẩn bị lượng hàng hóa thực hiện bình ổn thị trường trong 2 tháng tết với tổng trị giá hơn 18.000 tỉ đồng, tương ứng với số lượng một số mặt hàng thiết yếu hơn 18.000 tấn lương thực, 6.034 tấn thịt lợn, 492 tấn thịt gà, 63 triệu quả trứng gia cầm, 2.092 nghìn lít dầu, 598 tấn thủy hải sản, 1.707 tấn thực phẩm chế biến, 7.448 tấn rau củ.
Về mặt hàng thịt lợn, nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán khoảng 22.300 tấn hơi/tháng, tương đương với 15.610 tấn thịt lợn (tăng khoảng 18 - 20% so với các tháng thường). Đối với nguồn cung mặt hàng, từ tháng 2.2019 đến nay, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại cho các cơ sở chăn nuôi, mặc dù số lợn mắc dịch tả đã giảm so với các tháng cao điểm, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội, ước tính tổng đàn lợn trên địa bàn, đến hết tháng 1.2019, khoảng 1.180 nghìn con, sản lượng lợn hơi xuất chuồng tháng 10 là 18.800 tấn (tăng so tháng 9 là 4.600 tấn), so với nhu cầu tiêu dùng trong tháng tết còn thiếu 3.500 tấn. Tuy nhiên, sản lượng lợn hơi xuất chuồng tăng trong một tháng qua cho thấy công tác tái đàn đã bước đầu đạt kết quả và sẽ giúp tăng sản lượng thịt lợn cung cấp cho thị trường trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê 10 tháng năm 2019, các sản phẩm thịt khác từ hoạt động chăn nuôi có thể thay thế cho mặt hàng thịt lợn tương đối dồi dào: sản lượng thịt bò tăng 0,6%, sản lượng thịt gia cầm tăng 18%, sản lượng thủy sản tăng 5,9%, cơ bản đáp ứng được một phần số thịt lợn còn thiếu.
Trao đổi về việc dự trữ hàng hóa dịp Tết Nguyên đán 2020, đại diện Siêu thị BigC Thăng Long cho biết đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa, chuẩn bị kho chứa đảm bảo chất lượng. Đồng thời, siêu thị lên phương án để khi thị trường Hà Nội cần sẽ huy động hàng hóa từ TP.HCM ra để đảm bảo cung ứng cũng như bình ổn giá thị trường. Đặc biệt, đại diện BigC Thăng Long cam kết sẽ không tăng giá trong dịp tết nếu thị trường có biến động tăng.
Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội cho biết trong tháng 11 thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai đồng bộ các biện pháp thực hiện ý kiến của Chính phủ và Bộ Công Thương. Dự trữ nguồn hàng đa dạng, phong phú, doanh nghiệp bình ổn tham gia nhiều hơn, đưa hàng hóa có chất lượng tốt, đặc sản của các địa phương về Hà Nội. Với mặt hàng thịt lợn, nguồn cung đang hụt 30%, chưa kể các địa phương khác cũng hụt, nên lượng bù đắp cũng bị thiếu.
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá rà soát lại nguồn hàng, kho hàng tích trữ hàng hóa, phòng trường hợp biến động để cung cấp kịp thời cho hệ thống và bạn hàng, không để thiếu hàng cục bộ dẫn đến tăng giá. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đưa hàng về vùng sâu vùng xa để thuận tiện cho người dân đón Tết, tránh tình trạng đổ xô về trung tâm mua hàng, gây ách tắc giao thông, thiếu hàng cục bộ.
Tết này sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn
Trong khi đó, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá từ tháng 6.2019, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay (tăng khoảng 25-30% so với tháng 9) và hiện ở mức khá cao.
Nguyên nhân của việc tăng giá nêu trên là ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm vào Việt Nam từ đầu năm 2019 và đến cuối tháng 6 đã lan rộng, bùng phát trên phạm vi toàn quốc. Số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy lớn cùng với việc không thể tái đàn ở các vùng dịch đã tác động lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước, đặc biệt cho giai đoạn từ cuối tháng 9 đến nay.
Bên cạnh đó, việc kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế lưu chuyển lợn thịt và thịt lợn giữa các địa phương để tránh lây lan dịch bệnh đã gây mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương, đẩy giá thịt tăng cục bộ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nguồn cung giống cũng giảm nên việc chăn nuôi lợn đòi hỏi chi phí rất cao cho cả giống, các biện pháp phòng dịch cho chuồng trại, chi phí kiểm dịch thú y... cũng làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt lợn.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy đàn lợn cả nước tháng 10.2019 giảm mạnh 20% so với cùng thời điểm năm trước. Nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường tăng. Trong những tháng cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Bộ NN-PTNT dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn, tương đương mỗi tháng sẽ thiếu 70.000 tấn thịt lợn hơi.