Hà Nội đẩy nhanh tiến độ công trình, dự án trọng điểm

Trong những tháng đầu năm 2023, UBND thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tăng cường nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm.

Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) - một trong những dự án trọng điểm của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: VCG

Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) - một trong những dự án trọng điểm của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: VCG

Theo UBND thành phố, lĩnh vực thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố 3 tháng ước đạt 81,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn Nhà nước 27,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng vốn đầu tư và tăng 2,9%; vốn ngoài Nhà nước 48 nghìn tỷ đồng, chiếm 58,6% và tăng 11,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 6,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,9% và tăng 15,4%.

Nếu chia theo khoản mục đầu tư, vốn đầu tư xây dựng cơ bản 3 tháng đạt 50,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 61,4% tổng vốn đầu tư và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022; vốn mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất đạt 22,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 28% và tăng 7,8%; vốn sửa chữa lớn, nâng cấp tài sản đạt 3,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,6% và tăng 3,5%; bổ sung vốn lưu động đạt 3,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,6% và tăng 2,9%; vốn đầu tư khác đạt 1,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,4% và tăng 3,3%.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trong những tháng đầu năm đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, đạt 15,7% kế hoạch năm, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp Thành phố thực hiện 3,6 nghìn tỷ đồng, đạt 15,9%, giảm 11,2%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện thực hiện 4,2 nghìn tỷ đồng, đạt 15,4% và tăng 2,7%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã thực hiện 303 tỷ đồng, đạt 17,2% và giảm 10,7%.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 3 tháng đầu năm 2023, toàn thành phố thu hút 158,7 triệu USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 73 dự án với số vốn đạt 21,3 triệu USD; 33 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 74,1 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 70 lượt, đạt 63,3 triệu USD

Hoạt động xây dựng của Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Năm 2023, thành phố Hà Nội có 238 dự án đầu tư công đang được đầu tư xây dựng, gồm 219 dự án chuyển tiếp và 19 dự án mới, trong đó lĩnh vực giao thông có 96 dự án với mức đầu tư trong năm 2023 là 7.520 tỷ đồng, chiếm 53,1% kế hoạch vốn.

Đến nay, các dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn Thành phố vẫn duy trì nhịp độ thi công khẩn trương nhằm sớm hoàn thành các hạng mục, công trình theo kế hoạch đặt ra. Một số dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố như: Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội, khởi công tháng 3/2021 với tổng mức đầu tư hơn 1.376 tỷ đồng.

Công trình được xây dựng tại Khu công viên và hồ điều hòa CV1 (thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy, nơi giáp ranh giữa quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm). Tổng diện tích dành cho dự án là 39,6 nghìn m2; trong đó, diện tích xây dựng là 10,3 nghìn m2. Thời gian hoàn thành toàn dự án năm 2024.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, khởi công cuối năm 2022, dự kiến hoàn thành năm 2027 với tổng mức đầu tư 8.113 tỷ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 5 nghìn tỷ đồng, chi phí xây dựng và thiết bị hơn 2,9 nghìn tỷ đồng).

Dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 có chiều dài 21,7 km, bắt đầu từ nút giao Ba La (quận Hà Đông) đến thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ). Tuyến đường được nâng cấp, mở rộng lên 50 - 60m, tương đương 4 - 6 làn xe; tốc độ thiết kế 80 -100 km/h.

Dự án Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, khởi công tháng 01/2022 với tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,5 km. Đến nay, dự án đã hoàn thành 43% khối lượng công việc; trong đó, 90% số cột trụ đã hoàn thành và đường dẫn vượt bãi sông đang dần hoàn thiện.

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sau khi khớp nối với đường Vành đai 2 trên cao sẽ tạo thành trục giao thông hoàn chỉnh từ trung tâm Hà Nội tới khu vực phía Bắc và Đông Bắc Thành phố, đồng thời sẽ giải quyết bớt áp lực cho tuyến giao thông trọng điểm của Thủ đô, nhất là giảm tải lưu lượng xe trên cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3.

Một số dự án, công trình giao thông trọng điểm khác như: xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình với tổng mức đầu tư 5.249 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 với tổng vốn đầu tư 3.242 tỷ đồng; dự án xây dựng nút giao giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, huyện Hoài Đức có tổng mức đầu tư xây dựng công trình hơn 2.384 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022-2026.

Đến nay, đã được thành phố phê duyệt, đấu thầu lựa chọn nhà thầu; công tác giải phóng bằng đang khẩn trương thực hiện, phấn đấu đảm bảo kế hoạch đề ra.

UBND thành phố chỉ đạo các ngành và quận huyện cần tạo điều kiện thuận lợi, tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng để tăng tính hiệu quả của dự án và tránh tình trạng đội vốn công trình./.

Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ha-noi-day-nhanh-tien-do-cong-trinh-du-a-n-trong-diem/286510.html