Hà Nội: Hàng nghìn giáo viên thấp thỏm trước quyết định tuyển dụng bằng xét tuyển
Trước tình trạng hàng nghìn giáo viên hợp đồng tại Hà Nội đứng trước nguy cơ mất việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu vừa ký kế hoạch xét tuyển viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã của TP năm 2019.
Các giáo viên Sóc Sơn mong chờ phản hồi từ cơ quan chức năng. Ảnh: Thoidai
Trong kế hoạch lần này sẽ có 8 quận, huyện đăng ký tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển là: Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Tây Hồ, Ba Vì, Mỹ Đức. Hình thức xét tuyển được thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 2 Nghị định 161/2018. Các đơn vị xét tuyển qua 2 vòng:
Vòng 1 kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển tại phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm, nếu phù hợp thì được tham gia tuyển vòng 2.
Vòng 2 sẽ thực hiện phỏng vấn đối với tuyển nhân viên, thực hành thông qua giảng dạy với tuyển giáo viên.
Việc thực hiện phỏng vấn, thực hành được thực hiện theo quy chế tổ chức xét tuyển công chức, viên chức, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức ban hành kèm theo Thông tư 03/2019 của Bộ Nội vụ.
Thời gian tổ chức dự kiến bắt đầu từ tháng 9/2019 và hoàn thành vào tháng 11/2019.
Theo đó, Ủy ban nhân dân (UBND) các quận, huyện trên căn cứ kế hoạch của UBND thành phố (TP) Hà Nội và hướng dẫn của Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch chi tiết và thông báo công khai kế hoạch xét tuyển trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Mới đây, trong thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, qua rà soát của các quận, huyện, thị xã, không ai trong số gần 3.000 giáo viên của Hà Nội đủ điều kiện xét tuyển đặc biệt vào viên chức theo quy định tại Khoản 7, Điều 2, Nghị định 161/2018.
Theo đó, tất cả các giáo viên hợp đồng ở Hà Nội không được xét tuyển đặc cách do vướng quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 14, Nghị định 161 trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức phải là người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
Trước đó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã khẳng định sẽ xét tuyển số giáo viên hợp đồng này nếu đáp ứng đủ 3 tiêu chí: Có hợp đồng từ 5 năm trở lên, có đủ sức khỏe và có chuyên môn phù hợp với vị trí cần tuyển dụng.
Theo đó, liên tục trong thời gian ngắn giáo viên hợp đồng luôn đứng trong trạng thái bất an về cách thức tuyển dụng của UBND TP Hà Nội. Nếu như ứng theo 3 tiêu chí do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra trước đó, nhiều giáo viên đã nắm chắc trúng tuyển trong tuyển dụng giáo viên công chức. Tuy nhiên, nay quyết định trên đã bị thay đổi, theo đó không khỏi khiến giáo viên hợp đồng rơi vào tình trạng sốc.
Điển hình là nhiều giáo viên hợp đồng ở các huyện Ba Vì, Sơn Tây đã bị chấm dứt hợp đồng ngay trước thềm năm học mới. Đối với 256 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn đều được đến lớp giảng dạy nhưng không yên tâm công tác bởi họ luôn nơm nớp lo sợ với quyết định sắp tới của UBND huyện Sóc Sơn.
Bởi trước đó, vào ngày 25/7/2019, UBND huyện Sóc Sơn đã đề xuất với Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn về việc thay đổi hình thức tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019 chuyển hình thức thi tuyển sang xét tuyển trong tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019.
Tuy nhiên, đến nay, 256 giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn vẫn chưa biết huyện sẽ áp dụng hình thức tuyển dụng nào, trong khi đó thời gian thi tuyển đã rất cận kề.
Theo đó, nhiều giáo viên Sóc Sơn đang đặt câu hỏi, không biết họ phải thấp thỏm đợi quyết định tuyển dụng đến bao giờ và họ sẽ được tuyển dụng theo hình thức như thế nào?