Hà Nội: Nhiều người mắc sốt xuất huyết nặng, nguy kịch
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có nhiều trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đang điều trị, một số ca nguy kịch dù có tiền sử khỏe mạnh.
Liên tục tiếp nhận ca nặng
Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ, điều dưỡng tập trung điều trị, chăm sóc cho 4 ca sốt xuất huyết nặng, trong đó có 2 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.
Nằm im lìm thở máy, bệnh nhân nữ 42 tuổi (ở Đan Phượng, Hà Nội) đang được theo dõi các chỉ số liên tục. Bệnh nhân vào viện khi mắc sốt xuất huyết ở ngày thứ 6, có bệnh lý nền đái tháo đường type 2.
Người nhà bệnh nhân cho biết: Trước đó, bệnh nhân có triệu chứng sốt, đau đầu, đau mỏi người, tự đi khám và điều trị tại nhà 2 ngày, nhưng cảm thấy mệt hơn, nên người nhà đưa vào Bệnh viện Đan Phượng và được chuyển tới Bệnh viện Đống Đa với chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 6. Sau đó, bệnh nhân có dấu hiệu nặng lên, nên tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để theo dõi.
Lúc chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân đã có hiện tượng ngừng tuần hoàn và đã được cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công. Sau đó bệnh nhân có dấu hiệu đông máu nặng nề, suy đa tạng, suy hô hấp và được đặt nội khí quản, thở máy. Bệnh nhân cũng xuất hiện tình trạng rối loạn đông máu nặng nề, chảy máu nhiều ở đường tiêu hóa, xuất huyết trong cơ nên đang được điều trị lọc máu liên tục. Hiện bệnh nhân vẫn được sử dụng thuốc vận mạnh để tăng huyết áp, truyền các chế phẩm của máu.
Cũng mắc sốt xuất huyết diễn biến nguy kịch đang được điều trị tại đây, bệnh nhân nữ 38 tuổi (ở Hà Nội) vào viện khi đã ở ngày thứ 4 (giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết Dengue). Trước đó, bệnh nhân này có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh. Được biết, sau khi có triệu chứng sốt cao, đau đầu, bệnh nhân tự điều trị ở nhà 2 ngày nhưng không đỡ, kèm thêm các triệu chứng đau đầu, đau mỏi người, nôn nhiều… Sau đó, bệnh nhân xuất hiện tình trạng rối loạn ý thức, gia đình đã chuyển ngay bệnh nhân vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để cấp cứu.
Khi vào viện, bệnh nhân đã bắt đầu xuất hiện tình trạng khó thở, thiếu máu, có tổn thương ở phổi. Các bác sĩ đã tiến hành truyền dịch, thuốc vận mạnh và đặt thở máy cho bệnh nhân. Bệnh nhân này cũng bị rối loạn đông máu nặng, có hiện tượng tăng kali máu và đã nhanh chóng được hỗ trợ thở oxy nhưng không hiệu quả. Tình trạng suy thận của bệnh nhân vẫn tăng lên, được lọc máu liên tục.
Hiện các bác sĩ tiên lượng tình trạng các ca bệnh này vẫn rất nặng, nguy kịch.
TS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Hiện Bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho 29 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Chỉ riêng 2 tuần nay, tại Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận 8 bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, trong đó có 1 bệnh nhân đã tử vong; có 3 trường hợp sức khỏe tiến triển và được chuyển về tuyến dưới để theo dõi thêm.
Hiện miền Bắc đang trong giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết, nhất là thời tiết mưa nhiều, muỗi truyền bệnh phát triển, số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng nhanh, mỗi người dân cần cảnh giác phòng bệnh; nhất là khi bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Cảnh giác với giai đoạn trở nặng của sốt xuất huyết
Theo TS.BS Thân Mạnh Hùng, với người bệnh sốt xuất huyết, quan trọng nhất là cần phải theo dõi rất sát các dấu hiệu sinh tồn, cũng như các dấu hiệu cảnh báo trở nặng có thể xuất hiện trong quá trình điều trị.
Cụ thể, sốt xuất huyết Dengue nếu diễn biến nặng thường bắt đầu từ ngày thứ 4 trở đi, đây là giai đoạn bệnh nhân có hiện tượng thoát huyết quản. Tại thời điểm này, bệnh nhân có nguy cơ xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo và dễ bị sốc Dengue.
Đặc biệt, khi người bệnh tự điều trị tại nhà, việc tự truyền nước tại nhà hoặc sử dụng dịch vụ y tế tại nhà mà không có sự kiểm soát chặt chẽ của nhân viên y tế là hết sức nguy hiểm.
Theo đó, khi truyền dịch tại nhà, người bệnh phải đối diện với rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra, đó là phản vệ đối với dịch truyền. Trong khi đó, không phải bệnh nhân sốt xuất huyết nào cũng cần truyền dịch và được truyền dịch. Với những bệnh nhân có bệnh lý về tim mạch, hô hấp, thậm chí việc truyền dịch sẽ làm tăng gánh nặng của tim, người bệnh có thể gặp nguy hiểm. Chưa kể, việc truyền dịch tại nhà sẽ không được đảm bảo như tại bệnh viện; người bệnh có thể nhiễm khuẩn trong quá trình thao tác động tác truyền dịch vào cơ thể. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân sốt xuất huyết tuyệt đối không được truyền dịch tại nhà.
“Trong bệnh cảnh của sốt xuất huyết, những ngày đầu tiên, bênh nhân có thể truyền dịch được, nhưng thời điểm bệnh nhân đang trong giai đoạn thoát dịch, việc truyền dịch không được kiểm soát dễ dẫn đến tràn dịch ở các mạch, tràn dịch màng phổi, tim, bụng, có thể làm nặng thêm tình trạng của bệnh của bệnh nhân”, BS. Thân Mạnh Hùng cho biết.
Theo BS. Thân Mạnh Hùng, trong bối cảnh dịch chồng dịch như hiện nay, có một số người dễ nhầm lẫn giữa cúm và sốt xuất huyết hay sốt xuất huyết với COVID-19 mà chủ quan với các biến chứng của sốt xuất huyết, khi vào viện đã trong tình trạng nguy kịch.
“Thời điểm này, nếu người dân khi có bất kỳ triệu chứng như sốt, ho, đau mỏi người thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán. Khi xác định được căn nguyên gây sốt, các bác sĩ, nhân viên y tế sẽ đưa ra những khuyến cáo, thông tin, dấu hiệu cần phải theo dõi khi điều trị tại nhà. Với những trường hợp nặng cần phải nhập viện hoặc có dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ nhập viện để được theo dõi chặt chẽ hơn, tránh những trường hợp đáng tiếc”, BS. Thân Mạnh Hùng khuyến cáo.