Hà Nội: Nhiều ưu điểm khi xây dựng sân bay thứ hai tại Ứng Hòa
Về ưu điểm, Ứng Hòa có khoảng cách và thời gian tiếp cận đến trung tâm Hà Nội hợp lý, tương tự với Sân bay Long Thành về Thành phố Hồ Chí Minh.
Căn cứ vào quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 490 QĐ-TTg ngày 5/5/2008 và đồ án điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cùng nhiều quy hoạch khác, Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố Hà Nội vừa có văn bản 4655/QHKT/HTKT về nghiên cứu sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố Hà Nội, với các tiêu chí xem xét ban đầu như: có vị trí hợp lý với trung tâm Hà Nội và Sân bay Nội Bài (tốt nhất là thời gian tiếp cận đến đô thị hạt nhân dưới 45-60 phút); khả năng tiếp cận giao thông thuận lợi và quỹ đất để bố trí sân bay, Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố Hà Nội cho rằng vùng Ứng Hòa hoàn toàn phù hợp.
Về ưu điểm, vị trí trên có khoảng cách và thời gian tiếp cận đến trung tâm Hà Nội hợp lý, tương tự với Sân bay Long Thành về Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết nối giao thông thuận lợi thông qua cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, Quốc lộ 1A hiện có và tiếp giáp đường trục phía Nam (đang thi công); đồng thời lâu dài sẽ được bổ sung thêm cao tốc Tây Bắc-Quốc lộ 5B (nối đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 5B), các trục đường chính của thành phố Hà Nội (đường Đỗ Xá-Quan Sơn, trục Bắc-Nam, đường Ngọc Hồi-Phú Xuyên).
Ngoài ra, vị trí được chọn quy hoạch còn có khả năng tiếp cận đồng thời cả 3 loại hình giao thông: đường bộ, đường thủy (cảng Vạn Điểm trên sông Hồng) và đường sắt (tuyến Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, lâu dài sẽ kết nối với đường sắt cao tốc Bắc-Nam).
Đặc biệt, thuận lợi để giải phóng mặt bằng, quỹ đất phát triển, có khả năng bố trí được sân bay với diện tích khoảng 1.300ha (tương tự quy mô sân bay Nội Bài với công suất 50 triệu hành khách/năm); trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp, ít khu dân cư.
Cũng theo Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố Hà Nội, việc quy hoạch sân bay tại huyện Ứng Hòa còn góp phần tạo động lực phát triển mới cho Thủ đô, nhất là khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên (cách 5km), quỹ đất hai bên đường, trục phía Nam các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mỹ Đức và các tỉnh phía Nam Hà Nội.
Tuy nhiên, văn bản trên cũng chỉ ra nhược điểm là hiện trạng khu vực dự kiến bố trí có đường điện 500 kV Thường Tín đi Nho Quan cắt qua (phát sinh yêu cầu phải di chuyển trong trường hợp được đề xuất).
Sở Quy hoạch-Kiến trúc cũng kiến nghị thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, các đơn vị tư vấn về phát triển Cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 cân nhắc việc lựa chọn vị trí tại khu vực phía Nam Hà Nội./.