Hà Nội tập trung người lang thang để chăm sóc, quản lý

Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã ra quân thực hiện việc đi kiểm tra, rà soát địa bàn để tập trung người lang thang, góp phần gìn giữ mỹ quan Hà Nội.

Tăng ca, tăng người đi kiểm tra, rà soát

Những ngày qua, khắp các tuyến phố Hà Nội được trang hoàng rực rỡ cờ hoa, tràn ngập hình ảnh mang đậm dấu ấn lịch sử chào mừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Tuy nhiên, tại các chợ, đường phố, khu di tích lịch sử, nơi tập trung đông người vẫn còn tình trạng người lang thang xin tiền gây nên những hình ảnh không đẹp trong mắt người dân và du khách.

Các thành viên Đội Trật tự xã hội lưu động đang tập trung người lang thang có hành vi xin tiền ở Chợ đầu mối phía Nam. Ảnh: Trần Oanh.

Các thành viên Đội Trật tự xã hội lưu động đang tập trung người lang thang có hành vi xin tiền ở Chợ đầu mối phía Nam. Ảnh: Trần Oanh.

Để góp phần gìn giữ mỹ quan Hà Nội, từ ngày 23/9 đến 10/10, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức ra quân thực hiện kế hoạch tăng cường công tác tập trung người lang thang. Theo đó, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội chỉ đạo Đội Trật tự xã hội lưu động (TTXHLĐ) tăng ca và tăng người thực hiện công tác này. Đội phó Đội TTXHLĐ Nguyễn Kim Hiển cho biết, trước đây, hàng ngày Đội tổ chức các ca đi kiểm tra, giám sát địa bàn, mỗi ca 2 người. Riêng trong đợt ra quân, Đội bố trí tăng thêm ca, thành 4 – 6 người (2 – 3 cặp xe máy) cùng đi kiểm tra, rà soát địa bàn.

Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đang làm biên bản tiếp nhận người lang thang. Ảnh: Nguyễn Hải.

Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đang làm biên bản tiếp nhận người lang thang. Ảnh: Nguyễn Hải.

Bên cạnh đó, Trung tâm xác định rõ địa bàn trọng điểm của công tác tập trung người lang thang là 2 quận trung tâm Hoàn Kiếm và Ba Đình – nơi tổ chức rất nhiều sự kiện lớn (Ngày hội văn hóa vì hòa bình, khu phố đi bộ quanh hồ Gươm, Nhà hát Lớn...) sẽ được các thành viên của Đội TTXHLĐ thường xuyên kiểm tra, rà soát. Cùng với đó, các thành viên trong Đội tập trung tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực ngã tư lớn - nơi người tham gia giao thông đứng chờ đèn xanh, kết hợp sử dụng công nghệ thông tin để phát hiện đối tượng có hành vi xin tiền.

Hàng ngày, các thành viên Đội TTXHLĐ đi xe máy đến khu vực phố cổ, khu di tích, không gian đi bộ hồ Gươm, chợ... để kiểm tra, rà soát. Khi phát hiện đối tượng có hành vi xin tiền thì thành viên của Đội theo dõi, ghi hình và báo cáo cán bộ điều động xe ô tô đến tập trung. Trong đợt ra quân này, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội tăng cường phối hợp với các quận, huyện, phường, xã để kiểm tra, xử lý các điểm “nóng” có người lang thang xin tiền.

Người lang thang được quản lý, chăm sóc

Theo kế hoạch, trong ca sáng ngày 8/10, Đội TTXHLĐ bố trí 6 người chia thành 3 cặp xe máy đi kiểm tra, rà soát địa bàn, phát hiện người lang thang ở 6 quận (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ). Ghi nhận của phóng viên cho thấy, 6 cán bộ và nhân viên của Đội đi 3 xe máy đến các tuyến phố, khu chợ, khu vực danh lam thắng cảnh, khu di tích của 6 quận để tuyên truyền Quyết định 2252/QĐ-UBND ngày 16/4/2023 của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn TP Hà Nội và kiểm tra, rà soát địa bàn, phát hiện người lang thang.

Tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội, người lang thang được ăn uống ngày 3 bữa với nhiều món. Ảnh: Nguyễn Vân.

Tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội, người lang thang được ăn uống ngày 3 bữa với nhiều món. Ảnh: Nguyễn Vân.

Tại khu vực bán trái cây Chợ đầu mối phía Nam trên địa bàn quận Hoàng Mai, 2 thành viên của Đội TTXHLĐ đã phát hiện một người lang thang ngả mũ xin tiền người bán hàng và khách mua hàng. Sau khi chụp ảnh, quay clip, 2 thành viên đã báo cáo lãnh đạo Đội đến hỗ trợ đưa người này về khu vực Ban Quản lý chợ để làm các thủ tục tập trung người lang thang.

Qua khai thác của cán bộ, nhân viên Đội TTXHLĐ, người đàn ông có hành vi xin tiền cho biết tên là Hồ Công Đài (74 tuổi, quê ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa). Do tuổi cao, sức khỏe yếu không thể lao động chân tay nên ông Đài ra Hà Nội kiếm sống. Hàng ngày, ông được một người chở xe máy đến các chợ để xin tiền. Ông Hồ Công Đài là một trong số 22 đối tượng được Đội TTCTXH tập trung tiếp nhận từ ngày 23/9 đến 8/10, được đưa về Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội quản lý, chăm sóc.

Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội tổ chức các trò chơi cho người lang thang tham gia. Ảnh: Nguyễn Hải.

Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội tổ chức các trò chơi cho người lang thang tham gia. Ảnh: Nguyễn Hải.

Trong thời gian 3 tháng ở Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội, những người lang thang được kiểm tra sức khỏe, bố trí cho ăn uống, nghỉ ngơi và tham gia nhiều hoạt động (giáo dục pháp luật, thể dục, thể thao, xem ti vi..). Bà Hồ Thị Nga (sinh năm 1983, quê Nghệ An) vừa ăn xong bữa cơm trưa, chia sẻ: “Những ngày đầu mới vào Trung tâm, tôi hoang mang nhưng sau đó được cán bộ động viên, tuyên truyền, giáo dục, bây giờ tâm lý đã ổn định. Các bữa ăn chính ở đây có nhiều món ngon như thịt lợn, giò lụa, tôm rang, cá kho, chả cá, rau xanh, trái cây... Tôi chỉ mong khi hết thời hạn tập trung được về quê kiếm việc làm và nuôi con”.

Những ngày này, mọi người đi trên đường phố Hà Nội trong tiết trời vào Thu, đường phố sạch đẹp và đầy sắc màu, không có cảnh người lang thang xin tiền nên ai nấy đều phấn khởi và vui vẻ. Theo kế hoạch, từ nay đến hết ngày 10/10, Trung tâm Công tác xã hội & Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội vẫn tiếp tục ra quân cao điểm tập trung người lang thang về chăm sóc, nuôi dưỡng.

Trần Oanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-tap-trung-nguoi-lang-thang-de-cham-soc-quan-ly.html