Hà Nội tiếp tục đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI
Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, trong tháng 7 và 7 tháng năm 2023, TP Hà Nội tiếp tục đạt được nhiều kết quả ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội. Các chỉ số về phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch… tiếp tục tăng trưởng. Đặc biệt, về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Hà Nội tiếp tục là địa phương đứng đầu cả nước.
Hà Nội đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI
Là Thủ đô của cả nước, với lợi thế về hạ tầng và nguồn nhân lực và sự cam kết của chính quyền trong việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, Hà Nội tiếp tục là điểm đầu tư được các doanh nghiệp nước ngoài ưu tiên lựa chọn. Tính chung 7 tháng năm 2023, toàn Thành phố thu hút 2.282 triệu USD vốn FDI. Hà Nội vẫn đang là địa phương dẫn đầu trong thu hút vốn FDI, chiếm gần 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,76 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng trong tháng 7/2023, TP Hà Nội có 37 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 22,2 triệu USD; 18 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 24,5 triệu USD; 1 dự án điều chỉnh giảm vốn 40 triệu USD (Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử Meiko tại KCN Quang Minh)...
Tính chung 7 tháng, Hà Nội đã đăng ký cấp mới 233 dự án với số vốn đạt 97,5 triệu USD; 108 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 193,5 triệu USD; 190 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 1.991 triệu USD (trong đó 1 lượt giao dịch của Nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1.500 triệu USD).
Chỉ số sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại - du lịch có sự tăng trưởng mạnh
Theo thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 trên địa bàn TP Hà Nội ước tính tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,6% và tăng 3,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,5% và tăng 4,6%; cung cấp nuớc và xử lý rác, nước thải tăng 1,8% và tăng 6,1%; ngành khai khoáng tăng 8,7% và giảm 17,2% so với cùng kỳ.
Tính chung 7 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,9%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6,7%; công nghiệp khai khoáng giảm 7,1%.
Trong 7 tháng năm 2023, một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất đồ uống tăng 20%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 15,2%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 11,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại tăng 10,4%; sản xuất thuốc lá tăng 6,6%; sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị tăng 23,3%. Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ: sản xuất máy móc, thiết bị giảm 29,4%; dệt giảm 6,3%; in, sao chụp bản ghi giảm 5,6%; sản xuất trang phục giảm 4,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính giảm 3,1%.
Về phát triển thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tính đạt 63,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 433,3 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước.
Về du lịch, tổng lượng khách đến Hà Nội tháng 7 ước đạt 388 nghìn lượt người, tăng 4% so với tháng trước và tăng 52,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 2.609 nghìn lượt người, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế tháng 7 ước đạt 235 nghìn lượt người, tăng 4,8% so với tháng trước và gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, khách quốc tế ước đạt 1.684 nghìn lượt người, gấp 4,9 lần cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Thái Lan tăng mạnh so cùng kỳ năm 2022.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm so cùng kỳ năm 2022
Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước tính đạt 1.406 triệu USD, tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 828 triệu USD, tăng 9,2% và tăng 11,7% so cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 578 triệu USD, giảm 3,7% và giảm 11,3% so cùng kỳ. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ như: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 211 triệu USD, tăng 9,2%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 189 triệu USD, tăng 2%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 130 triệu USD, tăng 21,7%; xăng dầu đạt 101 triệu USD, tăng 16,3%...
Tuy nhiên, do ảnh hưởng suy giảm kinh tế thế giới nên tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 9,4 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7 ước tính đạt 2.853 triệu USD, tăng 2,3% so với tháng trước và giảm 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 20 tỷ USD, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu giảm cùng kỳ năm 2022 nhưng vẫn đang có chiều hướng tăng so với tháng trước đó. Điều này cho thấy nền kinh tế của TP Hà Nội đang phục hồi tích cực sau đại dịch COVID-19.