Hà Tĩnh: Chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy phụ nữ phát triển kinh tế tập thể
Ngày 26/4, Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, điều hành hoạt động tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ.
Xác định được tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế tập thể, nhiều năm qua, các cấp Hội phụ nữ Hà Tĩnh đã tích cực tham gia chủ trương đổi mới và phát triển kinh tế tập thể của tỉnh; chủ động phối hợp với các ngành chức năng thực hiện hiệu quả Đề án 939 của Chính phủ về "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025"; Đề án 01 "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030".
Trong đó, tập trung các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, mô hình kinh tế; tổ chức các diễn đàn, các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp hoạt động, kết nối, tiêu thụ sản phẩm, biểu dương, tôn vinh nhằm khích lệ, tạo động lực và lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo trong hội viên phụ nữ; đẩy mạnh phát triển, nâng cao hiệu quả các tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ quản lý, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ.
Tính đến nay, trong số 1.025 hợp tác xã trên toàn tỉnh, có 415 hợp tác xã (chiếm tỷ lệ 40,5%) có phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ; trong số 2.579 tổ hợp tác trên địa bàn toàn tỉnh, có 342 tổ hợp tác (chiếm tỷ lệ 13,3%) do các cấp Hội phụ nữ vận động, hỗ trợ thành lập.
Có thể khẳng định, thông qua hoạt động hỗ trợ, tư vấn của các cấp Hội phụ nữ, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý đã khẳng định vị thế, thương hiệu của tổ chức trên thị trường. Đặc biệt, một số Hợp tác xã đã chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong điều hành quản lý, sản xuất cũng như đưa các sản phẩm lên sàn thương mai điện tử, tạo vị thế sản phẩm của đơn vị trên thị trường như: Hợp tác xã Phú Khương (Kỳ Anh); Hợp tác xã nông sản Hoàn Thắng (Hương Khê); Hợp tác xã sản xuất kinh doanh tổng hợp Nhật Hằng (Hương Khê); Hợp tác xã chế biến và kinh doanh hải sản Hoa Linh Chi (Nghi xuân); Hợp tác xã Bánh gai (Đức Thọ)... Qua đó, tạo động lực mạnh mẽ cho phụ nữ trong toàn tỉnh tham gia phong trào khởi nghiệp, sáng tạo, nâng cao quyền năng kinh tế; góp phần giải quyết những vấn đề xã hội như xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo đảm đầy đủ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) đã chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm những cách làm hay, hiệu quả, những khó khăn, bất cập trong quá trình điều hành hoạt động của các THT, HTX; đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ thúc đẩy THT, HTX phát triển trong thời gian tới.
Đại diện các sở, ngành, đơn vị là Thường trực cũng như là các thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển kinh tế tập thể đã chia sẻ các chủ trương, chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, HTX của Trung ương và địa phương; giải đáp các vướng mắc của THT, HTX về phát triển quy mô, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho HTX nông nghiệp, giải pháp chiến lược kinh doanh, tổ chức bộ máy HTX.
Phát biểu tổng kết buổi tọa đàm, bà Trương Thị Lượng - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh - đánh giá cao sự đồng hành, hỗ trợ của các sở, ngành chức năng; đồng thời ghi nhận những nỗ lực của chị em thời gian qua. Bà Lượng mong muốn các THT, HTX tiếp tục phát huy thế mạnh tài nguyên bản địa, chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong điều hành quản lý, sản xuất cũng như đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, tạo vị thế sản phẩm của đơn vị trên thị trường, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ, đóng góp tích cực trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.