Hà Tĩnh: Chuyển đổi số để hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh
Triển khai thí điểm một số mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh hướng đến xây dựng nông thôn mới thông minh.
Hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh tổng hợp Nhật Hằng (xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) một trong những HTX thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh bưởi Phúc Trạch. Cùng với chăm sóc đảm bảo cho quả bưởi khi xuất ra thị trường đạt chất lượng tốt nhất, thời gian qua, HTX còn bận rộn với tập huấn, đăng ký, cài đặt phần mềm chuyển đổi số.
Theo đó, HTX cùng các các hộ trồng bưởi được cấp 1 tài khoản số để đăng ký thông tin về diện tích, sản lượng, năm trồng và số cây... Cùng với việc chuyển đổi số, HTX cũng đã đưa bưởi Phúc Trạch lên giao dịch tại các sàn thương mại điện tử để sản phẩm có thể tiếp cận gần hơn và nhanh hơn với người tiêu dùng.
Việc tham gia chuyển đổi số, ứng dụng phần mền quản lý truy xuất nguồn gốc sản xuất đến khâu tiêu thụ có ý nghĩa rất quan trọng đối với người sản xuất. Đây là cách tốt nhất để loại bỏ khâu trung gian, giúp nông sản ổn định về giá, không bị thương lái thao túng.
Mặt khác, bằng việc quét mã truy xuất nguồn gốc gắn trên sản phẩm, khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận thông tin về nhà vườn, điều kiện canh tác, thông tin chi tiết của sản phẩm, giúp người sản xuất chứng minh chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm.
Ông Phan Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê - cho biết, huyện đã thành lập tổ công tác chuyển đổi số, kinh tế số trong nông nghiệp. Cùng với bưởi Phúc Trạch, huyện cũng đã phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh rà soát, lựa chọn 159 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác với 2.764 hộ tham gia chuyển đổi số.
Theo Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh, để bắt nhịp công cuộc chuyển đổi số hiệu quả và chất lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, ngành Nông nghiệp là một trong 6 lĩnh vực được ưu tiên.
Theo đó, Hà Tĩnh sẽ tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số. Tập trung xây dựng dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất; thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai… Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm đảm bảo nhanh chóng, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đồng thời, chuyển đổi số trong quản lý để có chính sách, điều hành kịp thời như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch…
Xây dựng cơ sở dữ liệu nông thôn mới với một số tiện ích như: Kiểm tra thông tin cơ bản về kết quả thực hiện nông thôn mới, OCOP của tỉnh; phát hành thông tin về sản phẩm OCOP Hà Tĩnh thông qua quét mã QR Code; cập nhật thông tin lô sản xuất; hiển thị thông tin cơ sở sản xuất trên bản đồ số…
Đến nay, Hà Tĩnh là địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành xây dựng nông thôn mới. Phần mềm “Dữ liệu số nông thôn mới Hà Tĩnh” đã cập nhật được kết quả thực hiện nông thôn mới các cấp từ tỉnh đến huyện, xã; đánh dấu tọa độ địa lý, hạ tầng nông thôn mới như: Các trụ sở UBND, nhà văn hóa thôn, khu di tích, vườn mẫu… Qua đó, có thể chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay đến cộng đồng một cách sâu rộng.
Thông qua các mô hình số còn giúp người dân quản lý quy trình sản xuất sản phẩm. Đây cũng là diễn đàn mở để người dân cung cấp thông tin, số lượng sản phẩm để kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm… Người dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu kiến thức trong phát triển kinh tế vườn hộ, giáo dục, y tế.., từng bước tham gia tích cực vào mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Với việc chủ động triển khai chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy quá trình số hóa nhằm thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của cơ quan chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp... đang góp phần đưa chất lượng xây dựng nông thôn mới Hà Tĩnh đi vào chiều sâu và bền vững, hướng tới nông thôn mới thông minh...
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn, như: Truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, phát triển thương mại điện tử… sẽ là tiền đề hình thành chuyển đổi số, kinh tế số, góp phần thực hiện thành công Đề án thí điểm tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.