Hai anh em người Việt khiến nước Nhật thích mê với ổ bánh mì quê hương
Quyết định khởi nghiệp từ ổ bánh mì Việt Nam. Hai anh em 8x, 9x đã làm thế nào để trở thành những người Việt tiêu biểu của một thế hệ trẻ dám nghĩ dám làm?
Khai trương vào tháng 10/2016 tại một khu buôn bán sầm uất ngay thủ đô Tokyo, tiệm bánh mì thuần Việt nhỏ bé của hai anh em du học sinh người Việt Bùi Thành Tâm (1986) và Bùi Thanh Duy (1991) đã nhanh chóng trở thành địa điểm yêu thích của rất nhiều người bản xứ bởi sự đáng yêu, chân thành ngay từ tên gọi: Tiệm bánh mì Xin chào!
Taste bánh mì, taste Vietnam!
Đó là lời khẳng định chất lượng và nét đặc trưng khiến cho Bánh mì Xin chào, đứa con đầu lòng của hai anh em Tâm và Duy khác biệt so với nhiều tiệm thức ăn Việt trên đất Nhật. Đây không phải là tiệm ăn kiểu Việt đầu tiên tại Tokyo nhưng là nơi chỉ phục vụ duy nhất bánh mì, với công thức và cách làm được giữ nguyên 100% kiểu đường phố Việt mà chúng ta vẫn thường ăn vào bất kì giờ nào ở bất cứ nơi đâu trên mảnh đất hình chữ S.
Từ cách thái chả, nướng thịt đến cả sợi dưa muối chua giòn giòn cũng đều giữ nguyên hương vị Việt Nam như câu slogan đã nói: “Ăn bánh mì là nghĩ đến đất Việt.”
Nằm trên tuyến phố thương mại vô cùng tấp nập Waseda Dori ở thủ đô Tokyo, giữa rất nhiều đối thủ cạnh tranh là các nhà hàng, tiệm thức ăn nhanh nổi tiếng thế nhưng chỉ vài tháng sau khi ra mắt Bánh mì Xin chào đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của người Nhật và đặc biệt là giới truyền thông.
Câu chuyện truyền cảm hứng
Mới đây, sau bản tin thời sự của đài truyền hình Việt Nam, câu chuyện khởi nghiệp của anh em Bùi Thanh Tâm và Bùi Thanh Duy đã mau chóng được chia sẻ trong cộng đồng giới trẻ Việt và trở thành nguồn cảm hứng cho những ai đang trong hành trình chinh phục ước mơ làm giàu của mình.
Chiêm nghiệm từ thành công của bánh mì Kebab (món ăn đặc sản Thổ Nhĩ Kỳ) trên đất Nhật và cả thế giới. Họ quyết tâm xây dựng thương hiệu của riêng mình từ một món ăn vô cùng bình thường của quê hương: Bánh mì. Nếu Doner Kebab có thể trở thành món ăn được thế giới ưa chuộng, tại sao bánh mì lại không?
Chuỗi hành trình đầy khó khăn của hai người trẻ mong muốn khẳng định mình ở nơi đất khách đã bắt đầu.
Những khó khăn gặp phải trong quá trình xây dựng tiệm bánh mì được ông chủ trẻ chia sẻ đã gây được nhiều sự chú ý của giới trẻ.
Từ nguồn vốn ít ỏi được cung cấp bởi gia đình và một phần ủng hộ của cộng đồng người Việt tại Nhật, họ đã bắt tay vào xây dựng cửa tiệm bánh mì Việt Xin Chào. Vốn liếng hạn hẹp chưa là gì so với những thách thức lớn hơn mà họ phải vượt qua để có được căn tiệm nhỏ này.
Bùi Thanh Tâm và em trai luôn đặt toàn bộ tâm tình vào mỗi phần ăn gửi đến thực khách, đó là lý do mà Bánh mì Xin chào càng ngày càng được yêu thích tại khu trung tâm đông đúc này.
Thanh Duy cho biết: “Nửa năm đi tìm mặt bằng, nhưng tìm không ra mặt bằng vì người Nhật khá e dè người nước ngoài và vì đây là một món ăn đường phố nên không thể thuê mặt bằng ở lầu 2, lầu 3 được, còn mặt bằng tầng 1, trệt thì lại rất hiếm, đặc biệt là ở những nơi đông người.”
Tìm được mặt bằng, mới chỉ là thử thách đầu tiên. Ở một đất nước có mức sống tiêu chuẩn cao như Nhật, quy định an toàn vệ sinh thực phẩm là điều vô cùng ngặt nghèo. Để có thể hoàn thiện thủ tục pháp lý, họ phải vượt qua các đợt kiểm tra để có được giấy chứng nhận của Cục vệ sinh an toàn Nhật Bản là một thách thức khó khăn.
Trải qua nhiều cam go, tiệm bánh mì Xin chào cuối cùng cũng được khai trương trong sự háo hức của người Nhật.
Thực đơn phong phú, chất lượng ổn định cộng với sự nhiệt tình, thân thiện của hai ông chủ trẻ là điều khiến cho mỗi thực khách ghé thử nơi này đều quay lại và trở thành khách quen. Không chỉ có thể, bánh mì Xin chào còn thu hút sự chú ý của nhiều du khách nước ngoài đến thăm Tokyo.
Mỗi phần ăn bao gồm một bánh mì và nước dùng kèm có giá khoảng 600 yên (tương đương với 120.000đ Việt Nam), một con số khá hợp lý với mức sống của người Nhật. Món ăn cung cấp đủ dinh dưỡng, đậm đà hương vị Việt với đồ muối chua đặc trưng của bánh mì Việt Nam đã nhanh chóng trở thành lựa chọn yêu thích của giới trẻ Nhật. Mỗi ngày, tiệm có thể bán được từ 100 - 200 phần ăn.
Đồ muối chua của Xin chào là thành phần rất được yêu thích trong bánh mì.
Người ta cứ truyền miệng nhau về món ăn đặc sắc này mãi, cho đến khi nó trở nên nổi tiếng và được giới truyền thông chú ý. Thế rồi, câu chuyện về ý chí, sự nỗ lực của hai anh Bùi Thanh Tâm và Bùi Thanh Duy đã xuất hiện trên một đầu báo lớn của Nhật, đất nước luôn coi trọng tinh thần cầu tiến, dám nghĩ dám làm. Xây dựng một thương hiệu với người bản xứ đã không phải chuyện dễ dàng, với hai thanh niên tay trắng người nước ngoài lại còn khó khăn gấp trăm bề.
Những thành công mà Bùi Thành Tâm và Bùi Thanh Duy đạt được trên đất khách quê người không những là niềm tự hào của cộng đồng người Việt tại Nhât mà còn là tấm gương sáng để những người trẻ học tập. Không phải ai cũng dám từ bỏ 10 năm đèn sách để dấn thân vào môi trường đầy cạnh tranh và rủi ro như vậy, nhưng chính sự liều lĩnh và tinh thần cầu tiến đã thay đổi cuộc đời của những 8x, 9x này.
Bạn không cần phải trở thành vĩ nhân để được chú ý, chỉ cần làm tốt nhất có thể từ những điều nhỏ bé cũng đủ để thành động lực của người khác rồi.