Hai mươi năm trầm cảm của 'nữ hoàng wushu' Thúy Hiền

Cựu vận động viên wushu Thúy Hiền đang thu hút sự quan tâm của người hâm mộ khi tham gia chương trình truyền hình thực tế Chị đẹp đạp gió 2024, dự kiến phát sóng từ tháng 10. Chia sẻ với truyền thông, Thúy Hiền cho biết: 'Tôi muốn truyền cảm hứng cho mọi người, đặc biệt là những người phụ nữ hoặc những gia đình có người mắc bệnh trầm cảm. Tôi muốn giúp họ có thêm nguồn động viên tinh thần để chiến đấu với căn bệnh đó'.

Trầm cảm vì những cơn đau không dứt

Nguyễn Thúy Hiền là tài năng võ thuật đặc biệt khi 14 tuổi cô trở thành vận động viên Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương vàng tại đấu trường quốc tế (Giải vô địch wushu thế giới 1993). Trong sự nghiệp thi đấu, Thúy Hiền sở hữu 7 huy chương vàng thế giới, 2 huy chương vàng châu Á, 2 huy chương vàng Đông Nam Á; 8 huy chương vàng SEA Games…

Với vẻ ngoài xinh xắn, cô từng được báo giới và người hâm mộ gọi là “Nữ hoàng wushu”, “Hoa khôi wushu”… Năm 2007, Thúy Hiền ly hôn và tự chăm sóc hai con gái nhỏ, cũng từ đây cô ít xuất hiện trên truyền thông.

Sau biến cố trầm cảm, Thúy Hiền quan niệm “Sống vui vẻ thì trẻ lâu”. Ảnh: P.A.T

Sau biến cố trầm cảm, Thúy Hiền quan niệm “Sống vui vẻ thì trẻ lâu”. Ảnh: P.A.T

Tham gia Chị đẹp đạp gió 2024, lần đầu tiên Thúy Hiền tiết lộ những tháng năm chống chọi với căn bệnh trầm cảm: “Tôi là người bị bệnh rất nặng, tính từ những dấu hiệu nhỏ báo hiệu căn bệnh đến nay đã gần 20 năm. Tôi phải uống thuốc gấp đôi thậm chí gấp ba người bị bệnh bình thường. Nhưng đến hôm nay, nhờ người thân, bạn bè chăm sóc, động viên tôi đúng cách, tôi đã dần hồi phục…”.

Thúy Hiền cho biết nhiều năm qua cô phải sống chung với các cơn đau kinh niên, có thể là hệ lụy từ chấn thương thời trẻ khi tập luyện, thi đấu. Khi nắng mưa thất thường, thời tiết không ổn định cô hay đau xương, đau lưng, đau cổ vai gáy, toàn thân nhức mỏi, bị co cứng phần cơ ở phía sau lưng, hông, cổ. Đau đến mức biết dùng nhiều thuốc có thể nguy hiểm tính mạng nhưng cô vẫn uống.

Thăm khám khắp nơi không chẩn đoán ra bệnh chính xác, cơ thể cô dần kiệt quệ và trầm cảm đến mức luôn trốn trong phòng, không dám gặp ai: “Nằm trên giường, tôi nghĩ tại sao lại bế tắc thế này. Tôi muốn khỏe lại để vào bếp nấu một bữa ăn cho con, chạy ra sân chơi thể thao… Bây giờ mọi thứ đỡ hơn, tôi chỉ nói mình sống tới giờ phút này là quá may mắn”.

Là người trong cuộc trầm cảm, Thúy Hiền cho rằng người bệnh cần mạnh mẽ đối diện, tin tưởng đây là căn bệnh có thể vượt qua. “Cuộc sống bây giờ có nhiều áp lực, thậm chí mỗi người đều có những ám ảnh, tổn thương lâu dài. Nhưng vì chúng ta chôn giấu kỹ quá, sự tích lũy theo thời gian không tiêu tan, chỉ ngày một dày lên khiến ta bị bệnh mà không hay biết…”, Thúy Hiền chia sẻ.

Buồn nào mới thành trầm cảm?

TS-BS. Nguyễn Hữu Chiến (Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần và Tâm lý lâm sàng, Khoa Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội; nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 1), cho biết trầm cảm là một rối loạn khí sắc thường gặp trong các rối loạn tâm thần. Đây là tình trạng buồn chán, giảm hứng thú quá mức và kéo dài, từ đó ảnh hưởng đến các hoạt động trong cuộc sống. Thống kê cho thấy trong suốt đời người, tỷ lệ mắc trầm cảm ở phụ nữ là 1/4, ở nam giới là 1/10. Tỷ lệ chung là 15%.

Không có ai miễn dịch với trầm cảm. Tuổi trung bình khởi phát trầm cảm xấp xỉ 40, khoảng 50% bệnh nhân khởi phát trong độ tuổi 20 - 50. Trẻ em và người lớn tuổi cũng có thể khởi phát trầm cảm. “Mọi người thỉnh thoảng thấy buồn vào một lúc nào đó trong cuộc đời. Thực tế những cảm xúc buồn hay chán nản thoáng qua là hoàn toàn bình thường, đặc biệt vào những thời điểm khó khăn. Nhưng những người nào không thể thoát ra khỏi những cảm xúc này trong thời gian hai tuần hoặc hơn thì có thể bị một chứng bệnh gọi là trầm cảm”, BS. Chiến lưu ý.

Các yếu tố nguy cơ gây trầm cảm thường gặp là: sang chấn tâm lý (yếu tố stress xảy ra trong gia đình: xung đột giữa các thành viên, có người bệnh nặng hoặc kéo dài, có người chết, các khó khăn kinh tế…; trong công việc: khó khăn, xung đột hoặc thất bại, mất việc làm...; trong mối quan hệ xã hội: xung đột, chia tay bạn bè, người yêu...); bị bệnh cơ thể kéo dài (các bệnh mạn tính làm bệnh nhân giảm khả năng hoạt động và bi quan về sức khỏe và tương lai).

Các thay đổi sinh lý cũng là yếu tố nguy cơ (thay đổi của các nội tiết trong cơ thể làm dễ mắc rối loạn trầm cảm, như phụ nữ ở giai đoạn sau sinh hoặc thời kỳ mãn kinh; bên cạnh đó có thể do thay đổi trong các chất dẫn truyền thần kinh trung gian, đây là những trường hợp trầm cảm nội sinh). Tính cách con người cũng được ghi nhận là yếu tố nguy cơ gây trầm cảm (người có tính cách bi quan hóa vấn đề như luôn tự ti, nhìn thấy các mặt tiêu cực, mặt thất bại của bản thân, gia đình và xã hội…; những người thu mình ít tiếp xúc với xung quanh...).

Biết sớm trầm cảm dễ trị khỏi

TS-BS. Nguyễn Hữu Chiến.

TS-BS. Nguyễn Hữu Chiến.

BS. Chiến cho biết biểu hiện lâm sàng của trầm cảm thể hiện qua: cảm xúc (khí sắc giảm: nét mặt buồn bã, nhiều khi không phản ứng với các kích thích bên ngoài; cảm thấy buồn rầu, chán nản; mất hứng thú trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt các hứng thú trước đây đều bị giảm hoặc mất; khóc lóc nhiều hoặc không thể khóc; cảm thấy cô đơn mặc dù có nhiều người xung quanh…); tư duy (mất tự tin vào bản thân, thường đánh giá thấp bản thân, cho rằng không làm được điều gì tốt đẹp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao; cảm thấy có tội, trường hợp nặng có các hoang tưởng tự buộc tội; có suy nghĩ bi quan, tiêu cực về bản thân, những người xung quanh và thế giới; đặc biệt luôn bi quan về tương lai, không thấy hướng đi cho bản thân; có cảm giác vô vọng - nếu nặng có thể có ý định tự sát…); hành vi (chậm chạp, cảm giác khó khăn ngay khi làm các công việc đơn giản; ăn uống kém, giảm ngon miệng, không thấy đói hoặc không có nhu cầu ăn uống; rối loạn giấc ngủ, đa số mất ngủ, thường thức dậy nhiều lần hoặc dậy sớm; không làm được các công việc bình thường như trước; giảm khả năng tập trung, ngay cả việc đơn giản cũng không có khả năng chú ý, tập trung được; trường hợp nặng có hành vi toan tự sát...); cơ thể (đau đầu, đau nhức trong cơ thể; dễ mệt mỏi dù chỉ làm công việc đơn giản, mệt mỏi toàn thân - nhất là vào sáng sớm; bồn chồn, bất an…).

Chẩn đoán trầm cảm sẽ dựa vào tiêu chuẩn (ICD-10) của Tổ chức Y tế thế giới, bao gồm: tiêu chuẩn lâm sàng, tiêu chuẩn thời gian, tiêu chuẩn ảnh hưởng cuộc sống. Trong đó, với tiêu chuẩn lâm sàng thì triệu chứng chính có ít nhất 2 trong 3 triệu chứng cơ bản: khí sắc giảm (hầu như cả ngày, hầu như mọi ngày); giảm hứng thú đối với các hoạt động trước đây ưa thích; dễ mệt mỏi. Đồng thời, triệu chứng thường gặp có ít nhất 2 trong các triệu chứng: giảm khả năng tập trung và chú ý; giảm tự trọng và tự tin; thấy có tội và không xứng đáng; ảm đạm và bi quan về tương lai; có suy nghĩ hoặc hành vi tự hại hoặc tự tử; rối loạn giấc ngủ; giảm cảm giác ngon miệng.

Với tiêu chuẩn thời gian: các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tuần; với tiêu chuẩn ảnh hưởng cuộc sống: ảnh hưởng đến các hoạt động học tập, công việc, gia đình và xã hội.

Theo BS. Chiến, quá trình điều trị bao gồm: trị liệu tâm lý (giáo dục tâm lý; thư giãn - tập thở; liệu pháp kích hoạt hành vi; liệu pháp nhận thức - hành vi…); điều trị bằng thuốc (dùng thuốc phải có chỉ định và lựa chọn của thầy thuốc, người bệnh không tự tiện dùng). Tập thể dục thường xuyên, tăng cường giao tiếp xã hội và thay đổi một số thói quen ăn uống, sinh hoạt (giảm thức ăn nhiều đường và chất béo; ngủ đủ từ 7- 9 tiếng mỗi đêm theo nhu cầu cơ thể...) có thể giúp ngăn ngừa trầm cảm. “Điều trị trầm cảm thường phải kéo dài, ít nhất là sáu tháng, có nhiều trường hợp đến một - hai năm để đề phòng tái phát. Có 80 - 90% người mắc trầm cảm có thể được điều trị một cách hiệu quả. Trầm cảm là rối loạn tâm thần có thể điều trị được”, BS. Chiến nhấn mạnh.

Minh Hoàng - Hữu Đức

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/hai-muoi-nam-tram-cam-cua-nu-hoang-wushu-thuy-hien-45541.html