Hải Phòng - địa linh, nhân kiệt

Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Hải Phòng phong cảnh, biển, đảo, núi non, đồng quê vô cùng tươi đẹp. Với hơn 125km bờ biển nằm giữa Quảng Ninh và Thái Bình, Hải Phòng có một vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, quốc phòng của vùng Bắc bộ và của cả nước. Chẳng thế mà nơi đây, từ khi thành lập (năm 1888) đã được đặt tên với ý nghĩa là phòng thủ tuyến biển.

Những hàng cọc tại Di tích lịch sử quốc gia bến tàu không số K15 - điểm xuất phát đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: Nguyễn Hội

Những hàng cọc tại Di tích lịch sử quốc gia bến tàu không số K15 - điểm xuất phát đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: Nguyễn Hội

Cũng trên tuyến đường biển này, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng nghìn chuyến tàu không số đã xuất phát để vận chuyển hàng triệu tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày nay, những hàng cọc trụ bê tông ở bến tàu không số K15 thuộc quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng vẫn còn kiên cố bên Đài tưởng niệm Di tích lịch sử quốc gia “Đường Hồ Chí Minh trên biển” sừng sững uy nghiêm soi mình xuống bờ biển Bến Nghiêng trong xanh sóng vỗ.

Hải Phòng được cả nước biết đến với tên gọi “thành phố cảng”, bởi lẽ ngay từ cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã xây dựng nơi đây thành thành phố có cảng biển nước sâu lớn nhất Bắc Kỳ. Đây là nơi họ vận chuyển tài nguyên, sản vật khai thác được từ An Nam về chính quốc cũng như đi khắp thế giới. Từ xuất phát điểm đó, Hải Phòng có rất nhiều ngành nghề xoay quanh nền công nghiệp tàu biển.

Hải Phòng còn có một địa danh rất đặc biệt. Nơi đây đã đi vào lịch sử dân tộc, là cột mốc đỏ chói lọi trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đó chính là Bạch Đằng Giang. Chính trên dòng sông Bạch Đằng này, lần lượt các năm 938, 981, 1288, dưới sự lãnh đạo tài ba của Ngô Quyền, Lê Hoàn (Lê Đại Hành) và Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo), quân và dân ta đã nhấn chìm hàng trăm chiến thuyền, hàng vạn tên xâm lược phương Bắc để gìn giữ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Điều đặc biệt là cả ba danh tướng đều sử dụng chung một chiến thuật, đó là cắm cọc nhọn trên sông, dụ thuyền địch vào khi nước lớn và khi nước rút thì dùng thuyền nhỏ phản công truy kích. Thuyền lớn của địch bị va vào cọc nhọn, thủng, chìm hay mắc cạn. Quân địch nếu không chết đuối thì cũng bị quân ta trên các thuyền nhỏ tiến công tiêu diệt. Những chiến công oanh liệt đó đã được Thám hoa Giang Văn Minh tự hào khi ông đối đáp với vua quan nhà Minh, rằng: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”.

Tới Hải Phòng cũng không thể không nhắc tới nữ tướng Lê Chân, tùy tướng dưới trướng của Hai Bà Trưng, bao phen khiến quân giặc phương Bắc kinh hoàng.

Và về với Hải Phòng, mấy ai không biết đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam – Bắc triều (Lê – Mạc phân tranh) cũng như tài tiên tri về tiến triển của lịch sử Việt Nam. Nhân kỷ niệm 415 năm ngày mất của Trạng Trình, năm 2000, UBND thành phố Hải Phòng khởi công xây dựng dự án nâng cấp tạo dựng cả một vùng rộng lớn thành quần thể “Khu di tích danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm” tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo.

Năm 2008, thành phố Hải Phòng đã xây dựng Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang, tái hiện lại những bãi cọc năm nào và lập đền thờ Tràng Kênh ở huyện Thủy Nguyên thờ cả 3 vị anh hùng dân tộc nói trên. Có một nét riêng rất độc đáo ở khu di tích này, đó là ngoài việc được xây dựng rất hoành tráng, nơi đây gây ấn tượng với bất cứ ai từng đến với “ba không”: Không rác thải, không hàng quán kinh doanh và không thu bất cứ loại phí tham quan, dịch vụ nào, kể cả phí giữ xe. Đặc biệt, du khách còn được phục vụ nước uống miễn phí.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà Hải Phòng được mệnh danh là thành phố hoa phượng đỏ. Phượng được trồng ở khắp mọi miền Tổ quốc, nhưng chẳng nơi đâu phượng được trồng nhiều, đồng loạt và trở thành cây xanh chủ đạo như nơi đây. Khắp các con đường, ngõ phố, công viên, trường học... đâu đâu cũng được trồng phượng. Hè về, trên nền trời trong xanh ngăn ngắt, Hải Phòng thắm tươi một màu phượng đỏ. Để cho ai gặp một lần cũng ngẩn ngơ, xao xuyến.

Có một con đường xác lập kỷ lục Việt Nam và được mang tên con đường hoa phượng, đó là tỉnh lộ 353 dài hơn 16,5km từ Cầu Rào, kết nối trung tâm thành phố Hải Phòng đến khu du lịch Đồ Sơn. Dọc hai bên đường trồng toàn cây phượng. Những cây phượng trưởng thành, gốc cây cả người ôm vừa vặn. Hè về là điểm lý tưởng cho khách du lịch dừng chân lưu lại những tấm hình mà thiên nhiên ở thời khắc đó rực rỡ nhất, nhắc nhớ mỗi con người về một thuở học trò. Ngoài ra, ở con đường này còn có một loài hoa mà độ kiêu sa, quyến rũ của nó cũng không thua kém bất kỳ loài hoa nào khác, đó chính là tường vi cánh mỏng. Hoa được trồng trên dải phân cách trải dài gần như hết con đường. Xen giữa những cây thông, cây tùng được cắt tỉa tỉ mỉ tạo dáng những linh vật truyền thống như rồng, phượng và trâu chọi.

Đi hết con đường hoa phượng, hoa tường vi cánh mỏng này sẽ đến quận Đồ Sơn - nơi có bãi biển với những khu nghỉ dưỡng lý tưởng và lễ hội chọi trâu độc đáo. Lễ hội đã đi vào ca dao, như nhắc nhớ những người con Hải Phòng luôn nhớ về quê cha đất tổ: “Dù ai buôn đâu bán đâu/ Mùng chín tháng Tám chọi trâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mùng chín tháng Tám nhớ về chọi trâu”.

Theo lộ trình phát triển thành phố trong tương lai, hiện có rất nhiều doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng khu du lịch quốc tế Đồi Rồng với tổng số vốn đầu tư lên tới 25.000 tỉ đồng. Lần đầu tiên ở Việt Nam, con người có thể làm cho nước biển từ ngầu đỏ sình bùn trở nên trong xanh thơ mộng phục vụ khai thác du lịch.

Nguyễn Hội

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hai-phong-dia-linh-nhan-kiet-post431194.html