Hàm Thuận Nam: Chính sách đầu tư ứng trước thúc đẩy sản xuất ở đồng bào dân tộc thiểu số
Cùng với thôn Lập Đức (xã Tân Lập), Hàm Cần, Mỹ Thạnh là 2 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của huyện Hàm Thuận Nam được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 18/2022/NQ - HĐND ngày 18/11/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất và khoán bảo vệ rừng cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.
Bao tiêu nông sản cho đồng bào
Theo đó, hộ DTTS tại các địa bàn này được hưởng chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư, tiêu thụ nông sản để hỗ trợ phát triển sản xuất. Họ là những hộ đồng bào DTTS đang sinh sống và có đất sản xuất nông nghiệp, có nhân khẩu trong độ tuổi lao động, có khó khăn về vốn, có nhu cầu đầu tư ứng trước.
Tại huyện Hàm Thuận Nam, thời gian qua việc đầu tư ứng trước phục vụ sản xuất và đời sống có hiệu quả thiết thực. Từ đó, thúc đẩy sản xuất phát triển, hạn chế tình trạng tư thương cho vay nặng lãi, ép cấp, ép giá trong tiêu thụ sản phẩm, góp phần hạn chế khó khăn trong sản xuất và đời sống của đồng bào DTTS.
Theo Trung tâm dịch vụ miền núi tỉnh, đơn vị đã cung ứng hàng hóa, vật tư kịp thời cho 2 xã Hàm Cần và Mỹ Thạnh với tổng diện tích từ năm 2022 đến 2024 là 2.608 ha/1.274 hộ. Bên cạnh đó, hoạt động của hệ thống cửa hàng, đại lý đã góp phần bình ổn giá cả thị trường miền núi, vùng cao, góp phần thúc đẩy sản xuất vùng đồng bào dân tộc phát triển, giúp các hộ đồng bào xóa đói, giảm nghèo.
Ghi nhận tại cửa hàng đại lý thôn 1, xã Hàm Cần cho thấy, thời gian qua đại lý đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh phổ biến các chủ trương chính sách của nhà nước về đầu tư ứng trước và hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất được áp dụng ở vùng đồng bào DTTS. Đồng thời tham gia các lớp tập huấn do trung tâm khuyến nông tỉnh và ngành nông nghiệp huyện tổ chức về thâm canh trồng bắp lai, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Qua đó, giúp bà con có thêm kiến thức, hướng dẫn bà con nắm bắt kỹ thuật trồng, thâm canh, chăm sóc bắp lai mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Ông Mang Văn Dương, đại diện cửa hàng đại lý thôn 1, xã Hàm Cần cho biết: “Thời gian qua đại lý đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh tổ chức thu mua nông sản từ khâu đo độ ẩm, tính giá, phân loại, cân đong, đo đếm và vận chuyển. Nhờ vậy, hạn chế việc kéo dài thời gian làm giảm chất lượng nông sản”.
Kết quả từ năm 2019 – 2024, cửa hàng đã phối hợp đầu tư ứng trước cho đồng bào DTTS trong xã với tổng số tiền đầu tư ứng trước trên 17 tỷ đồng, bao gồm khâu làm đất, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lương thực… Đồng thời tổ chức thu mua gần 9.000 tấn nông sản với tổng số tiền 33,1 tỷ đồng, thu đầu tư ứng trước 15,1 tỷ đồng, tỷ lệ thu hồi nợ đầu tư ứng trước bình quân 98,2%/năm.
Cần tháo gỡ những khó khăn
Theo ông Nguyễn Văn Chi – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh, từ đầu năm đến nay đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức mua sắm hàng hóa và tập kết vật tư xuống các địa bàn để phục vụ kịp thời nhu cầu sản xuất và đời sống của đồng bào DTTS ở Hàm Thuận Nam nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền các chính sách cũng như kết hợp các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho đồng bào phong phú, đa dạng nên ngày càng được đồng bào ủng hộ và tích cực tham gia. Tuy nhiên, trong năm 2024, công tác đầu tư ứng trước tại địa bàn Hàm Thuận Nam gặp khó khăn hơn các năm trước. Đó là 2 xã Hàm Cần và Mỹ Thạnh chiếm gần 50% giá trị đầu tư sản xuất bắp lai của trung tâm. Nguyên nhân được xác định là vừa qua UBND huyện Hàm Thuận Nam đã tiếp nhận và phân bổ giống bắp hỗ trợ cho các xã Hàm Cần và Mỹ Thạnh bị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2023 để cấp cho các hộ dân sản xuất trong năm 2024 với tổng số lượng là 18.200 kg (giống CP 111 là 4.700 kg và giống CP 333 là 13.500 kg). Theo đó, giống CP 333 của đồng bào 2 xã này từ lâu đã không sản xuất, thời hạn sử dụng còn ít ngày khi cấp phát cho hộ dân, dẫn đến tỷ lệ nảy mầm và sinh trưởng của cây kém hơn, rất khó đạt năng suất cao.
Cũng trong năm 2024, do ảnh hưởng thời tiết diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến thời vụ sản xuất của bà con. Trong đó, một số địa phương bị nắng hạn cục bộ làm diện tích bắp sản xuất bị chết phải phá đi trồng lại. Ngoài những khó khăn về đầu tư ứng trước năm 2024, thực tế tại Hàm Thuận Nam trong những năm qua vẫn còn gặp không ít trở ngại.
UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết, đó là địa bàn cư trú của đồng bào DTTS phân tán rộng, hầu hết đồng bào sinh sống ở miền núi, xa trung tâm, điều kiện tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu hạn chế. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận không nhỏ trong đồng bào vẫn còn trông chờ vào nhà nước, việc tiếp thu các chủ trương chính sách, khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế, việc triển khai thực hiện chính sách gặp nhiều khó khăn. Một số hộ dân chưa thực sự quan tâm đến hiệu quả của chính sách đầu tư ứng trước dẫn đến việc đăng ký đầu tư ứng trước tại các địa phương còn chậm, tỷ lệ hộ dân đăng ký so với diện tích thực tế còn ít.
Đặc biệt là tỷ lệ nợ đầu tư ứng trước khá cao tập trung vào những hộ có nợ cũ các năm trước nhưng không nhận đầu tư năm tiếp theo…
Từ những khó khăn ấy, ông Mang Văn Dương - đại diện đại lý thôn 1, xã Hàm Cần và đồng bào DTTS tham gia chính sách đầu tư ứng trước trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam mong muốn sẽ tiếp tục được hỗ trợ. Cụ thể là thời gian tới bà con mong các đơn vị chuyên môn từ tỉnh, huyện liên quan sẽ tiếp tục mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật. Đồng thời, kết hợp tuyên truyền phổ biến các quy định của nhà nước về chính sách đầu tư ứng trước, hỗ trợ sản xuất để đồng bào có thêm hiểu biết. Thông qua đó, bà con có thêm hiểu biết và từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất và chăn nuôi. Đồng thời, đại diện đại lý thôn 1, xã Hàm Cần kiến nghị các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động để đồng bào DTTS tham gia chính sách đầu tư ứng trước thực hiện tốt nghĩa vụ trả nợ. Đồng bào DTTS Hàm Thuận Nam cũng mong muốn Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh tiếp tục tìm kiếm thị trường và ký hợp đồng thu mua, tiêu thụ bắp lai với các doanh nghiệp thu mua nông sản, bảo đảm giá có lợi nhất cho đồng bào. Qua đó, thúc đẩy sản xuất phát triển ở đồng bào thiểu số ở Hàm Thuận Nam nói riêng và toàn tỉnh nói chung.