Hân hoan gặp mặt cộng đồng
Bên không gian sinh thái hùng vĩ của danh thắng quốc gia - thác nước Jraiblian cao hơn 60 mét, chất chứa truyền thuyết về cậu cháu Zuwar và Stak, rộn ràng hợp âm của chiêng, trống, khèn và vang vọng 'ơ... ơ... Yàng'...; 117 già làng, người có uy tín thuộc nhiều dân tộc Churu, Kơ Ho, Thái, Tày, Nùng, Hoa, Răc lây,... cùng hân hoan đón hội về.
Ấm áp sum họp mọi người
Ảnh hưởng của dòng áp thấp nhiệt đới, trời xã Tà Hine, huyện Đức Trọng sũng nước. Mưa bất chợt nặng nhẹ, lộp bộp trên vòm rừng. Không gian đầy trầm tích hoang sơ mà vĩnh cửu của đại ngàn, với những truyền thuyết nối kết ngàn năm của tâm hồn con người… Hơn 20 dân tộc quần tụ nơi này dưới sự chủ trì của Ban Dân vận Huyện ủy Đức Trọng. Có tên “Hội nghị các già làng, người có uy tín” nhưng không giống bất kỳ một hội nghị mang tính quan phương nào. Đây là lần đầu tiên, cũng là đơn vị tiên phong trong toàn tỉnh, Huyện ủy Đức Trọng tổ chức hội nghị tại địa phương cơ sở, không diễn ra tại hội trường của cơ quan Nhà nước. Nó đã đạt được không gian sinh tồn rất phù hợp với tính chất gặp mặt gần gũi, với văn hóa cộng đồng Tây Nguyên. Sự sáng tạo của địa phương Đức Trọng cần đúc kết kinh nghiệm để nhân rộng trên toàn tỉnh.
117 già làng, người có uy tín, trong đó một số đại biểu trong hai vai, vừa là già làng hoặc trưởng thôn, vừa là chức năng tôn giáo. Cùng tham gia ngày vui có ông Nguyễn Tấn Lâm, Trưởng Phòng Kế hoạch, Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng; ông Nguyễn Ngọc Phúc, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đức Trọng; ông Lê Công Tuấn, Huyện ủy viên, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch MTTQ Đức Trọng; bà Nguyễn Thị Tố Loan, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND huyện; bà Phạm Thị Thanh Thúy, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện; đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan, phòng, ban của huyện... Tham dự còn có đủ các bí thư Đảng ủy, lãnh đạo HĐND, UBND của 14/14 thị trấn và xã của huyện Đức Trọng... Sự có mặt rất có ý nghĩa, bởi lãnh đạo các cấp, các ngành ghi nhận những bài học thành công, cùng lắng nghe những tâm sự, những đề xuất trực tiếp từ chính những già làng, người có uy tín.
Để các già làng, người có uy tín hình dung về tình hình phát triển kinh tế, xã hội 8 tháng đầu năm 2019 và nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2019 của huyện Đức Trọng, ban tổ chức đã giới thiệu một video rất công phu. Những thông tin vừa thời sự, vừa chính thống, để cùng “ôn cố tri tân”, cùng hướng một mục đích: Nhân dân giàu, quê hương mạnh, xã hội dân chủ và văn minh. Trong lời khai mạc, Trưởng Ban Dân vận Lê Công Tuấn nhấn mạnh: “Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện lắng nghe những ý kiến góp ý, những đề xuất, kiến nghị của quý già làng, người có uy tín về tình hình kinh tế, xã hội của huyện nhà cũng như các vấn đề có liên quan đến công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân để huyện có những chủ trương, giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới được tốt hơn”.
Những bông hoa đẹp giữa đời thường
Sau phát biểu chúc mừng của đại diện “chủ nhà” - bà Touneh Drong Minh Thắm, Bí thư Đảng ủy xã Tà Hine là chương trình tọa đàm. Đây cũng là nội dung mới của huyện Đức Trọng. Đại diện của 40 già làng, 77 người có uy tín, rất nhiều vị đại biểu được mời lên sân khấu để trò chuyện. Kịch bản được nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn bị công phu, sự dẫn dắt chương trình có duyên, thông minh và linh hoạt trong ứng xử của cô gái Cao Thị Tú, vốn làm ở Đài Phát thanh truyền hình huyện, nay là cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đức Trọng. Không khí tọa đàm nhiều cảm xúc và ý nghĩa. Những tâm sự chân chất và thực sự sinh động, bởi mỗi câu chuyện của đại biểu đều gắn thực tiễn thôn buôn. Những kinh nghiệm quý không chỉ là điểm sáng nơi họ cư trú, mà có sức lan tỏa đến nhiều vùng trong huyện.
Một già làng K’Rốt đến từ thôn K’Long, xã Hiệp An nói về chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế hộ gia đình và vận động bà con làm theo. Từ “có kinh tế” như Già nói thì việc vận động đóng góp kinh phí xây dựng đường bê tông, hệ thống đèn đường trở nên thuận lợi. Một ông M’Bom Ha Thanh, Phó Trưởng thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh thường xuyên vận động bà con lao động sản xuất, nâng cao thu nhập vươn lên thoát nghèo, từ 11 hộ nay còn 2 hộ. Một ông Ha Hải, theo đạo Tin Lành, người uy tín dân tộc Kơ Ho Cil đến từ xã Tà Năng chia sẻ về việc bản thân vận động Nhân dân xây dựng mô hình “Xanh - sạch - đẹp” trên các trục giao thông nông thôn. Từ ông, bà con giáo dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thật trân trọng. Đến từ xã Đạ Quyn, già làng Cil Ha Quền, Trưởng lão nhóm Cơ đốc Phục Lâm, đã chia sẻ những kinh nghiệm thiết thực về việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu như hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn,... thành công. Còn già làng Ya Đồng, một sắc dân của đồng bào Churu ở xã Tà Hine lại kể làm thế nào để bà con trong thôn giữ gìn được bản sắc văn hóa. Từ việc chọn lọc, bảo tồn những tinh túy của nền văn hóa cồng chiêng, những ngày lễ, tết là dịp để bà con phát huy một cách bền vững bản sắc văn hóa của mình. Cùng cộng cư trên địa bàn xã Tà Hine còn có dân tộc Kơ Ho. Đại diện bà con, già làng Ka Briết có cách tuyên truyền, vận động các hộ dân tích cực đưa trẻ em trong độ tuổi đến trường học hiệu quả. Sự đóng góp quan trọng với ngành giáo dục hoàn thành nhiệm vụ khó khăn của giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, đó là duy trì sĩ số học sinh. Già K’Briết còn là người tích cực hỗ trợ chính quyền trong tuyên truyền, vận động thanh niên đến tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự...
Không gian “hội nghị” dưới cơn mưa kéo dài dường như dịu hẳn, khi chị Quang Thị Hồng Mai, người con dân tộc Thái ở thị trấn Liên Nghĩa lên giao lưu. Chị là người uy tín, chi hội trưởng phụ nữ tổ dân phố, là người có khả năng truyền cảm hứng mạnh trong cộng đồng chị em. Nhờ vậy, chị đã rất thành công trong tuyên truyền, vận động chị em về nuôi dạy con, giữ gìn hạnh phúc gia đình và tham gia bảo hiểm y tế đạt đến 72% ở thôn và 85% toàn thị trấn. Họ đã thực sự là “người giữ lửa”, xây tổ ấm trong mỗi gia đình! Không khí giao lưu càng vui tươi, khi MC Cao Thị Tú đề nghị chị Hồng Mai lên sân khấu gửi tiếng hát đến mọi người. Chất giọng trong trẻo, cột hơi mạnh, nốt ngân dài, bài hát “Em vẫn đợi anh về” ngân vang, ắp đầy mĩ cảm đối với mỗi người thưởng thức và cổ vũ. Cũng đến từ thị trấn Liên Nghĩa, ông Trần Trung Nam, người uy tín dân tộc Hoa được biết đến về công tác thiện nguyện và vận động cộng đồng đóng góp kinh phí làm đường, giúp đỡ hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn huyện. Những kinh nghiệm ông chia sẻ, hơn một lần làm ấm nghĩa tình nhân ái...
Đó còn là người có uy tín, dân tộc Kơ Ho, mục sư PăngTiêng HaWít ở Phú Hội, ông đã cùng mục sư Ka Să Ha Nhiếu (đạo Cơ đốc Phục Lâm) vận động giáo dân bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giữ gìn an ninh trật tự. Ha Wít là “Gương sáng đời thường” được UBMTTQ Việt Nam tỉnh tôn vinh năm 2018. Đó còn là bà Ma Nguyệt, dân tộc Churu, Trưởng thôn, người có uy tín ở xã Đà Loan; bà Quang Thị Phương Lan, dân tộc Thái, Ủy viên Mặt trận xã Tân Thành, người có uy tín; ông K’Breo, dân tộc Kơ Ho, người có uy tín xã N’Thol Hạ...Họ và nhiều người khác nữa đã sẻ chia trên bục diễn đàn, đã tâm tình quanh các bàn ngồi ở phía dưới, tạo một không khí giao lưu đượm đoàn kết, trải yêu thương...
Và tấm lòng của lãnh đạo
Tôi càng ấn tượng, khi cơn mưa nặng hạt, không thể lên sân khấu, Bí thư Nguyễn Ngọc Phúc thay mặt Huyện ủy, đứng ngay bên các bàn của các già làng, người có uy tín bày tỏ niềm vui và lòng cảm ơn sâu sắc đến công lao đóng góp của họ đối với địa phương và cộng đồng. Sự chung tay một lòng đoàn kết xây dựng mọi mặt kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - trật tự... của huyện nông thôn mới Đức Trọng có một phần đóng góp quan trọng của đội ngũ già làng, người có uy tín. Họ là điển hình gương mẫu, là nòng cốt trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; họ cũng là cầu nối bền vững giữa người dân với Đảng và chính quyền trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Bí thư Huyện ủy Đức Trọng gửi gắm đến các vị già làng, người có uy tín tiêu biểu “tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo; gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào thi đua, yêu nước, đẩy mạnh sản xuất, giảm nghèo bền vững... Tham gia cùng cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là công tác phát triển đoàn viên, hội viên; nêu cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch; xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng thôn xóm vững mạnh về chính trị, kinh tế và văn hóa”. Đồng thời, ông cũng giao trách nhiệm đến các cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các già làng, người có uy tín để đạt nhiều hiệu quả, nhiều thành công trong mọi lĩnh vực của địa phương.
Ghi nhận sự đóng góp của già làng, người có uy tín, Ban Dân tộc tỉnh và huyện Đức Trọng đã trao những phần quà ý nghĩa đến tận tay các đại biểu. Sau liên hoan thân mật, không khí “Hội nghị” còn kéo dài, còn bay bổng và nhiều dư ba. Bởi, những tiết mục múa, hát sôi nổi của tuổi trẻ Tà Hine; những âm vang của trống, ngân dài của chiêng và đắm say của khèn từ nội dung của trình diễn ở người cao tuổi. Và bởi, quyến rũ của vòng xoang, nồng nàn bên ánh lửa, chung chiêng cùng rượu cần... là sự nối kết ấm áp nghĩa tình cộng đồng hơn 20 dân tộc Việt Nam...
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/201909/han-hoan-gap-mat-cong-dong-2963106/