Hàng ăn, quán cà phê Hà Nội đắt khách vào đêm giao thừa

Không được tụ tập đông người xem pháo hoa như mọi năm, nhiều bạn trẻ ở Hà Nội chọn quán xá làm nơi đón giao thừa.

Ít giờ trước thời khắc giao thừa tại Hà Nội, nhiều quán xá mở xuyên Tết đã có đông các bạn trẻ, đi theo từng nhóm ngồi chật kín.

Khi pháo hoa không được bắn rộng rãi như các năm trước, đi cà phê tụ tập trở thành lựa chọn của nhiều người để cùng nhau trải qua thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới.

Theo ghi nhận của Zing, càng về đêm, các hàng quán vỉa hè, con phố ăn uống càng tấp nập người ra người vào.

 Nhiều bạn trẻ chọn ra cà phê tụ tập, đón giao thừa cùng nhau.

Nhiều bạn trẻ chọn ra cà phê tụ tập, đón giao thừa cùng nhau.

Ra cà phê vì năm nay không được đi xem pháo hoa

Tại con phố ẩm thực Tống Duy Tân, hầu hết hàng quán trong khu vực này vẫn mở cửa, hoạt động như ngày thường vào đêm 30, rạng sáng mùng 1 Tết.

Các hàng cà phê mở xuyên Tết đã sớm hết chỗ, nhiều bạn trẻ đến nhưng chưa đặt chỗ trước đành phải quay xe ra về, tìm quán khác. Dọc tuyến phố, nhiều người loay hoay tìm cách gửi xe, đứng theo nhóm ở ngoài đường để chờ tới lượt vào quán.

Tại ngã rẽ giao với ngõ Cấm Chỉ, tình trạng tắc nhẹ xảy ra do dòng xe cộ đổ về liên tục.

Với Gia Linh (21 tuổi), Tết Âm lịch năm nay là lần đầu cô được đón Tết tại Việt Nam sau nhiều năm du học. Cô và nhóm bạn thân đã chuẩn bị sẵn các phong bao lì xì để mừng tuổi nhau ngay khi năm mới vừa sang.

Những năm trước, Gia Linh chỉ về được ngắn ngày, có khi mùng 2 Tết là đã xách vali ra sân bay quay lại Mỹ do vướng lịch học.

“Chúng mình đến quán từ 23h30 để có vị trí đẹp, ngồi đón giao thừa cùng nhau. Tụi mình chọn quán cà phê để tụ tập vì vị trí khá gần trung tâm, mở muộn xuyên Tết”, cô cho hay.

 Không được tụ tập xem pháo hoa như mọi năm, nhiều bạn trẻ chọn quán cà phê làm nơi đón giao thừa.

Không được tụ tập xem pháo hoa như mọi năm, nhiều bạn trẻ chọn quán cà phê làm nơi đón giao thừa.

“Năm nay mình thấy hơi tiếc vì không được xem pháo hoa trực tiếp. Từ trước tới nay, mình thường cùng gia đình và bạn bè ra Hồ Gươm ngắm pháo hoa. Dù hụt hẫng, mình vẫn phải chấp nhận vì an toàn sức khỏe của cộng đồng”, Gia Linh bày tỏ.

Chia sẻ về lý do chọn đón giao thừa ở ngoài, Quang Anh (17 tuổi, Hà Nội) bày tỏ muốn gặp gỡ bạn bè trước khi về nhà ăn Tết cùng gia đình.

“Cả nhóm đã xin phép bố mẹ trước nên có thể đi chơi qua nửa đêm. Tụi mình tính ngồi nói chuyện tới 2h, sau đó đi ăn nhẹ quanh khu phố này trước khi ai về nhà nấy”, cậu bạn cho hay.

Giống với Gia Linh, Quang Anh cảm thấy khá buồn khi không được xem pháo hoa vào đêm 30. Ban đầu, cậu đã cẩn thận chọn quán cà phê có thể chiêm ngưỡng pháo hoa từ xa.

"Việc xem pháo hoa đã trở thành thông lệ mỗi khi năm hết Tết đến, giờ không có nên không khí cũng có phần trầm đi”, cậu nói.

Về khuya, số lượng bạn trẻ đi chơi sau giao thừa càng đông.

Về khuya, số lượng bạn trẻ đi chơi sau giao thừa càng đông.

Với đôi trẻ Hà Phương và Việt Lâm (cùng 21 tuổi), giao thừa năm nay có phần đáng nhớ hơn vì cả hai được đón năm mới cùng nhau.

“Bình thường, mình chỉ ngắm pháo hoa gần nhà rồi về ăn mừng cùng gia đình thôi", Phương kể.

“Ban đầu mình định tới một quán cà phê khác, song nơi đó đã hết bàn. Khi mình tới quán cũng đông lắm, may mà vẫn còn bàn cho hai đứa”, cô nói.

Về phía Việt Lâm, việc được đón năm mới bên bạn gái khiến cậu hạnh phúc.

"Năm trước, có pháo hoa nhưng mình chỉ xem có một mình. Năm nay, pháo hoa không bắn nữa nhưng mình lại được ở bên 'người đặc biệt'. Năm sau mong là sẽ vừa được ngắm pháo hoa, vừa có bạn gái ở cạnh, vậy là niềm vui nhân đôi", Lâm nói.

Các hàng quán ăn nhanh chóng đông đúc sau thời khắc giao thừa.

Các hàng quán ăn nhanh chóng đông đúc sau thời khắc giao thừa.

Ngoài vỉa hè, những quán lẩu cũng đông khách không kém.

Nhóm bạn gồm 5 người của Tuệ Anh (17 tuổi) di chuyển từ công viên Thống Nhất sang phố ẩm thực sau khi cùng nhau xem pháo hoa từ bên ngoài công viên. Đói bụng, cả bọn quyết định ghé quán lẩu để lót dạ.

"Cả nhóm đã đón giao thừa với nhau được nhiều lần. Năm nay, bọn mình lại tiếp tục truyền thống 'ra đường đêm 30'. Ăn xong, bọn mình sẽ cùng nhau đi lễ chùa trước khi về nhà một bạn nào đó trong nhóm chơi tiếp. Các bố mẹ đều biết bạn bè của con nên đồng ý cho cả lũ thoải mái đón năm mới cùng nhau", Tuệ Anh chia sẻ.

"Mình không thấy buồn khi làm việc xuyên Tết"

Quán đông, mở cửa xuyên Tết cũng đồng nghĩa với việc nhiều nhân viên, quản lý phải làm việc liên tục, không có thời gian nghỉ lễ. Tại các cửa hàng cà phê, không khó để bắt gặp hình ảnh nhân viên phục vụ liên tục bưng bê, pha chế, đón khách, sắp xếp chỗ ngồi.

Với Thảo (sinh năm 2000, nhân viên quán cà phê), đây là cái Tết thứ hai cô chủ động đăng ký làm việc xuyên Tết. Đêm 30, ca làm việc của Thảo kéo dài từ 0h-7h. Những ngày còn lại, cô cũng sẽ có mặt ở cửa hàng.

"Mình tự tin có đủ sức khỏe để cân được hết khối lượng công việc. Mình không thấy buồn khi phải làm việc vào Tết. Bố mẹ cũng ủng hộ, không phàn nàn chuyện con gái vắng mặt vào những ngày đầu năm", Thảo kể.

Nhận làm việc vào Tết, cô cho hay cô không phải từ chối nhiều lời mời rủ đi chơi của bạn bè. "Bạn bè rủ đi chơi ban ngày, mình sẽ nhận làm vào ca tối", cô nói.

Minh (sinh năm 1996), đồng nghiệp của Thảo, cho hay lý do chọn làm việc xuyên Tết là bởi muốn tranh thủ có thêm thu nhập, lương mỗi giờ gấp vài lần ngày thường.

 Nhiều cửa hàng phải tăng thêm nhân viên để kịp phục vụ lượng khách ngày Tết.

Nhiều cửa hàng phải tăng thêm nhân viên để kịp phục vụ lượng khách ngày Tết.

Hoạt động liên tục, không ngơi tay pha chế từ tối, Minh cho hay không cảm thấy quá mệt vì đã làm quen.

Ở trong nhà, nhân viên phục vụ bàn hoạt động hết công suất. Bên ngoài, nhóm nhân viên trông xe cũng thấm mệt vì dắt, sắp xếp không ngơi tay hàng chục chiếc xe máy từ tối.

"Suốt từ 19h, mình mới có thời gian cầm vào điện thoại chơi một chút. Hai cánh tay giờ đang khá mỏi vì di chuyển nhiều con xe to, nặng nãy giờ", nam nhân viên bảo vệ cho hay.

Thời điểm gần 2h sáng, tại đầu khu phố Tống Duy Tân, nhiều thực khách kéo nhau đến ăn phở đêm.

"Quán không nghỉ ngày nào trong năm. Ngày Tết cũng như ngày thường, quán bán đến khi nào hết hàng", cô chủ chia sẻ, tay vẫn không ngừng bốc phở, xếp thịt, chan nước dùng.

Minh Khuê (25 tuổi) cùng bạn trai đi chơi giao thừa về, ghé quán ăn như một thói quen. "Mình từng nhiều lần ăn phở ở đây. Lần này cũng vậy, mình chọn quán vì không lo chém giá dịp Tết mà đã biết sẵn chất lượng", cô chia sẻ.

Còn với Kiên (19 tuổi), không khí đón Tết năm nay tại cửa hàng cà phê nơi cậu làm việc có phần trầm lắng hơn mọi năm vì dịch bệnh.

“Bình thường, mọi người có xu hướng tỏa về các quán cà phê để tụ tập, trò chuyện sau khi xem pháo hoa. Năm nay pháo hoa không được bắn rộng rãi cũng là yếu tố ảnh hưởng chính, khiến khách kéo đến dù đông nhưng số lượng không thể bằng năm ngoái", cậu cho hay.

Trà My - Trang Minh - Tuấn Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hang-an-quan-ca-phe-ha-noi-dat-khach-vao-dem-giao-thua-post1183330.html