Hàng chục hộ dân khốn khổ vì bị 7 mỏ khai thác đá 'bao vây'

Trên diện tích nhỏ hẹp nhưng có đến 7 mỏ khai thác đá hoạt động ngày đêm khiến cho gần 30 hộ dân như sống trong địa ngục. Ô nhiễm khói bụi, không có nước sạch sinh hoạt… là những vấn đề nhãn tiền đã được người dân ý kiến nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết.

 Hoạt động của các mỏ khai thác đá khiến người dân thôn Đồng Om (xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, Hòa Bình) khốn đốn.

Hoạt động của các mỏ khai thác đá khiến người dân thôn Đồng Om (xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, Hòa Bình) khốn đốn.

Sống chung với bụi

Cách đường Hồ Chí Minh chừng hơn 200m, ngôi nhà nơi sinh sống của 5 nhân khẩu trong gia đình bà Bùi Thị An (dân tộc Mường, trú tại thôn Đồng Om, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, Hòa Bình) nhiều năm qua bị bao phủ bởi một màu trắng xóa của bụi. Căn nhà thấp tầng nằm ngay cạnh đường đi lúc nào cũng phải đóng kín cửa để ngăn bụi "xâm nhập".

Theo bà An, khói bụi là hậu quả mà không chỉ gia đình bà mà nhiều người dân sinh sống tại thôn Đồng Om phải hứng chịu từ khi 7 mỏ khai thác đá đua nhau mọc ra và hoạt động hết công suất bất kể ngày đêm. Có những mỏ thời gian hoạt động lên đến gần 10 năm, có những mỏ mới đi vào hoạt động vài năm trở lại đây nhưng điểm chung nhất là đều khiến cuộc sống của những người dân ở thôn Đồng Om bị đảo lộn.

Xe chở đá hoạt động gây khói bụi, ô nhiễm tại thôn Đồng Om.

Xe chở đá hoạt động gây khói bụi, ô nhiễm tại thôn Đồng Om.

Chỉ tay ra con đường chạy sát cổng nhà, bà An cho biết nơi này trước đây là đường đất. Mỗi khi có mưa, đường trơn trượt nhưng chỉ ảnh hưởng rất ít đến đời sống sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, từ khi các mỏ khai thác đá đi vào sản xuất, họ đầu tư vốn, mở đường bê tông lớn phục vụ các xe tải cỡ nặng đi vào mỏ "ăn đá".

"Mới làm được vài năm nhưng đường đã bị xe tải chở đá cày nát. Điều này dẫn đến việc người dân như chúng tôi phải chịu khổ 2 lần. Cụ thể là mùa mưa đường lầy lội, đầy bùn đất bẩn. Trong khi đó, mùa hè còn khổ sở hơn do xe chạy gây khói bụi mù mịt. Khói bụi này cộng với bụi từ những vụ nổ mìn để khai thác đá khiến người dân đã khổ càng thêm khổ", bà An cho biết.

Sàn nhà của một hộ dân tại thôn Đồng Om bị bụi bao phủ.

Sàn nhà của một hộ dân tại thôn Đồng Om bị bụi bao phủ.

Cụ Hoàng Thị Mử (mẹ chồng bà An) nhiều năm nay sức khỏe đã giảm sút nhiều do khói bụi từ các mỏ khai thác đá. Cụ Mử cho biết, ở tuổi 83, với người như cụ đáng ra phải được sống trong môi trường trong lành nhưng hàng ngày, cụ vẫn phải sống, sinh hoạt chung với khói bụi, ô nhiễm.

Để phần nào hạn chế lại tác hại của bụi, gia đình cụ Mử đã phải trồng rất nhiều cây xanh che chắn trước cửa nhà và tưới nước tạo độ ẩm, đồng thời đóng kín các cửa. Nhưng theo cụ Mử, cách làm này cũng không thấm vào đâu. "Dân chúng tôi đã nhiều lần ý kiến, chính quyền địa phương cũng đến xem xét tình hình nhưng nhiều năm trôi qua việc đâu vẫn để đó, chưa được giải quyết", cụ Mử nói.

Nguồn nước bị ô nhiễm

Căn nhà của gia đình ông Đinh Công Chiến (55 tuổi) được xây dựng từ nhiều năm trước với thiết kế nhiều lỗ nhỏ để hứng gió trời vào những ngày nóng bức nhưng kể từ khi các mỏ khai thác đá đua nhau mọc lên tại địa bàn thôn nên ông phải quyết định dùng kính đóng chết những vị trí này cũng để ngăn ngừa khói bụi.

Trong khi đó, gia đình anh Nguyễn Văn Hiệp (36 tuổi) cũng phải bỏ chi phí ra để lắp đặt một tấm vải cỡ lớn dựng trước nhà chỉ để ngăn ngừa bụi. Tại thôn Đồng Om, gia đình anh Hiệp được xem như hộ khốn khổ nhất khi 3 mặt đều tiếp giáp với mỏ khai thác đá đang hoạt động. "Cứ đều đặn vài ngày, gia đình lại phải dùng máy xịt để vệ sinh tấm vải một lần. Mất chi phí nhưng xem ra việc ngừa bụi cũng không đáng kể. Cuộc sống của các thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sức khỏe cũng giảm sút", anh Hiệp thông tin.

Máy lọc nước nhà ông Chiến phải thay lõi sau 1-2 tháng hoạt động.

Máy lọc nước nhà ông Chiến phải thay lõi sau 1-2 tháng hoạt động.

Không chỉ dừng lại ở vấn đề khói bụi, theo người dân, hoạt động của các mỏ khai thác đá cũng khiến nguồn nước sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ở thôn Đồng Om, người dân từ lâu vẫn trung thành với việc đào giếng khơi, trữ nước tại các bể chứa, sau đó cho qua máy lọc để dùng sinh hoạt.

Tuy nhiên, các mỏ khai thác đá hoạt động khiến bụi xâm nhập vào các bể chứa dẫn đến nguồn nước không thể dùng để sinh hoạt. Quan sát tại những bể chứa nước của các hộ gia đình tại thôn Đồng Om đều có thể thấy những lớp bụi đóng kín mặt nước. Lượng bụi này sau đó lắng xuống khiến nguồn nước bị ô nhiễm.

Gia đình anh Nguyễn Văn Hiệp phải bỏ chi phí ra để lắp đặt một tấm vải cỡ lớn dựng trước nhà chỉ để ngăn ngừa bụi.

Gia đình anh Nguyễn Văn Hiệp phải bỏ chi phí ra để lắp đặt một tấm vải cỡ lớn dựng trước nhà chỉ để ngăn ngừa bụi.

Trong khi nhà bà An phải mua nước đóng bình để nấu ăn, uống thì hộ nhà ông Chiến đều đặn mỗi ngày phải dùng can để đi lấy nguồn nước tự nhiên nằm cách nhà hơn 2km. "Dùng nước máy khi trước rất trong, sạch. Khi lọc đi có thể dùng sinh hoạt, ăn uống bình thường nhưng giờ có lọc rồi nước đun lên, xoong nồi cũng bị bám đen kịt, không thể sử dụng. Nhà tôi cũng dùng thử máy lọc nước nhưng 1-2 tháng là phải thay lõi lọc, chi phí rất tốn kém", ông Chiến chia sẻ.

Gia đình anh Hiệp có 2 con nhỏ, cả 2 vợ chồng đều đi làm, không đi lấy nước tự nhiên về dùng được nên hộ gia đình anh phải chấp nhận việc thay lõi máy lọc nước thường xuyên để xử lý nguồn nước phục vụ cho gia đình. "Đều đặn hơn 1 tháng, tôi phải đi thay lõi lọc một lần. Mỗi lần 800 nghìn. Chi phí tốn kém nhưng nguồn nước vẫn không đảm bảo khiến gia đình tôi rất lo lắng", anh Hiệp thông tin.

Tỉnh Hòa Bình vào cuộc

Quá bức xúc trước những tác động của các mỏ khai thác đá và nhiều lần ý kiến đến các cấp chính quyền không được giải quyết, người dân thôn Đồng Om đã phải dựng barie, đồ đạc trước đường đi để ngăn các xe tải vào mỏ. Sau sự việc đó, phía đại diện các mỏ đá mới chịu ngồi lại để tìm cách tháo gỡ khúc mắc của người dân nhưng giữa 2 bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Mới đây nhất, hàng chục người dân đại diện cho hơn 30 hộ dân thôn Đồng Om đã đến trụ sở Tiếp công dân tỉnh Hòa Bình để gửi lời cầu cứu đến đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh. Tổ công tác Liên ngành của tỉnh Hòa Bình sau đó đã thực hiện kiểm tra, làm việc với sở, Ngành và UBND huyện Lương Sơn, UBND xã Cao Dương, đại diện thôn Đồng Om.

Theo báo cáo, thôn Đồng Om có tổng số 35 hộ sinh sống, người dân dùng chung tuyến đường 800m từ trung tâm khu vực ra đường Hồ Chí Minh với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Các hộ dân cơ bản nằm trong bán kính ảnh hưởng 1.000m của nhà máy xi măng Hoàng.

Trên địa bàn thôn Đồng Om có 13 dự án do các doanh nghiệp và người dân thực hiện đầu tư, trong đó có 7 dự án khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân đang sinh sống trong khu vực. Các dự án khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, thi công xây dựng trên địa bàn xã thôn Đồng Om đều có Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, Giấy phép môi trường…

Trong khu vực thôn Đồng Om tập trung nhiều cơ sở sản xuất đá làm vật liệu xây dựng. Quá trình hoạt động của các cơ sở còn có hiện tượng nổ mìn gây rung chấn, phun sương dập bụi chưa thường xuyên, hiệu quả, còn có đơn vị chưa tích cực thực hiện phun tưới ẩm đường giao thông trong kỳ được phân công dẫn đến kiến nghị của người dân là có cơ sở. Các Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn đã thống nhất hỗ trợ tiền mua thẻ BHYT, tuy nhiên người dân không nhận và đề nghị hỗ trợ bằng tiền.

Với những tác động trên, tỉnh Hòa Bình yêu cầu các chủ đầu tư dự án tại thôn Đồng Om nghiên cứu áp dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến (phương pháp khai thác không nổ mìn hoặc nổ bằng kíp visai, khí CO2, giảm khối lượng mìn nổ 1 lần, nhất là những khu vực phát tán nhiều bụi, gần khu dân cư…).

Áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường như: Tăng số lượng, hiệu suất các bép phun sương tại các đầu băng tải, khu vực bốc xúc sản phẩm, phun ướt đá tại công đoạn nghiền, sàng, đặt túi nước trên bãi mìn hoặc tưới ướt khu vực nổ mìn (trước và sau nổ mìn), lắp đặt hệ thống dây phun sương trên cao, có công suất lớn để hạn chế bụi ra môi trường.

Đối với nhà máy xi măng, nghiên cứu lắp đặt băng tải vận chuyển đất đá từ khu vực đập đến trạm nghiền để giảm thiểu bụi phát tán khu vực nội mỏ. Nghiên cứu lắp trạm nghiền sàng di động hoặc nhà bao che khu vực nghiền sàng để giảm phát tán bụi, lắp camera giám sát tại khu vực nghiền sàng, ô tô, máy xúc, máy gạt để truyền về trung tâm giám sát, đảm bảo cho các chủ cơ sở thường xuyên nắm bắt, đối chiếu với các quy định hiện hành để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp, kịp thời. Trồng bổ sung cây xanh trong khuôn viên cơ sở để giảm phát tán bụi, tiếng ồn ra môi trường.

Bố trí thời gian làm việc hợp lý, không được hoạt động 3 ca liên tục và thời gian nghỉ trưa, tối để không ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân trong khu vực. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương ghi nhận hiện trạng nhà cửa trước và sau khi có các hoạt động khai thác để đánh giá ảnh hưởng nứt nhà cửa, công trình xây dựng (nếu có) của người dân định kỳ và tiếp thu ghi nhận ngay khi có ý kiến phản ảnh của người dân.

Đối với khu vực tập trung nhiều cơ sở, doanh nghiệp, các chủ cơ sở, doanh nghiệp nghiên cứu, xem xét hợp đồng với các hộ dân ở địa phương thực hiện tưới nước giảm bụi trên các tuyến đường hoặc sử dụng biện pháp rửa đường bằng xe rửa đường chuyên dụng. Doanh nghiệp chủ động thường xuyên trao đổi, giải quyết những tồn tại, bức xúc của người dân để tìm cách giải quyết. Hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng tiêu cực do hoạt động của cơ sở, doanh nghiệp gây ra.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bi-7-mo-khai-thac-da-bao-vay-hang-chuc-ho-dan-nhu-song-trong-dia-nguc-20241006113426646.htm