Hàng trăm công trình nước sạch bỏ hoang

Hàng trăm công trình nước sạch ở Quảng Ngãi được đầu tư với số tiền hàng trăm tỉ đồng nhưng phần lớn sau khi làm xong không phát huy tác dụng, hư hỏng

Ngày 13-6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Ngãi cho biết tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh hiện có 513 công trình cấp nước nông thôn tập trung được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Trong số đó, có đến 344 công trình kém bền vững, 133 công trình (25,93%) không hoạt động.

Ra suối tìm nước sạch

Tại Quảng Ngãi, tình trạng công trình nước sạch bỏ hoang diễn ra rất nhiều nơi ở các huyện miền núi như Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long… Nhiều công trình nước sạch được đầu tư ít nhất vài tỉ đến hàng chục tỉ đồng nhưng khi làm xong đưa vào vận hành liên tục gặp trục trặc kỹ thuật, nguồn nước dẫn về không có hoặc có nơi đường ống hư hỏng; thiếu chi phí vận hành…

Đơn cử, công trình cấp nước sinh hoạt thôn Mang Đen (xã Ba Vì, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) dù đã được đầu tư hoàn thành 100% và đưa vào vận hành nhưng chưa dẫn được giọt nước nào về cho người dân. Lý giải nguyên nhân, đại diện UBND huyện Ba Tơ cho biết do tuyến ống từ đầu mối về khu xử lý có chiều dài 150 m của giai đoạn I dự án bị mưa lũ cuốn trôi vào năm 2020 nên không thể dẫn nước từ suối về các bể chứa nên không có nước.

Một công trình nước sạch ở Quảng Ngãi bị hư hỏng, bỏ hoang .Ảnh: TỬ TRỰC

Một công trình nước sạch ở Quảng Ngãi bị hư hỏng, bỏ hoang .Ảnh: TỬ TRỰC

Theo thống kê riêng tại huyện miền núi Ba Tơ, trong số 75 công trình cấp nước sạch nông thôn thì có 40 công trình không có nước, còn lại lâm cảnh lúc có lúc không. Rất nhiều công trình đã hoàn thành sau nhiều năm vẫn chưa cấp được một giọt nước nào cho người dân, bỏ hoang nên đã hư hỏng nặng.

Tương tự, tại huyện miền núi Minh Long, đến cuối năm 2022, toàn huyện có 33 công trình cấp nước sạch nông thôn được nhà nước đầu tư xây dựng tại các địa phương để cấp nước sạch cho người dân. Thế nhưng, có đến 19 công trình không hoạt động và 6 công trình hoạt động cầm chừng. Người dân mỗi ngày phải băng qua các bể nước sạch, ra tận sông suối lấy nước để sinh hoạt.

Nhà máy Nước sạch Vân Canh (tỉnh Bình Định) bỏ hoang suốt 10 năm qua .Ảnh: ĐỨC ANH

Nhà máy Nước sạch Vân Canh (tỉnh Bình Định) bỏ hoang suốt 10 năm qua .Ảnh: ĐỨC ANH

Ông Võ Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết nguyên nhân dẫn đến các công trình hoạt động kém bền vững hoặc không hoạt động là do công tác quản lý, đầu tư xây dựng còn nhiều thiếu sót; công trình sau khi đầu tư xây dựng hoàn thành, chủ đầu tư không kiểm tra, đánh giá các thông số đạt được so với thiết kế; không có quy trình quản lý, vận hành; không có kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân lực vận hành. Ngoài ra, nhiều công trình thường xuyên bị thiếu nước do nguồn nước ngầm, nguồn nước mặt ngày càng bị suy thoái và khô cạn vào mùa khô.

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị UBND tỉnh này cần ưu tiên hỗ trợ kinh phí để duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn các huyện miền núi và khu vực khó khăn về nguồn nước.

Nhà máy nước sạch "đắp chiếu" gần 10 năm

Hơn 10 năm trước, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định được UBND tỉnh này giao làm chủ đầu tư dự án Nhà máy Nước sạch Vân Canh ở huyện Vân Canh với công suất 1.400 m3/ngày, cấp nước ra mạng đường ống bằng máy bơm. Tổng mức đầu tư cho nhà máy này hơn 7 tỉ đồng. Công trình có nhiệm vụ cung cấp nước sạch sinh hoạt cho khoảng 12.000 người dân ở các xã Canh Thuận, Canh Hiệp, Canh Hiển và thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh.

Đến tháng 12-2013, sau khi Nhà máy Nước sạch Vân Canh được xây dựng hoàn thành bàn giao cho UBND huyện Vân Canh quản lý, khai thác. Tuy nhiên, sau khi hoạt động khoảng 4 tháng thì nhà máy nước sạch dừng hoạt động, bỏ hoang.

Theo một lãnh đạo thị trấn Vân Canh, trước đây khi đi vào hoạt động để có nước thì nhà máy phải bơm từ suối Phướn (thị trấn Vân Canh) lên để xử lý mới cấp nước được cho dân. Nhưng chi phí bơm hoạt động rất tốn kém nên nhà máy hoạt động không lâu thì dừng hẳn.

Ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho biết trước đây, khi đưa vào khai thác, các đơn vị chức năng tỉnh tính toán giá nước sinh hoạt 4.500 đồng/m3. Tuy nhiên, địa phương đa số là người miền núi, dân tộc thiểu số nên mức giá đó họ không đồng tình.

Sau gần 10 năm bỏ hoang, mới đây, Nhà máy Nước sạch Vân Canh đã được UBND huyện Vân Canh bàn giao cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) tỉnh Bình Định quản lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh này.

Ông Nguyễn Tấn An, Giám đốc Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh Bình Định, cho biết do không sử dụng lâu năm nên một số hạng mục công trình xuống cấp, hư hỏng nặng nên muốn hoạt động phải khắc phục. Bên cạnh đó, quá trình xây dựng hệ thống nhà máy không đồng bộ, không đúng quy trình.

Qua thời gian dài sử dụng, hệ thống đường ống nằm sâu dưới nền đường bị hư hỏng nghiêm trọng, rò rỉ nước nhưng không biết chỗ khắc phục. Khi bàn giao, đơn vị quản lý cũng không biết hướng đi của đường ống nên buộc phải đầu tư lại một cách đồng bộ. "Vừa rồi, đơn vị tổ chức tham vấn cộng đồng, lấy ý kiến khoảng 2.100 hộ dân để thống nhất điều chỉnh giá nước phù hợp, bảo đảm công trình hoạt động hiệu quả, tái sản xuất. Qua đó, gần 70% người dân thị trấn Vân Canh chấp thuận sử dụng nước sạch với giá nước hợp lý. Nếu khắc phục tốt, dự kiến có 10.000 người dân thị trấn Vân Canh và các vùng lân cận được sử dụng nước sạch thường xuyên" - ông An cho hay.

Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh Bình Định đã đề xuất UBND tỉnh này bổ sung kinh phí 15 - 20 tỉ đồng để khắc phục, sửa chữa và đưa Nhà máy Nước sạch Vân Canh vào phục vụ người dân.

TỬ TRỰC - ĐỨC ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mien-trung-tay-nguyen/hang-tram-cong-trinh-nuoc-sach-bo-hoang-20230613205336792.htm