Hành động để nguôi ngoai đau thương ở Làng Nủ

Cầm danh sách 20 em nhỏ ở thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), trong đó 13 em đã mất do lũ quét, thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường phổ thông liên cấp Marie Curie Hà Nội, rưng rưng: 'Giờ chúng ta muốn gì cho chúng nó cũng không được. Tôi muốn nói rằng, tôi nuôi tất cả trẻ em còn sống sót ở thôn Làng Nủ, nhưng nói thật số còn sống không nhiều, muốn nuôi nhiều cũng không có đâu mà nuôi'.

1. Chiều 18-9, trò chuyện với phóng viên Báo SGGP, thầy Nguyễn Xuân Khang cho biết, suốt từ hôm các phương tiện đại chúng đưa tin về thiệt hại ở thôn Làng Nủ, ai cũng khóc. “Nhưng, chúng ta khóc rồi làm gì để có thể nguôi ngoai được?”, thầy nói. Chính vì những suy nghĩ đó cứ quanh quẩn trong đầu, muốn những người gặp nạn nguôi ngoai và cả chính mình nguôi ngoai, thầy Nguyễn Xuân Khang quyết định tìm cách riêng cho mình.

 Thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie Hà Nội

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie Hà Nội

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang nhận định, từ những thiệt hại đau thương ở thôn Làng Nủ, ông nghĩ về 5 việc cần làm cho người dân nơi đây là: khẩn trương tìm kiếm người mất tích; lo hậu sự cho người xấu số; cứu chữa những người bị thương; tìm nơi ăn chốn ở tạm thời cho những người sống sót; thu xếp dọn đống đổ nát, vệ sinh môi trường; tái định cư và ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân. Từ nhận định đó, thầy Nguyễn Xuân Khang lựa chọn cho mình cách để giúp người dân thôn Làng Nủ, đó là nhận nuôi những trẻ em từ 15 tuổi trở xuống còn sống sau trận lũ quét lịch sử. “Vì là thầy giáo, tôi nghĩ nhiều đến trẻ em, học sinh; muốn ổn định lâu dài, trẻ em phải được ấm no, học hành tử tế”, thầy Nguyễn Xuân Khang chia sẻ.

Thầy Khang cho biết, đến nay vẫn đang chờ Phòng GD-ĐT huyện Bảo Yên và UBND xã Phúc Khánh lập danh sách các em từ 15 tuổi trở xuống, còn sống sót sau lũ quét, mồ côi hoặc còn bố mẹ. “Trường Marie Curie sẽ nhận nuôi các em ăn học cho đến 18 tuổi, bằng cách cấp tiền 3 triệu đồng/em/tháng, chuyển khoản trực tiếp cho bố mẹ hoặc người đỡ đầu của các em. Việc này sẽ được thực hiện sau khi lập danh sách các em chịu thiệt hại bởi lũ quét ở thôn Làng Nủ”, thầy Nguyễn Xuân Khang thông tin.

2. Với hành động của thầy Nguyễn Xuân Khang, nhiều người cảm kích nhưng cũng không ít người lo lắng, băn khoăn bởi vấn đề hỗ trợ các cháu bị tổn thất ở thôn Làng Nủ là vấn đề lâu dài. Thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng, đúng là có những suy nghĩ băn khoăn như vậy, nhưng trước mắt cần hành động ngay, hãy cứ vào cuộc đã để giúp đỡ các con.

“Hôm đầu tuần, tôi nhận được danh sách của Trường Tiểu học và THCS số 1 xã Phúc Khánh do cô phó hiệu trưởng gửi. Trong danh sách có 20 học sinh thì em đầu tiên khiến tôi quan tâm nhất. Đó là em Hoàng Ngọc Lan (6 tuổi, học lớp 1C). Tên em được bôi chú thích màu mực vàng, thể hiện chỉ bị thương trong số 7 em. Nhưng đau đớn là khi nhìn vào danh sách 13 em được tô màu đỏ, nghĩa là các em không còn trên đời này! Giờ chúng ta muốn làm gì cho chúng nó cũng không được, muốn bù đắp cũng không được nữa. Trường Marie Curie sẽ nuôi tất cả các em còn sống, nhưng số này không nhiều, muốn nuôi nhiều cũng không có mà nuôi đâu”, giọng thầy Khang run run. Cho đến bây giờ, điều mong mỏi nhất của nhà giáo Nguyễn Xuân Khang là có được danh sách cụ thể các em còn sống để nắm được thông tin, hoàn cảnh các em.

3. Thầy Nguyễn Xuân Khang cho biết, sẽ nhận nuôi các cháu từ 15 tuổi trở xuống còn sống sau trận lũ quét, nhưng với trường hợp của em Nguyễn Văn Hành (17 tuổi, học lớp 12 Trường THPT số 1, huyện Bảo Yên) là ngoại lệ. Sau trận lũ dữ, Nguyễn Văn Hành chỉ còn lại một mình trên đời. Hiện, em bị thương tích vì lũ quét đang điều trị ở Trung tâm Y tế huyện Bảo Yên. Bố em mất sớm, mẹ em vừa qua bị lũ cuốn. Qua báo chí, thầy Nguyễn Xuân Khang biết được hoàn cảnh của Hành và nhờ kết nối. “Tôi rất ấn tượng với câu nói chia sẻ của Hành rằng, con bây giờ chỉ còn một mình trên đời. Tương lai Hành còn mờ mịt, con cũng có ý định sau lành bệnh sẽ trở về đi làm, không học tiếp nữa. Với một người thầy, khi nghe học trò nói phải dừng học thì tôi không cầm lòng được. Ngay sau đó, tôi xin số điện thoại cô chủ nhiệm và cô Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng. Tôi gọi cô Hồng và nói ý định sẽ nuôi Hành”, thầy Khang cho biết và nói thêm, ngay lập tức, ý định của ông đã được kết nối với em Nguyễn Văn Hành.

Sáng ngày 17-9, thầy Nguyễn Xuân Khang đã có cuộc trò chuyện với em Nguyễn Văn Hành. Cuộc trò chuyện đầy cảm động giữa một người đàn ông ở Hà Nội không quen biết, nhưng mang lại đầy hy vọng về tương lai cho cậu học trò miền núi. Thầy Khang hỏi Hành về gia đình, về sức khỏe, về dự định tương lai và chủ động nhận em Nguyễn Văn Hành là cháu nội. “Tôi tự suy diễn là tạo tình thân như thế để em Hành đỡ ngại, đỡ mặc cảm”. Thầy Khang nhấn mạnh, mục đích cuối cùng của nhà trường là kéo các em quay trở lại lớp học, có được cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn.

Thầy Nguyễn Xuân Khang nguyên là giảng viên dạy môn Vật lý khối phổ thông chuyên Lý Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi nghỉ chế độ, năm 1992, thầy sáng lập Hệ thống giáo dục liên cấp Marie Curie. Đến nay, Hệ thống giáo dục Marie Curie đã phát triển gồm 4 cơ sở: Mỹ Đình (Nam Từ Liêm), Kiến Hưng, Văn Phú (Hà Đông) và Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên).

ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hanh-dong-de-nguoi-ngoai-dau-thuong-o-lang-nu-post759830.html