Hành động sớm để tăng khả năng chống chịu lũ lụt

Nằm ở miền Trung, Quảng Trị là địa phương gặp nhiều khó khăn do thiên tai, lũ lụt. Chia sẻ với người dân, thời gian qua, Dự án 'Tăng cường khả năng chống chịu lũ lụt cho cộng đồng' (ZFRA) đã có nhiều hoạt động hỗ trợ bà con. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với ông NGUYỄN ĐĂNG THỤC, Điều phối viên Dự án ZFRA về những nỗ lực của Plan International Việt Nam và đối tác.

- Trước tiên, xin cảm ơn ông đã nhận lời mời phỏng vấn. Đề nghị ông chia sẻ với độc giả Báo Quảng Trị những thông tin chính về Dự án ZFRA?

- Trước tiên, xin cảm ơn ông đã nhận lời mời phỏng vấn. Đề nghị ông chia sẻ với độc giả Báo Quảng Trị những thông tin chính về Dự án ZFRA?

Như chúng ta đã biết, lũ lụt là một trong những hiểm họa nguy hiểm, có liên quan đến biến đổi khí hậu. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại về người và của ở Việt Nam.
Là một trong những thành viên thuộc Liên minh Khả năng chống chịu lũ lụt, thời gian qua, Plan International Việt Nam cùng các đối tác địa phương đã tập trung nghiên cứu, triển khai những giải pháp thiết thực nhằm giúp cộng đồng ở các quốc gia phát triển và đang phát triển tăng cường khả năng chống chịu với rủi ro lũ lụt. Một trong những nỗ lực đáng kể là Plan International Việt Nam khởi động và thực hiện Dự án ZFRA. Dự án được phối hợp thực hiện tại Việt Nam bởi tổ chức Plan International và Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội quốc tế (ISET), triển khai từ tháng 1/2021 tại 4 tỉnh: Quảng Trị (do Tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện) và Thừa Thiên Huế, Bình Định, Cần Thơ (do ISET thực hiện).

Tại Quảng Trị, vùng dự án bao gồm 6 xã thuộc huyện Đakrông, Triệu Phong và TP. Đông Hà. Mục tiêu của dự án là tìm hiểu một cách toàn diện về khả năng chống chịu với hiểm họa lũ lụt của các cộng đồng trong nhiều bối cảnh khác nhau; tăng cường năng lực chống chịu với lũ lụt cho cộng đồng qua việc khắc phục những điểm yếu đã được xác định trong quá trình thực hiện; đúc rút bài học kinh nghiệm về việc áp dụng một phương pháp tiếp cận có hệ thống và toàn diện trong công tác lập kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai; cải thiện cơ cấu quản lý, phân bổ ngân sách và thực hiện các hoạt động xây dựng khả năng chống chịu với lũ lụt ở các cấp khác nhau...

- Thời gian qua, dự án đã có những hoạt động gì để hỗ trợ người dân Quảng Trị tăng cường khả năng chống chịu lũ lụt, thưa ông?

-Với mục tiêu nâng cao khả năng chống chịu với lũ lụt cho cộng đồng để sẵn sàng ứng phó với các rủi ro lũ lụt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời gian qua, Dự án ZFRA của Plan International Việt Nam cùng với đối tác địa phương đã có nhiều giải pháp can thiệp thông các hoạt động cụ thể. Chúng tôi đã cùng với các điều tra viên tại cộng đồng đánh giá về khả năng chống chịu lũ lụt tại địa phương để giúp cộng đồng tự nhận biết các rủi ro liên quan. Thông qua những rủi ro được phát hiện, dự án cùng với người dân địa phương tìm ra các giải pháp nhằm giảm nhẹ rủi ro lũ lụt. Qua đó, chúng tôi xây dựng kế hoạch phòng ngừa thiên tai được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Với sự nỗ lực của mình, Dự án ZFRA đa dạng hóa những hoạt động nâng cao nhận thức thông qua các loại hình truyền thông. Chúng tôi cũng đã thực hiện nhiều giải pháp công trình quy mô nhỏ như: nâng cấp các địa điểm sơ tán; sửa chữa, nâng cấp các đường sơ tán; nâng cấp hệ thống thoát nước tại những điểm thấp trũng...

Ngoài ra, dự án còn tổ chức nhiều lớp tập huấn sơ cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn cho đội xung kích tại các địa phương và nhóm quản lý rủi ro thiên tai trường học; trang cấp trang thiết bị phòng chống thiên tai cho đội xung kích trường học; nâng cấp, trang bị hệ thống cảnh báo sớm...

Hình ảnh tại hội thi sơ cấp cứu an toàn cộng đồng do Plan International Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức - Ảnh: T.L

Hình ảnh tại hội thi sơ cấp cứu an toàn cộng đồng do Plan International Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức - Ảnh: T.L

- Đến nay, Dự án ZFRA đã bước sang năm thứ 3 triển khai. Mong ông chia sẻ về một số kết quả đáng mừng mà dự án mang lại?

- Phương pháp tiếp cận của Dự án ZFRA là quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Tất cả các hoạt động dự án được thiết kế dựa trên việc tham vấn cộng đồng, hướng đến cộng đồng, do cộng đồng và đối tác địa phương làm chủ...Thông qua hoạt động của mình, Dự án ZFRA đã giúp cộng đồng địa phương tự xác định những rủi ro lũ lụt và các vấn đề liên quan mà địa phương đang gặp phải. Qua đó, chúng tôi đã đề xuất những giải pháp can thiệp thiết thực, hiệu quả. Điều đáng mừng là những đề xuất đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và được đưa vào kế hoạch phòng chống thiên tai của địa phương. Các hoạt động can thiệp của dự án đúng với định hướng của chính quyền địa phương, dựa trên ý kiến của người dân và đã giải quyết hiệu quả các vấn đề mà cộng đồng đang gặp phải.

- Qua thực tiễn triển khai dự án, ông nhận thấy, người dân Quảng Trị đã và đang gặp những khó khăn, vướng mắc gì làm ảnh hưởng đến khả năng chống chịu lũ lụt?

- Tôi nhận thấy người dân, đặc biệt là những người sống ở các khu vực dễ bị tổn thương với lũ lụt, các nhóm dễ bị tổn thương ở Quảng Trị chưa thực sự tích cực tham vấn và tham gia vào quá trình quản lý rủi ro thiên tai. Các kỹ năng và kiến thức về quản lý rủi ro thiên tai nói chung, lũ lụt nói riêng của người dân và các cán bộ địa phương còn hạn chế. Một khó khăn khác là tỉnh đang thiếu các giải pháp công trình và phi công trình đồng bộ, hiệu quả và có định hướng lâu dài.

- Vậy, theo ông, các cấp, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh và người dân trong tỉnh cần có những giải pháp, hành động cụ thể như thế nào để “đứng vững” trước thiên tai, lũ lụt?

- Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu đầu tư 1 USD vào công tác phòng ngừa trước thiên tai sẽ tiết kiệm được 7 USD cho công tác khắc phục sau thiên tai. Chính vì vậy, người dân và chính quyền các cấp cần nhận thức được tầm quan trọng của việc hành động sớm, như chủ đề của Ngày Quốc tế phòng chống thiên tai: “Cảnh báo sớm và hành động sớm cho mọi người”. Bên cạnh đó, sự gắn kết, vào cuộc của tất cả các ban, ngành cùng với cộng đồng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phòng ngừa, ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

- Ông có thể cho biết thời gian tới, dự án sẽ có sự hỗ trợ như thế nào cho người dân Quảng Trị?

- Bằng các văn bản được thể hiện trong thỏa thuận hợp tác, Dự án ZFRA đã cam kết sẽ tiếp tục duy trì, đẩy mạnh những can thiệp bằng các hoạt động công trình quy mô nhỏ nhằm giảm nhẹ rủi ro lũ lụt; đa dạng hoạt động phi công trình nhằm nâng cao nhận thức cho chính quyền địa phương và cộng đồng; xây dựng năng lực quản lý rủi ro lũ lụt cho đối tác các cấp, cộng đồng và trường học... Đặc biệt, chúng tôi sẽ tập trung vào trẻ em, nhất là trẻ em gái trong quản lý rủi ro thiên tai. Đây cũng chính là vấn đề sẽ được dự án quan tâm và ưu tiên trong thời gian tới.

- Xin cảm ơn ông!

Tây Long(thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/hanh-dong-som-de-tang-kha-nang-chong-chiu-lu-lut/181253.htm