Sức hấp dẫn từ thiên nhiên cùng những công trình kiến trúc đậm chất nghệ thuật ở Azerbaijan và Georgia khiến khách du lịch muốn tới hai quốc gia này ngày một nhiều hơn.
Tọa lạc tại vùng Kavkaz, nơi được coi như giao điểm Á - Âu, Azerbaijan và Georgia ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn với khách du lịch. Đến hai quốc gia này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ cùng những công trình kiến trúc tráng lệ làm đắm say lòng người. Hiện nay, việc tham quan Azerbaijan và Georgia với người Việt Nam đã không còn nhiều khó khăn nhờ các tour du lịch trọn gói của Vietravel.
Điểm dừng chân đầu tiên của du khách trong cuộc hành trình chính là thủ đô Baku, thành phố rộng lớn nhất Azerbaijan. Baku nổi tiếng nhờ sự giao thoa tinh tế giữa những công trình kiến trúc cổ điển và hiện đại. Với các tín đồ bóng đá, thủ đô của Azerbaijan có lẽ không phải cái tên quá xa lạ bởi đây chính là nơi đăng cai trận chung kết Europa League 2019 giữa Chelsea và Arsenal.
Di chuyển về phía Tây Nam trung tâm Baku khoảng 40 km, du khách sẽ đến khu bảo tồn Gobustan nổi tiếng. Năm 1986, chính phủ Azerbaijan chính thức công nhận vùng đất này là Di tích Lịch sử cấp quốc gia. Vì thế, khu bảo tồn có quy mô 537 ha được dựng lên với mục đích gìn giữ các tác phẩm chạm khắc đá có niên đại từ 6.000-40.000 năm.
Kể từ khi những hình chạm khắc đá đầu tiên được tìm thấy vào năm 1930, người ta đã thông kê khu bảo tồn Gobustan có tới hơn 6.000 tác phẩm tương tự. Họa tiết khắc trên đá vô cùng đa dạng, mô tả nhiều hoạt động trong đời sống cổ xưa như động vật chiến đấu, đoàn lữ hành cùng lạc đà, đấu bò, các vũ điệu thờ thần... Các tác phẩm đá được bảo quản rất tốt nhưng ý nghĩa đằng sau những hình vẽ không phải ai cũng hiểu hết. Vì thế, nhiều người từng đến đây khuyên khách du lịch nên đi cùng hướng dẫn viên có kinh nghiệm hoặc người của khu bảo tồn để mở mang thêm kiến thức.
Đến Baku, bạn không nên bỏ qua cơ hội tìm hiểu về lịch sử thành phố thông qua các điểm du lịch hấp dẫn như cung điện Shirvanshah hay tháp Maiden, hai địa danh được ví như những viên ngọc quý trường tồn cùng thời gian. Theo các nhà nghiên cứu, cung điện Shirvanshah được xây dựng vào năm 1411 và từng bị bắn phá nghiêm trọng trong thời kỳ chiến tranh ở thế kỷ 18. Ngày nay, chính quyền đã phục hồi, tu sửa công trình này và mở cửa đón khách du lịch tới tham quan.
Tên gọi tháp Maiden bắt nguồn từ một huyền thoại. Chuyện kể rằng một nữ thần xinh đẹp đã xuất hiện từ ngọn lửa trên đỉnh tháp để cứu người dân Baku khỏi kẻ thù xâm lược. Trong trận chiến với chỉ huy địch, nữ thần đội mũ giáp để đối phương không nhận ra mái tóc con gái của mình. Trong khoảnh khắc cô chĩa kiếm vào cổ kẻ thù, tên chỉ huy đã chịu thua và xin được nhìn mặt kiếm sĩ. Khi nhìn thấy khuôn mặt xinh đẹp của nữ thần, hắn đã cầu xin tha mạng và bày tỏ lòng nể phục đến người dân Baku. Từ đó, tòa tháp Lửa còn được mọi người gọi là tháp Maiden (tháp Trinh nữ).
Những nhà sử học xác định tháp Maiden đã được hoàn thiện vào thế kỷ 12 để thờ thần lửa. Tòa tháp có thiết kế hình trụ đứng, các tầng nối thông với nhau bằng hệ thống cầu thang bám sát vào tường. Vào năm 2000, UNESCO đã công nhận tháp Maiden là Di sản Văn hóa Thế giới. Hiện nay, tháp Maiden đã trở thành bảo tàng lưu giữ lịch sử của thành phố Baku. Bên cạnh đó, người ta cũng mở cửa hàng bán đồ lưu niệm để du khách có thể lưu giữ chút hồn của Baku khi trở về.
Rời Baku, bạn sẽ phải đi một quãng đường dài 325 km để ghé thăm cung điện mùa hè Shaki Khans. Công trình này được xây dựng vào năm 1797, mất 2 năm để hoàn thành nhưng tốn tận 8 năm cho việc trang trí.
Điều khiến du khách ấn tượng nhất tạI cung điện Shaki Khans chính là kỹ thuật ghép kính màu "shabaka" nổi tiếng ở Azerbaijan. Theo tính toán, người ta phải dùng gần 20.000 miếng gỗ và kính kết dính nhau mà không dùng keo hay đinh cho mỗi mét vuông "shabaka". Nhà thơ nổi tiếng Nazim Hikmet từng nói rằng: "Ngay cả khi Azerbaijan không còn kiến trúc cổ nào, người ta chỉ cần nói về cung điện Shaki Khans là đủ".
Sau hành trình thăm thú Azerbaijan, du khách có thể di chuyển bằng xe đến biên giới Georgia làm thủ tục nhập cảnh và tiếp tục khám phá "xứ cô đơn". Do nằm giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời là điểm nối giữa Đông Âu và Tây Á nên Georgia sở hữu những nét văn hóa pha trộn độc đáo khó nơi nào sánh bằng. Bên cạnh đó, lối trang trí tinh tế khiến du khách tới đất nước này đều phải ngỡ ngàng trước sự xinh đẹp của những ngôi nhà bình thường, chưa kể đến các công trình kiến trúc mang tầm quốc gia.
Đến Georgia, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội ghé qua Sighnaghi, thị trấn xinh đẹp có diện tích nhỏ nhất đất nước. Tuy nhiên, đây không phải điều duy nhất thu hút du khách tới Sighnaghi. Thị trấn này nổi tiếng là "trái tim của ngành rượu vang Georgia". Vì vậy, bạn sẽ rất "có lỗi" nếu tới Sighnaghi mà không ghé thăm những nhà máy sản xuất rượu vang và tự thưởng cho mình thứ đặc sản làm nên tên tuổi vùng đất. Bên cạnh đó, Sighnaghi cũng là điểm đến quen thuộc dành cho những đôi vợ chồng sắp cưới đến chụp ảnh.
Mtskheta, một trong những thành phố lâu đời nhất Georgia, hứa hẹn sẽ hấp dẫn du khách đặt chân tới đây bằng các công trình kiến trúc cổ, mang đậm màu sắc tôn giáo. Dựa trên các dấu tích còn sót lại, các nhà nghiên cứu xác định con người đã bắt đầu sinh sống ở Mtskheta từ 1.000 năm TCN. Đến thành phố này, du khách nhất định phải ghé thăm tu viện cổ Jvari và nhà thờ chính tòa Svetiskhoveli.
Trước khi khép lại cuộc hành trình khám phá Georgia, du khách nên đến thủ đô Tbilisi để tận mắt chiêm ngưỡng những nét kiến trúc eclectic (chiết trung) độc đáo. Bạn có thể hiểu điểm nhấn trong phong cách thiết kế này là sự pha trộn giữa những nét đẹp cũ-mới, gần như không có quy luật cụ thể. Ở Tbilisi, du khách sẽ cảm tưởng như đang lạc giữa một "khu vườn văn hóa", từ phong cách Trung cổ, Tân cổ điển, Trung Đông, Stalin cho đến những kiểu nghệ thuật hiện đại.
Trong thời gian tham quan Tbilisi, bạn nên tìm đến thị trấn cổ Abanotubani để trải nghiệm tắm nước lưu huỳnh nóng độc đáo. Việc tắm trong các bồn lưu huỳnh đã xuất hiện từ lâu. Người ta cho rằng vào thế kỷ thứ 5, khi Mtskheta vẫn còn là thủ đô Georgia, các suối nước nóng ở Tbilisi đã được tìm thấy. Cái tên Tbilisi (vùng đất ấm áp) cũng bắt nguồn từ thực tế có rất nhiều suối nước nóng tự nhiên tại đây.