Hành trình màu xanh

Là khu rừng nhiệt đới lớn thứ hai thế giới, song rừng nhiệt đới Congo tại châu Phi có nguy cơ biến mất hoàn toàn trong 80 năm, do gia tăng trồng trọt, các hoạt động đốn gỗ và khai thác mỏ trái phép. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên hợp quốc (LHQ) ước tính mỗi năm CHDC Congo, quốc gia chiếm 60% diện tích rừng Congo và là nước có diện tích rừng lớn nhất ở châu Phi, lại mất 500.000 ha rừng.

Những cây gỗ lớn cả trăm năm tuổi bị chặt phá. Ảnh: lifegate.com

Những cây gỗ lớn cả trăm năm tuổi bị chặt phá. Ảnh: lifegate.com

Tình hình tại CHDC Congo cũng là bức tranh chung tại nhiều nơi trên thế giới. Mặc dù rừng bao phủ khoảng 30% diện tích đất trên Trái Đất, với khoảng 1,6 tỷ người phụ thuộc vào rừng để sinh kế, song FAO cho biết diện tích rừng trên thế giới đã giảm 420 triệu ha kể từ năm 1990, chủ yếu ở châu Phi và Nam Mỹ. Theo dự án Global Forest Watch của tổ chức World Resources Institute (Mỹ), năm 2023, thế giới mất khoảng 37.000 km² rừng nguyên sinh nhiệt đới - một diện tích gần bằng Thụy Sĩ, giảm 9% so với năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao. Một trong những nguyên nhân chính là nạn phá rừng.

Năm ngoái, phá rừng toàn cầu đã tăng 3,2%, với Brazil, Indonesia và Bolivia đứng đầu danh sách. Nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại cây trồng và sản phẩm thương mại như đậu nành, dầu cọ và thịt bò; lợi nhuận cao từ các loại gỗ quý; việc mở rộng đô thị và phát triển cơ sở hạ tầng để đáp ứng gia tăng dân số, đã thúc đẩy việc chuyển đổi rừng thành đất nông nghiệp, phá rừng để khai thác gỗ, giải phóng không gian. Việc "lá phổi xanh" bị phá hoại có thể khiến Trái Đất mất tới 137 loài động - thực vật và vi sinh vật mỗi ngày, gây xói mòn đất, ô nhiễm nước, khiến lượng carbon thải vào bầu khí quyển tăng lên, làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và tác động tiêu cực đến cuộc sống của con người và môi trường. Năm ngoái, diện tích rừng nguyên sinh nhiệt đới bị mất đi đã giải phóng lượng phát thải khí nhà kính tương đương với một nửa lượng phát thải của Mỹ do đốt nhiên liệu hóa thạch hằng năm.

Để bảo vệ và khôi phục "bức tường xanh" của hành tinh, các nước đã và đang đẩy nhanh các dự án trồng rừng và tái trồng rừng. Nổi bật trong số này là “Sáng kiến Bức tường xanh vĩ đại” - dự án tái trồng rừng khổng lồ trải dài 8.000 km qua vùng Sahel của châu Phi, nhằm chống sa mạc hóa, suy thoái đất và biến đổi khí hậu, tạo thêm 10 triệu việc làm và cải thiện an ninh lương thực cho 20 triệu người. Sau 17 năm, dự án đã khôi phục được khoảng 18 triệu ha đất, mang lại thu nhập và nguồn lương thực ổn định cho người dân.

Dự án phục hồi cao nguyên Loess hiện là một trong những sáng kiến phục hồi sinh thái lớn nhất và thành công nhất trên thế giới, bao phủ diện tích hơn 35.000 km² ở Tây Bắc Trung Quốc. Thông qua sự kết hợp giữa trồng mới rừng, bảo tồn và quản lý đất bền vững, dự án đã biến đổi các cảnh quan suy thoái thành các hệ sinh thái sản xuất và bền vững, cải thiện điều tiết nước và độ phì nhiêu của đất, giảm đói nghèo.

Do Chính phủ Pakistan khởi xướng năm 2014, “Dự án Sóng thần 1 tỷ cây xanh” nhằm mục đích trồng 1 tỷ cây trên khắp đất nước để chống phá rừng, giảm thiểu biến đổi khí hậu và phục hồi hệ sinh thái. Thông qua sự kết hợp giữa trồng rừng và tái trồng rừng, các nỗ lực bảo tồn, dự án đã vượt qua mục tiêu ban đầu, trồng hơn 1,5 tỷ cây vào năm 2020, không chỉ khôi phục các khu rừng bị suy thoái mà còn tạo ra hàng nghìn việc làm xanh và đóng góp vào hấp thụ carbon và bảo tồn đa dạng sinh học.

Tại Madagascar, một trong những điểm nóng về đa dạng sinh học của thế giới, “Dự án tái trồng rừng Eden” dựa vào cộng đồng địa phương đã trồng được hàng triệu cây, giúp phục hồi các môi trường sống quan trọng cho các loài có nguy cơ tuyệt chủng và cung cấp sinh kế bền vững cho hàng nghìn người.

Tại CHDC Congo, chương trình “Vườn trường: 1 tỷ cây vào năm 2023”, khởi động tháng 12/2019 đã giúp phủ xanh gần 700.000 ha đất tại 22 tỉnh.

Tuy nhiên, các kế hoạch trồng và tái trồng rừng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Theo khảo sát Sáng kiến Nghiên cứu lâm nghiệp do Terraformation thực hiện tại 63 quốc gia, kinh phí là thách thức lớn nhất đối với các dự án phục hồi rừng (chiếm 95%), đặc biệt tại khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi. Bên cạnh đó là việc thiếu nguồn cung phù hợp và khó khăn trong công tác bảo quản hạt giống, nhân lực cần thiết, công nghệ theo dõi và giám sát, điều kiện thổ nhưỡng, thiếu nước và khí hậu khắc nghiệt. Dưới tác động của biến đổi khí hậu và khô hạn, tại một số nơi, các chiến dịch tái trồng rừng thậm chí không thể theo kịp với tốc độ cháy rừng.

Trước những thách thức này, Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về trồng rừng và tái trồng rừng vừa bế mạc ngày 5/7 tại Brazzaville (CH Congo) đặt mục tiêu thông qua tuyên bố chính trị và chiến lược để tăng cường hợp tác quốc tế, hỗ trợ các hoạt động trồng rừng và tái trồng rừng ở châu Phi, thông qua sáng kiến "Thập kỷ trồng rừng châu Phi và toàn cầu" do CH Congo đề xuất vào Chương trình nghị sự của LHQ, nhằm hỗ trợ và/hoặc tối đa hóa sản xuất hàng hóa và dịch vụ khai thác từ rừng; tăng khả năng hấp thụ carbon; bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao tính toàn vẹn của hệ sinh thái.

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat đánh giá: “Thách thức lớn hiện nay không chỉ là ngăn chặn sự biến mất dần của rừng, mà còn là khôi phục những khu rừng đã biến mất và sau đó tạo ra những khu rừng mới”. Trong bối cảnh nạn phá rừng và suy thoái rừng vẫn tiếp diễn ở mức báo động, các chương trình và sáng kiến trồng rừng và tái trồng rừng đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục các cảnh quan bị suy thoái, giảm thiểu biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học. Việc triển khai hiệu quả đòi hỏi nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường; sự tham gia của cộng đồng địa phương; tăng cường hợp tác công-tư, quốc tế hỗ trợ các dự án phục hồi rừng; đổi mới phương pháp; hành động nhanh chóng và trên quy mô lớn để đối phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Sự chung tay, đồng lòng của các quốc gia, khu vực sẽ là cơ sở để đạt được những bước tiến quan trong việc chữa lành lá phổi xanh, phục hồi hệ sinh thái, cải thiện sinh kế và xây dựng khả năng chống chịu với các thách thức môi trường, tạo ra một tương lai bền vững cho các thế hệ tiếp theo.

Đặng Ánh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/hanh-trinh-mau-xanh-20240706151802836.htm