Hành trình tới Mỹ du học, đến Úc học thạc sỹ của chàng trai mắc chứng giảm chú ý
Mắc chứng giảm chú ý, Trần Kiên từng gặp nhiều khó khăn khi học tiếng Anh. Không nản chí, sau khi tốt nghiệp Đại học tại Mỹ, Kiên học tiếp bậc thạc sỹ ở Úc.
Phạm Trần Kiên (28 tuổi, Hà Nội) là thạc sỹ ngành Giảng dạy Ngôn ngữ tại Đại học Canberra, Úc. Trước đó, Kiên tốt nghiệp ngành Giáo dục, Đại học Wisconsin-Superior ở Mỹ. Từ tháng 6 năm ngoái cậu về nước dạy luyện thi IELTS, dạy tiếng Anh ở Hà Nội và giúp định hướng, chuẩn bị tư duy cùng kỹ năng học tập cho các bạn mong muốn du học.
Du học Mỹ từ những năm cấp 3, chàng trai Hà Nội từng gặp khó khăn trong việc học tiếng Anh. Những năm đầu cấp 2 ở Việt Nam, cậu chưa từng được quá 6 điểm môn tiếng Anh. Vì muốn xem phim Mỹ không cần phụ đề, Kiên lao vào học ngoại ngữ, thi đạt 6.5 IELTS và du học trường Trung học Morrisville-Eaton, New York, năm 2010.
Khi còn học ở Mỹ, Kiên phát hiện mắc Hội chứng tăng động giảm chú ý - ADHD (Hội chứng về não, gây khó khăn trong việc kiểm soát hành vi cá nhân, hiếu động thái quá và khả năng tập trung kém), khiến cậu không thể ngồi yên một chỗ quá 40 phút. Nhờ sự hỗ trợ của y học, các triệu chứng của ADHD đã được giảm thiểu ảnh hưởng.
Chia sẻ lý do chọn học ngành Giáo dục, Kiên kể xuất phát từ việc mình dạy tiếng Anh cho các bạn nhỏ trong gia đình. Cậu như nhìn thấy bản thân của trước kia, các em đang học theo một phương pháp không đúng và hơi bị máy móc, từ việc hướng dẫn, Kiên đam mê truyền tải kiến thức.
Từ quá trình học tập và giảng dạy của bản thân chàng trai Hà Nội cho rằng việc học tiếng Anh nên bắt đầu từ kỹ năng Nghe.
“Mình sẽ nghe để tai dần quen với âm thanh nếu bắt đầu bằng học ngữ pháp thì rất khó để học sinh có động lực học. Bởi đây là phần khô khan của ngôn ngữ, thêm vào đó người học dễ sợ sai và phản xạ chậm khi giao tiếp bằng tiếng Anh", chàng trai Hà Nội chia sẻ.
Trần Kiên lưu ý cần chọn những tài liệu được nói và phát âm bởi người bản xứ. Ngoài ra, khi mới bắt đầu nghe, người học nên chọn những đoạn hội thoại nhỏ và cần đảm bảo là mình có thể hiểu 100% nghĩa của đoạn hội thoại đó.
Đối với kỹ năng Đọc, theo Kiên người học nên chọn nguồn tài liệu phù hợp. Ví dụ khi mới bắt đầu học tiếng Anh, mình nên đọc những mẩu chuyện nhỏ. Không nên chọn những nguồn tài liệu có nhiều thông tin như báo nước ngoài vì dễ nản và mất động lực.
Thầy giáo trẻ lý giải :"Nói và Viết là hai kỹ năng chủ động, người học sẽ phải tự sản xuất ra câu trả lời. Khi người học nghe không đủ lượng thông tin, đọc không nhiều thì sẽ rất khó để nói và viết hay được.
Người học nghe tốt sẽ giúp cho việc nói được chuẩn chỉnh hơn. Muốn viết tốt thì ứng viên phải đọc nhiều. Điều đầu tiên khi tập để chuẩn bị cho các bài thi Viết, người học không nên quá tập trung vào việc chọn những từ ngữ phức tạp mà quên mất nhiệm vụ chính là truyền tải nội dung. Người học nên chọn những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, đúng với khả năng của bản thân tức là mình hiểu rõ từ vựng đó có thể sử dụng trong những ngữ cảnh nào."
Kiên cho rằng ở hai kỹ năng này người học cần có người hướng dẫn, không bắt buộc là người bản xứ nhưng cần có trình độ tốt để định hướng và sửa những lỗi sai nhất định.
Trong quá trình giảng dạy tiếng Anh, Kiên nhận thấy lỗi sai mà nhiều học sinh mắc phải là phát âm. Thầy giáo trẻ khuyên người học nên sắp xếp, phân bổ thời gian cho các kỹ năng một cách phù hợp với trình độ hiện tại của bản thân.
Để việc học tiếng Anh trở nên thú vị, Kiên khuyên người học nên tìm tài liệu học theo các chủ đề mà mình yêu thích trên Internet. Việc tìm hiểu chủ đề mình yêu thích sẽ giúp người đọc như được tiếp thêm động lực, từ đó nảy sinh mong muốn tìm hiểu sâu hơn về một lĩnh vực trong cuộc sống.
Kiên cho rằng trong quá trình học ngoại ngữ, việc mắc lỗi sai là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên tùy theo tính cách, mỗi người sẽ có cách ứng xử khác nhau khi mắc lỗi, trong trường hợp người học cảm thấy tự ti, đầu tiên các bạn nên tìm cho một cộng đồng học tập mà ở đó nhiều người có năng lực tương đồng với mình.
"Khi có những thành viên trong cộng đồng đó mắc một số lỗi sai nhất định, người học sẽ giảm căng thẳng, tâm lý e ngại, và dần dần là không sợ sai khi giao tiếp bằng tiếng Anh", thầy giáo trẻ chia sẻ.