Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong-Lan Thương (phần 2)
Chặng dừng chân tiếp theo của đoàn phóng viên trên hành trình về với đầu nguồn Mekong-Lan Thương trên đất Trung Quốc là thành phố Ngọc Thụ thuộc Châu tự trị dân tộc Tạng Ngọc Thụ, tỉnh Thanh Hải.
Nhắc đến thành phố Ngọc Thụ, không ít người nhớ đến trận động đất nghiêm trọng 7,1 độ richter đã cướp đi sinh mạng của gần 2.700 người xảy ra hơn 10 năm về trước (ngày 14/4/2010). Nhưng ít ai biết rằng thành phố này còn là nơi mà các dòng nước đầu nguồn của 3 con sông lớn nhất châu Á, gồm Trường Giang, Hoàng Hà và Mekong-Lan Thương chảy qua.
Sau 10 năm tái thiết, thành phố này tiếp tục trở thành địa phương phát triển nhất trong các địa phương của gần 1,4 triệu người Tạng trong tổng số hơn 6 triệu dân của tỉnh Thanh Hải.
Là nơi chảy qua của đầu nguồn 3 dòng sông lớn (Tam Giang, tức Trường Giang, Hoàng Hà và Mekong-Lan Thương), Khu bảo tồn thiên nhiên đầu nguồn Tam Giang cấp tỉnh đã được phê chuẩn thành lập năm 2000 tại thành phố Ngọc Thụ và được chính phủ Trung Quốc nâng lên cấp quốc gia vào năm 2003. Đây hiện cũng là Khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích lớn nhất Trung Quốc. 25% tổng lượng nước của Trường Giang, 49% của Hoàng Hà và 15% của Lan Thương đến từ khu vực đầu nguồn Tam Giang này.
Dự kiến, khu bảo tồn này sẽ chính thức trở thành Vườn Quốc gia vào trước cuối năm 2020.
Văn hóa Mani là loại hình văn hóa độc đáo của người Tạng nói chung và người Tạng ở Ngọc Thụ nói riêng. Mani là cách gọi tắt của Om Mani Padme Hum, tức “Lục tự Đại minh Chân Ngôn” (nghĩa là Châm ngôn sáng rõ bao gồm sáu chữ). Đây là câu Chân ngôn tiếng Phạn, được xem là chân ngôn cầu Quan Thế Âm Bồ Tát và là chân ngôn quan trọng và lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng.
Hiện Ngọc Thụ có 5 loại Mani và đang trình hồ sơ để được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, như: Mani nước (tức các tảng đá khắc kinh nằm trong các dòng nước), Mani núi (tức khắc kinh lên núi), Mani khắc đá (tức những hòn đá khắc kinh đắp chồng lên nhau), Mani gió (tức phướn kinh) và Mami băng chỉ có thể chiêm ngưỡng vào mùa Đông khi người ta khắc nội dung kinh bằng cách rắc cát lên băng, đợi khi thời tiết ấm dần, cát chìm xuống và các bài kinh sẽ hiện ra.
Nói đến người Tạng, không thể không nhắc đến công chúa Văn Thành đời Đường, người được gả cho Tạng Vương Tùng Tán Cán Bố (Songtsan Gampo). Bà là cầu nối văn hóa Hán-Tạng và được người Tạng ghi nhớ công ơn. Bà cũng là một trong những Mật Tông Tam Thánh, người góp phần chấn hưng Phật giáo của người Tạng. Một ngôi đền duy nhất mang tên bà trên đất Trung Quốc - miếu công chúa Văn Thành được dựng lên ở Ngọc Thụ, nơi bà dừng chân lâu nhất trước khi nhập Tạng. Tuy nhiên, ngôi đền chỉ mang tên bà, mà không thờ bà.
Cam Đạt, một ngôi làng người Tạng nơi có dòng Trát Khúc, sông đầu nguồn của Mekong-Lan Thương chảy qua, đã chọn mô hình phát triển theo hình thức hợp tác xã, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, như may mặc, làm đồ thủ công, du lịch, sản xuất chế biến.
Ngành nghề truyền thống là chăn nuôi của người dân nơi này đang dần bị thu hẹp nhằm bảo vệ môi trường và đảm bảo sự tái sinh của các đồng cỏ. Đây cũng được coi là ngôi làng người Tạng có kinh tế phát triển tại đây.
Thêm các hình ảnh nữa về hành trình lên thượng nguồn sông Mekong-Lan Thương:
Clip: Một đoạn của dòng Trát Khúc, sông đầu nguồn của Mekong-Lan Thương, chảy ngay phía trước làng Cam Đạt./.