Hắt hơi sổ mũi có nên dùng kháng sinh?
Hắt hơi sổ mũi gây khó chịu và nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Nên làm gì khi bị hắt hơi sổ mũi?
Hỏi: Thưa bác sĩ, tôi bị hắt hơi sổ mũi có nên dùng kháng sinh không và khi nào thì nên đi khám bác sĩ?
(Thái Thu Hương - TP. Hải Phòng)
Hắt hơi sổ mũi không phải là một bệnh lý như nhiều người vẫn nhầm tưởng hoặc khi bị hắt hơi sổ mũ liền tìm thuốc điều trị. Hắt hơi sổ mũi là triệu chứng của các bệnh lý hô hấp và vùng tai mũi họng.
Khi bạn sổ mũi, chất nhầy hoặc chất lỏng bên trong mũi sẽ chảy ra. Hắt hơi sổ mũi là một phản ứng của cơ thể để bảo vệ bạn khỏi những tác nhân gây hại nhất là việc đẩy các vi khuẩn gây bệnh ra ngoài. Hắt hơi sổ mũi có lợi nhưng nếu tình trạng này diễn ra nhiều sẽ gây khó chịu cho người bệnh.
Hắt hơi sổ mũi có lây không? Nguyên nhân gây hắt hơi sổ mũi có thể là do người bệnh mắc phải các bệnh lý cảm lạnh, cảm cúm, dị ứng hay nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus gây ra… Ngoài hắt hơi sổ mũi người bệnh có thể xuất hiện thêm các triệu chứng ho, sốt, nghẹt mũi, đau họng… Nếu người bệnh hắt hơi sổ mũi do bị các bệnh lý nhiễm trùng dường hô hấp trên do virus gây ra thì có thể lây cho người lành khi hắt hơi mang theo giọt bắn có chứa mầm bệnh.
Khi bị hắt hơi sổ mũi, người bệnh không chỉ bị khó chịu mà còn ảnh hưởng đến việc sinh hoạt hàng ngày. Người bệnh có thể áp dụng những cách sau để cải thiện tình trạng hắt hơi sổ mũi:
Dùng nước muối sinh lý ấm để nhỏ mũi hoặc rửa mũi.
Sử dụng một số loại thảo dược như chanh/quất ngâm mật ong, lá húng chanh Khi trời lạnh cần giữ ấm cơ thể.
Hắt hơi sổ mũi cũng có thể là biểu hiện của việc suy giảm hệ miễn dịch. Người bệnh có thể bổ sung thêm những thực phẩm giúp cơ thể tăng sức đề kháng như vitamin, khoáng chất và lưu ý uống đủ nước.
Nếu người bệnh bị hắt hơi sổ mũi do bệnh lý gây ra thì cần có phác đồ điều trị phù hợp.
Tùy vào từng trường hợp bệnh nhân hắt hơi sổ mũi sẽ có những phương án điều trị khác nhau do vậy người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Khi nào bị hắt hơi sổ mũi cần đi khám bác sĩ?
Ở một số người, khi bị hắt hơi sổ mũi nghiêm trọng và thường xuyên nhất là khi thời tiết thay đổi, giao mùa hoặc môi trường không khí xung quanh ô nhiễm, có nhiều bụi mịn thì cần sử dụng các loại thuốc đặc trị. Một số loại thuốc đặc trị được dùng để điều trị hắt hơi sổ mũi như các thuốc nhỏ mũi có tác dụng co mạch hoặc chứa corticoid, thuốc kháng histamin…
Người bệnh lưu ý tuyệt đối không được sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để điều trị hắt hơi sổ mũi vì có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe. Người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, tìm nguyên nhân và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Ví dụ trong trường hợp người bệnh hắt hơi sổ mũi bởi các tác nhân dị ứng gây ra thì cần tìm ra dị nguyên và tránh xa dị nguyên đó như: phấn hoa, bụi nhà, khói thuốc lá, lông chó mèo…
Nếu trong trường hợp người bệnh bị hắt hơi sổ mũi kèm theo những dấu hiệu bất thường như mệt mỏi, khó thở, sốt cao kéo dài, đau người, đau đầu… thì cần nghĩ đến đó là cảnh báo có thể bạn đang mắc các bệnh lý liên quan đến hô hấp. Lúc này người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám, tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời, tránh để tình trạng bệnh tiến triển nặng thêm.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hat-hoi-so-mui-co-nen-dung-khang-sinh-169241106163409335.htm