Hậu bầu cử Mỹ 2020: Đường chia đôi ngả

Trong khi ông Joe Biden đã an bài với kết quả bầu cử do truyền thông công bố và lên kế hoạch tiếp nhận quyền lực, ông Donald Trump cho thấy mình sẽ không buông xuôi chiếc ghế Tổng thống. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.

Ông Joe Biden trong cuộc họp báo sáng ngày 17/11 tại Wilmington.

Ông Joe Biden trong cuộc họp báo sáng ngày 17/11 tại Wilmington.

PHÂN TÍCH CHUYỆN THỜI SỰ

Người sẵn sàng

Ngay sau khi được truyền thông công bố là người chiến thắng trong bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã bắt tay chuẩn bị cho hành trình sắp tới.

Thứ nhất, ông khẳng định giải quyết đại dịch Covid-19 là ưu tiên hàng đầu một khi nắm quyền. Ngày 9/11, ông đã công bố đội ngũ các chuyên gia và nhà khoa học phụ trách cố vấn và xây dựng kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 tổng thể, với nhiều nhà khoa học, chuyên gia về miễn dịch, dịch bệnh truyền nhiễm và quan chức y tế cộng đồng có tiếng nói.

Khác với ông Donald Trump, ông hoan nghênh tiến bộ trong phát triển vaccine, song nhấn mạnh tầm quan trọng của kiểm nghiệm lâm sàng. Đồng thời, ông Biden khẳng định sẽ có nhiều người chết vì Covid-19 nếu ông Donald Trump không hợp tác trong tiến trình chuyển giao quyền lực.

Thứ hai, ngày 17/11, ông Biden đã chính thức chỉ định một số quan chức cấp cao một khi thắng cử. Theo Reuters, bà Jen O’Malley Dillon, quản lý chiến dịch sẽ được bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Nhà Trắng. Cố vấn thân cận khác của ông Biden là Ron Klain đảm nhiệm vị trí Chánh Văn phòng, Mike Donilon và Steve Ricchetti làm Cố vấn Cấp cao, còn Hạ Nghị sỹ bang Louisiana Cedric Richmond sẽ là Giám đốc Văn phòng quan hệ công chúng Nhà Trắng.

Thứ ba, khác với giai đoạn trước, ông Biden giờ đây đã công khai bày tỏ quan điểm về vấn đề đối ngoại. Trong họp báo rạng sáng ngày 17/11, ông Biden khẳng định Mỹ cần liên kết với các nền dân chủ khác để thiết lập luật chơi, đối trọng với Trung Quốc.

Trên trang web của mình, ông Joe Biden khẳng định sẽ chấm dứt chiến sự tại Yemen, Afghanistan, đẩy mạnh hợp tác với tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đưa Mỹ trở lại Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) với Iran, thúc đẩy quá trình đàm phán với Bắc Triều Tiên cùng sự tham dự của Trung Quốc, gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí tấn công Chiến lược (START) và có bước đi thực tế nhằm giảm biến đổi khí hậu.

Thứ tư, ông Biden đã tiến hành điện đàm lãnh đạo cấp cao của nhiều nước. Trong điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, ông Biden khẳng định sẽ bảo vệ các cam kết giữa Mỹ và Nhật Bản theo Điều 5 Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật, trong đó bao gồm tấn công vào quần đảo tranh chấp Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Biden nói trông đợi hợp tác với Seoul để cùng giải quyết các thách thức chung, “từ Triều Tiên tới biến đổi khí hậu”.

Ông Biden và Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng có cuộc thảo luận cùng ngày về nhiều vấn đề, từ Covid-19 tới công nghệ giảm khí thải Carbon.

Bên dang dở

Trong khi đó, ông Donald Trump cũng có nhiều động thái đáng chú ý.

Đầu tiên, ông vẫn phủ nhận kết quả bầu cử do giới truyền thông công bố. Tuy nhiên, ông Trump đã cho thấy dấu hiệu lạ trong bài phát biểu tại Vườn Hồng Nhà Trắng hôm 13/11 về vaccine Covid-19 hay tuyên bố ngày 15/11 trên Twitter cho rằng “Ông ta (Joe Biden) đã thắng nhưng cuộc bầu cử bị thao túng!” Dù sau đó, ông Trump khẳng định không thừa nhận chiến thắng của ông Biden, song phát ngôn trên cho thấy ông Trump đã có dao động nhất định.

Thứ hai, đội ngũ tranh cử của ông Trump tiếp tục đâm đơn kiện ở nhiều bang nhằm thách thức kết quả bỏ phiếu, song chưa đạt được thành công đáng kể nào. Theo Reuters, những nỗ lực này ít có khả năng thay đổi kết quả bầu cử. Điểm sáng cho phe ông Trump ở thời điểm hiện tại là quá trình kiểm phiếu bằng tay tại Georgia cho thấy một số sai sót.

Thứ ba, vài ngày qua, ông Trump đã liên tục thay đổi nhân sự cấp cao khi sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Giám đốc Cơ quan An ninh mạng và Hạ tầng thuộc Bộ An ninh Nội địa Chris Krebs. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Adam Smith cho rằng với việc Tổng thống điều chỉnh nhân sự cấp cao của Bộ Quốc phòng trong giai đoạn “chuyển giao quyền lực” có thể tạo ra một trào lưu nguy hiểm và “đáng báo động với mọi người dân Mỹ.”

Cuối cùng, Reuters ngày 17/11 dẫn lời một quan chức Mỹ cho hay ngày 12/11, Tổng thống Donald Trump đã lệnh cho các quan chức cấp cao đưa ra các khả năng tấn công cơ sở hạt nhân chính của Iran, song đã quyết định không tấn công sau khi được thuyết phục.

Ông Nicholas Burns, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ dưới thời cố Tổng thống George H. W. Bush và cựu Tổng thống Bill Clinton cho biết, nhiều chuyên gia chính sách đang quan ngại về khả năng Mỹ tấn công phủ đầu Iran, cho rằng việc rút quân đột ngột khỏi Afghanistan có thể để lại hệ quả tiêu cực đối với Kabul trong quá trình đàm phán với Taliban, khiến bất ổn kéo dài. Trong khi đó, bà Kori Schake, người từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush cho rằng, ông Trump sẽ không tấn công Iran, song sẽ tiếp tục điều chỉnh nhân sự theo hướng bất lợi cho ông Biden.

Qua đó, có thể thấy sự chuẩn bị của ông Biden nhằm “khôi phục linh hồn của nước Mỹ” là hợp lý, song ông Trump sẽ không buông chiếc ghế Tổng thống, ít nhất là tới khi có kết quả bầu cử chính thức. Câu chuyện thắng thua, kẻ đi người ở tại Mỹ vì thế vẫn tiếp tục nóng thời gian tới.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hau-bau-cu-my-2020-duong-chia-doi-nga-129515.html