Hậu Giang phát triển nhiều mô hình sinh kế, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho hộ gia đình dân tộc Khmer nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, các địa phương còn chú trọng công tác đào tạo nghề giúp bà con Khmer tích lũy thêm kinh nghiệm, kiến thức, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào quá trình sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống…

Chị Thạch Thị Nga (vợ anh Danh Tùng) ở ấp 3, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đang thu hoạch các loại hoa màu để bán để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Gia Uyên

Chị Thạch Thị Nga (vợ anh Danh Tùng) ở ấp 3, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đang thu hoạch các loại hoa màu để bán để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Gia Uyên

Phát triển nhiều mô hình sinh kế, giảm nghèo bền vững

Những năm qua, Hậu Giang đã tập trung nhiều nguồn lực, tích hợp các chính sách nhằm triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo. Để giúp bà con cải thiện cuộc sống, ngoài những chính sách chung, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng khó khăn được thụ hưởng thêm chính sách hỗ trợ đặc thù, như nhà ở, dạy nghề, học nghề ngắn hạn, hỗ trợ vật nuôi, cây trồng cải thiện sinh kế...

Gia đình anh Danh Tùng (người dân tộc Khmer), ở ấp 3, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang có 4 nhân khẩu. Trước đây là hộ nghèo của ấp, chỉ có 3 công đất ruộng, thiếu vốn, kiến thức, nên sản xuất lúa mỗi năm chẳng được bao, cuộc sống khó khăn nên hai vợ chồng không ngại nắng mưa cực khổ đi giặm, cắt lúa mướn, làm quần quật bất kể ngày nắng cũng như ngày mưa. Thế nhưng cái nghèo mãi bám víu, căn nhà lụp xụp xuống cấp bấy lâu nay cũng không có điều kiện để sửa lại.

Chia sẻ trước khó khăn của gia đình, Hội Cựu chiến binh xã Xà Phiên đã tạo điều kiện để gia đình anh vay 40 triệu đồng, vợ chồng anh đầu tư vào cải tạo đất trồng các loại hoa màu để bán nhằm tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Thời gian rảnh, anh đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Nhờ đó, cuộc sống gia đình anh có thu nhập ổn định. Sau 5 năm tích lũy, gia đình anh thoát khỏi diện hộ nghèo và vợ chồng anh xây được căn nhà cấp 4, trị giá gần 200 triệu đồng.

Anh Danh Tùng bộc bạch: “Tất cả những gì có được ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của Đảng và nhà nước đã hỗ trợ kịp thời cho gia đình tôi có điều kiện vay vốn phát triển kinh tế”.

Bên cạnh chương trình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo từ nguồn ngân sách nhà nước; các mô hình của hội, đoàn thể triển khai cũng đã góp phần tích cực giảm nghèo trong đồng bào DTTS. Điển hình như gia đình chị Thạch Kim Thy (dân tộc Khmer) ở ấp Mỹ Hiệp, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang là một trong những hộ được Hội phụ nữ tín chấp vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phụng Hiệp để phát triển chăn nuôi bò sinh sản.

Năm 2018, chị vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phụng Hiệp để mua 3 con bò về nuôi. Nhờ chịu khó chăm sóc, đàn bò của chị phát triển tốt, đến nay, trong chuồng bò của gia đình anh lúc nào cũng có 4 - 5 con bò sinh sản; mỗi năm gia đình xuất chuồng 2 - 3 con bò con, lãi hơn 60 triệu đồng. Cùng với việc đầu tư chăn nuôi chị Thy còn làm thêm đan lục bình, tận dụng đất rẫy quanh nhà trồng rau. Nhờ chăn nuôi có hiệu quả, gia đình chị đã xây được nhà mới khang trang, mua được cả xe máy và nhiều vật dụng khác trong gia đình.

Chị Thạch Kim Thy chia sẻ: “Nguồn vốn ưu đãi đã “tiếp sức” cho gia đình tôi vượt qua khó khăn, nhờ nuôi bò mà con cái được học hành; từ chỗ là hộ nghèo đến nay đã có vốn đầu tư vào chăn nuôi. Từ nay tôi chỉ tập trung phát triển chăn sóc đàn gia súc để sớm thu hồi vốn và có tiền trả nợ ngân hàng”.

Từ chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, nhiều hộ dân tộc Khmer đã tự lực vươn lên theo cách nghĩ, cách làm của riêng mình. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, tích cực đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, góp phần thay đổi diện mạo vùng có đông đồng dân tộc Khmer.

Ông Võ Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang cho biết: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa vùng khó khăn và vùng thuận lợi, nâng cao mức sống của người dân vùng đồng bào DTTS. Hậu Giang đã nhân rộng 20 mô hình giúp nhau thoát nghèo có hiệu quả như tổ hùn vốn, mô hình nuôi dê, mô hình lâm - ngư kết hợp, hỗ trợ phát triển kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

“Nhờ vậy, đến đầu năm 2022, toàn tỉnh còn 12.989 hộ nghèo (chiếm 6,45%) và 7.840 hộ cận nghèo (chiếm 3,89%), thì đến đầu năm 2023 hộ nghèo giảm xuống còn 4,84%, hộ nghèo DTTS trong năm giảm được 2,89%, từ 16,02% xuống còn 13,13%” - ông Cường nói.

Từng bước nâng cao mức sống

Hiện tỉnh Hậu Giang cũng đối mặt với nhiều khó khăn trong việc triển khai giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi số hộ nghèo DTTS và các vùng khó khăn chiếm tỷ lệ cao; hộ nghèo thuộc đối tượng gia đình chính sách, người có công, bảo trợ xã hội... khó có khả năng thoát nghèo vì không còn sức lao động, hoàn toàn dựa vào sự trợ cấp của Nhà nước, sự hỗ trợ của cộng đồng.

Nhiều mô hình sinh kế được triển khai tại các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Gia Uyên

Nhiều mô hình sinh kế được triển khai tại các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Gia Uyên

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, Hậu Giang phấn đấu giảm hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1%/năm, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 2%/năm. Cũng theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng 20 mô hình, dự án giảm nghèo tạo sinh kế; hỗ trợ 80% nhu cầu nâng cao năng lực sản xuất cho người có khả năng lao động thuộc hộ nghèo; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững…

“Để đạt được những mục tiêu của chương trình, tỉnh thực hiện 7 dự án thành phần, dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2022-2025 khoảng 67,4 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách Xã hội và các nguồn vốn đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để sử dụng hiệu quả cho công tác giảm nghèo, nhất là giảm nghèo vùng đồng bào DTTS. Đảm bảo 100% người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Đảm bảo nguồn vốn cho vay 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất - kinh doanh...” - bà Ánh nói.

Có thể nói, trong thời gian qua, những chính sách dành cho đồng bào DTTS tại Hậu Giang đã phát huy hiệu quả, nhiều hộ Khmer ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện thoát nghèo. Cuộc sống của bà con Khmer hôm nay được đổi thay từng ngày đã minh chứng cho việc triển khai thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với đồng bào DTTS.

Gia Uyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hau-giang-phat-trien-nhieu-mo-hinh-sinh-ke-giam-ngheo-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post465260.html