Hé lộ nguyên do cả chục tỉ con cua tuyết ở vùng biển Mỹ giáp Nga chết hàng loạt
Nghiên cứu mới cho thấy ước lượng hơn 10 tỉ con cua tuyết gần đây đã biến mất khỏi biển Bering, và giờ đã có lý do: Chúng bị chết bởi sóng nhiệt lớn nhất từng được ghi nhận.
Sóng nhiệt chết chóc tấn công vùng biển giữa Alaska (Mỹ) và Siberia (Nga) vào năm 2018 và kéo dài trong suốt 2 năm, gây ra nhiệt độ biển cao kỷ lục và băng biển tại đây tan nhanh chưa từng thấy. Theo một nghiên cứu mới được công bố hôm 19.10 trên tạp chí Science, những trường hợp “chưa từng có trong lịch sử” này đã khiến một lượng lớn cua tuyết (chionoecetes opilio) sống ở phía đông biển Bering suy giảm.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Sự suy giảm số lượng cua tuyết là một hệ quả mạnh mẽ trước đợt nắng nóng ở biển”. Tuy nhiên, thay vì chết với nguyên nhân trực tiếp là nhiệt độ đại dương ấm lên, có vẻ như cua chết do đói.
Theo Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), cua tuyết là loài giáp xác nhỏ, vỏ tròn mềm, có thể sống tới 20 năm ở bề mặt đáy biển độ sâu dưới 200 mét. Loài cua ở phía đông biển Bering được chính quyền hết sức chú ý và giám sát chặt chẽ do là hải sản có giá trị thương mại.
Các nhà khoa học lần đầu tiên nhận thấy số lượng cua tuyết giảm đáng kể trong cuộc khảo sát vào năm 2021. Họ ghi chú "đây là lần thấy ít cua tuyết nhất trên thềm phía đông Bering kể từ khi bắt đầu thực hiện khảo sát vào năm 1975". Không có cuộc khảo sát nào được thực hiện vào năm 2020 do đại dịch coronavirus, đó là lý do tại sao các nhà khoa học chỉ nhận thấy loài cua đã biến mất vào năm sau. Nhưng cho đến nay, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm số lượng cua vẫn còn là một bí ẩn cho dù năm 2020, hoạt động khai thác bị đình trệ.
Theo nghiên cứu, nhiệt độ nước ấm do đợt nắng nóng gây ra có thể đã ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cua và làm tăng nhu cầu calo của chúng. Nghiên cứu trước đây được thực hiện trong phòng thí nghiệm cho thấy nhu cầu năng lượng của cua tuyết tăng gấp đôi khi nhiệt độ nước tăng từ từ 0 độ C đến 3 độ C. Theo nghiên cứu, nhiệt độ tăng vọt từ năm 2017 đến năm 2018 này trùng hợp với thời điểm phát triển trong vòng đời của cua tuyết non, loài vốn sống ở vùng nước lạnh giá và di cư đến những điểm ấm hơn khi chúng trưởng thành.
Theo nghiên cứu, nhu cầu calo tăng lên của cua tuyết được phản ánh qua sự thay đổi về kích thước cơ thể (trong khoảng giữa năm 2017 và 2018) nhờ họ đã tiến hành khảo sát với một số cua tuyết non ngay khi đợt nắng nóng bắt đầu.
Cua tuyết cũng trở thành kẻ chịu nạn của việc phát triển sai thời điểm. Nghiên cứu cho thấy ngay trong thời điểm xảy ra đợt nắng nóng, số lượng cua ở phía đông biển Bering đã bùng nổ. Sự kết hợp của nhiều cua hơn và nhu cầu calo cao hơn đã gây ra "khủng hoảng lương thực" trong thế giới cua.
Các yếu tố khác - chẳng hạn như sự cạnh tranh con mồi đến từ cá tuyết Thái Bình Dương (gadus macrocephalus), tình trạng cua lớn hơn ăn thịt cua nhỏ, nạn đánh bắt cá và bệnh tật… có thể góp phần gây ra thảm kịch chết hàng loạt, nhưng "nhiệt độ và mật độ quần thể là những yếu tố chính trong sự suy giảm gần đây".
Các tác động của nhiệt độ đại dương tăng nhanh và các đợt nắng nóng thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu ngày càng khó dự đoán. Các nhà nghiên cứu cho rằng cái chết của cua tuyết là "một ví dụ điển hình cho thấy nguy cơ có thể ập đến nhanh chóng như thế nào đối với một quần thể sinh vật".
Và trong khi tương lai của cua tuyết ở phía đông biển Bering hiện không biết sẽ ra sao vì chúng chưa hồi phục sau vụ chết hàng loạt, những con còn lại có thể phải tìm nơi ẩn náu ở vùng nước lạnh hơn ở phía bắc. Việc cua tuyết chết hàng loạt có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái rộng lớn hơn như thế nào vẫn chưa rõ ràng.
Các nhà nghiên cứu viết: “Thực trạng ở biển Bering báo trước những vấn đề sẽ cần phải đối mặt trên toàn cầu. Sự biến mất của cua tuyết sẽ là một cú sốc đối với người dân vùng nông thôn Alaska, chẳng hạn như những cộng đồng trên đảo St. Paul, nơi phụ thuộc nhiều vào doanh thu từ việc khai thác và chế biến cua tuyết”.