Hệ lụy khi xăng dầu ở mức giá cao

Xăng, dầu là một loại nhiên liệu không thể thiếu trong hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, khi xăng, dầu tăng đồng nghĩa với 'bão giá', bởi chi phí sản xuất, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển chịu ảnh hưởng trực tiếp, kéo theo giá thành các loại hàng hóa, dịch vụ cũng tăng cao, đời sống người dân vốn đã khó sau đại dịch nay càng thêm khó.

Nếu như trước đây, ông Lữ Thành Ân, Phường 1, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) chỉ bỏ ra 50.000 - 70.000 đồng có thể thu về vài trăm nghìn đồng cho 1 ngày chạy xe ôm thì với mức giá hơn 30.000 đồng/1 lít xăng (cuối tháng 3), ông phải chi hơn 100.000 đồng/ngày nhưng có khi thu về không đủ trang trải bữa cơm cho gia đình. Theo ông Ân, phần lớn ông chạy xe bến nên toàn khách quen và họ chỉ đi nội ô TP. Sóc Trăng nên mình không thể diện cớ xăng lên mà lấy giá cao, không khéo lại mất luôn khách. Vì vậy, ông và nhiều đồng nghiệp bấm bụng chịu thiệt, đã vậy lại còn ế khách, ông chỉ mong giá xăng ổn định ở mức khoảng 20.000 đồng/lít, khi đó hành nghề mới yên tâm.

Xăng dầu tăng giá đã gây cơn “bão giá”. Ảnh: H.LAN

Xăng dầu tăng giá đã gây cơn “bão giá”. Ảnh: H.LAN

Anh Tý ở Phường 5, TP. Sóc Trăng, sau Tết đến nay cũng chạy cầm chừng và đậu miết tại bến xe đường Lê Duẩn, hôm nào may mắn thì chạy được đôi ba cuốc về các huyện, nhưng có hôm anh cũng chỉ ngồi tán chuyện với đồng nghiệp. Anh Tý bộc bạch, giờ hành nghề xe ôm khổ lắm, thiếu trước, hụt sau bởi giá xăng ở mức quá cao, vật giá có dịp leo thang, cái gì cũng tăng, nhất là gas, giờ đổi bình gas ít nhất 500.000 đồng, so với trước đây tăng khoảng 200.000 đồng/bình.

Còn anh Nghĩa - một lao động tự do ở Phường 4, TP. Sóc Trăng chuyển từ xe máy sang xe đạp để mưu sinh bằng nghề bán bánh mì gần 2 tuần. “Đạp xe rất vất vả, nhất là trong những ngày nắng gắt nhưng tôi tiết kiệm được 70.000 đồng tiền xăng để lo chi phí học tập, sinh hoạt cho 2 con. Nếu đi xe gắn máy, tôi phải mất thêm 70.000 đồng cho hai buổi đi bán bánh, giờ phải cố gắng tiết kiệm bằng mọi cách, chờ xăng xuống giá” - anh Nghĩa cho biết. Bên cạnh đó, để tăng thêm thu nhập, anh Nghĩa còn lấy thêm vé số để bán vào mỗi buổi sáng mới đủ tiền trang trải phí sinh hoạt cho gia đình trong thời điểm mọi thứ đều tăng giá.

Qua khảo sát một số sản phẩm gia vị, lương thực, thực phẩm tại các chợ, siêu thị, phần lớn đều tăng giá như: dầu ăn, đường, bột ngọt, mì gói… tăng từ vài nghìn đồng/sản phẩm, nổi bật là dầu ăn, có loại tăng hơn 10.000 đồng/lít. Các loại rau, củ, quả cũng tăng từ 1.000 - 5.000 đồng/kg tùy loại nhưng tăng rõ nhất là các loại rau, củ, quả được vận chuyển từ Đà Lạt về do phí vận chuyển tăng cao. Thịt heo tại chợ cũng tăng thêm từ 2.000 - 7.000 đồng/kg, thịt ba chỉ ở mức 120.000 đồng/kg, sườn non 150.000 đồng/kg, cá lóc đồng 100.000 - 150.000 đồng/kg tùy kích cỡ, cá ngừ 70.000 đồng/kg, cá thu 120.000 đồng/kg, cá ngân 100.000 đồng/kg tùy kích cỡ… nên nhiều gia đình phải thắt chặt chi tiêu, tránh phát sinh phí sinh hoạt hàng tháng.

Chị Hằng ở Phường 2, TP. Sóc Trăng bất ngờ khi mua hộp mì trộn cho con với mức giá 17.300 đồng/hộp. Theo chị Hằng, lúc sau Tết cũng hộp mì cùng thương hiệu chị chỉ bỏ ra 14.000 đồng. Để tiết kiệm phí sinh hoạt cho gia đình, chị thường săn hàng giảm giá tại cửa hàng bách hóa, siêu thị đối với các loại thịt, rau xanh, đảm bảo chất lượng bữa ăn cho gia đình.

Để bù một phần chi phí vào những chuyến xe vắng khách, doanh thu tăng trưởng âm trong thời gian dài, nhiều nhà xe đã xin tăng giá cước vận chuyển, bởi không chịu được áp lực từ giá xăng ở mức cao. Điển hình Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang Chi nhánh Sóc Trăng đã được Sở Giao thông Vận tải đồng ý cho điều chỉnh giá cước vận tải đối với hành khách từ 155.000 đồng lên 165.000 đồng/hành khách (tuyến Bến xe Sóc Trăng đến Bến xe miền Tây tại TP. Hồ Chí Minh và ngược lại); đối với tuyến bến xe huyện Long Phú, TX. Ngã Năm, Trần Đề, TX. Vĩnh Châu đến Bến xe miền Tây tại TP. Hồ Chí Minh và ngược lại cũng tăng thêm 10.000 đồng/hành khách. Ngoài ra, DNTN xe khách Mỹ Duyên, xe taxi, các hãng tàu cao tốc từ Trần Đề đi Côn Đảo cũng đều điều chỉnh giá vé đi tàu, giá cước vận chuyển do biến động giá xăng dầu tăng cao.

Theo ông Trần Anh Bảo - Trưởng Ban điều hành Bến xe khách Sóc Trăng, việc các công ty vận tải hành khách xin điều chỉnh tăng giá cước phù hợp trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục tăng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp vận tải chịu cảnh ngưng hoạt động kéo dài do đại dịch Covid-19, đến khi được phép hoạt động thì xăng tăng giá nhưng “ế khách”, biết chạy là lỗ vốn nhưng nhiều công ty vẫn phải chạy để giữ tuyến, cố định giờ, nếu tình trạng này kéo dài, nhiều doanh nghiệp vận tải khó mà trụ vững.

Theo thông tin từ Cục Thống kê Sóc Trăng, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 3 tháng năm 2022 so với bình quân cùng kỳ tăng 2,57% (trong đó, khu vực thành thị tăng 3,79%; nông thôn tăng 1,85%). Trong 11 nhóm chủ yếu, nhóm giao thông tăng mạnh nhất với chỉ số tăng 18,45%… Riêng chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tháng 3-2022 tăng 0,91% so với tháng trước (khu vực thành thị tăng 1,05%; khu vực nông thôn tăng 0,82%). Trong 11 nhóm hàng chủ yếu, 4 nhóm có chỉ số giá ổn định, còn lại 7 nhóm có chỉ số tăng so với tháng trước, trong đó, tăng cao nhất là 6,13% ở nhóm giao thông (do giá xăng tăng); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,21% (do giá gas, dầu hỏa, vật liệu xây dựng tăng); các nhóm còn lại có mức tăng từ 0,01 - 0,17%). Qua đó, có thể thấy rõ hệ lụy từ việc xăng dầu tăng giá đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển, chi phí nguyên vật liệu… dẫn đến tình trạng hàng hóa tăng giá là điều hiển nhiên. Trước thực trạng này, Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính) đã có công điện về việc thực hiện áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ 2.200 đồng/lít đối với xăng; 1.100 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn; 1.100 đồng/kg đối với mỡ nhờn; 770 đồng/lít đối với dầu hỏa từ ngày 1-4-2022, với quyết định này hy vọng sẽ góp phần giảm áp lực cho cơn bão giá.

Tuy nhiên, theo dự báo trong thời gian tới, giá dầu thô thế giới và giá xăng trong nước có khả năng sẽ còn tiếp tục tăng, đặc biệt xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine vẫn còn diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu. Vì vậy, hơn ai hết, doanh nghiệp cần có giải pháp tiết kiệm tối đa chi phí trong hoạt động sản xuất, dịch vụ, người dân cũng cần linh hoạt, chủ động ứng biến với cơn bão giá, để hạn chế tác động đến cuộc sống.

H.LAN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/he-luy-khi-xang-dau-o-muc-gia-cao-56057.html