Hé mở BBK Electronics: 'Bệ phóng' của loạt thương hiệu smartphone Vivo, Oppo
Là một 'thế lực' trong lĩnh vực sản xuất smartphone, nhưng có lẽ chẳng mấy ai biết tới BBK Electronics, còn nói đến OPPO, Vivo, Realme hay OnePlus thì hẳn nhiều người đã từng nghe qua.
Oppo đang cân nhắc thay đổi chiến lược kinh doanh ở nước ngoài sau khi chính phủ Đức tuyên bố ngưng bán các sản phẩm của hãng này, theo Nikkei Asia.
Động thái này được cho là hệ quả của việc Oppo thua kiện Nokia. Nhà cung cấp thiết bị viễn thông Phần Lan đã đệ đơn kiện khiếu nại cáo buộc Oppo sử dụng các bằng sáng chế công nghệ của mình mà không xin phép.
Ngoài những rắc rối ở thị trường Đức, Oppo cũng đã phải đương đầu với những thách thức ở Ấn Độ - thị trường mà hãng đã mở rộng từ năm 2014. Vào tháng 7, chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố phạt 43,8 tỉ rupee (tương đương 550 triệu USD) đối với công ty con của Oppo vì tội trốn thuế.
Cách Duan Yongpin nâng tầm BBK Electronics
Là một 'thế lực' trong lĩnh vực sản xuất smartphone, nhưng có lẽ chẳng mấy ai biết tới BBK Electronics, còn nói đến OPPO, Vivo, Realme hay OnePlus thì hẳn nhiều người đã từng nghe qua.
Dù được xem là các thương hiệu 'con' của BBK Electronics, OPPO, Vivo, Realme và OnePlus thường không nhắc đến mối quan hệ với tập đoàn này, đồng thời luôn khẳng định sự độc lập của mình.
BBK Electronics ra đời vào năm 1995, được sáng lập bởi Duan Yongpin - người được ví như "Warren Buffett của Trung Quốc".
Sinh ra tại Giang Tây, Duan Yongpin bắt đầu sự nghiệp bằng công việc tại một nhà máy ống chân không trước khi gây dựng nên tên tuổi trong ngành đồ điện tử gia dụng.
Đến năm 1990, Duan rời bỏ công việc này để đến Quảng Đông điều hành một nhà máy điện tử đang gặp khó khăn.
Sản phẩm đầu tay của ông là máy chơi game Subor – cạnh tranh trực tiếp với máy chơi game đình đám thời đó Nintendo. Với giá bán từ 100 tới 400 NDT, Subor đã nhanh chóng nổi tiếng tại địa phương. Năm 1995, doanh thu từ Subor đã vượt qua mức 1 tỉ NDT.
Trong khi Subor đang ở đỉnh cao, Duan bất ngờ rời khỏi doanh nghiệp này. Nguyên nhân được cho là vì những xung đột lợi ích và ý tưởng giữa Duan và các nhân sự cấp cao khác ở công ty này.
Tới năm 1995, ông sáng lập ra BBK Electronics – tên Trung Quốc là Bu Bu Gao, nghĩa là “lên cao hơn trong từng bước đi”.
Công ty chuyên tạo ra các dòng sản phẩm VCD và MP3 phổ biến, nhưng sau đó cũng chuyển sang sản xuất đầu DVD cho các thương hiệu toàn cầu.
Trở thành nhà sản xuất smartphone
Bubugao Communication Equipment Co – công ty con của BBK Electronics, đã trở thành một trong những nhà sản xuất điện thoại cơ bản lớn nhất Trung Quốc vào những năm 2000, cạnh tranh trực tiếp với Nokia và Motorola.
Song, BBK Electronics bắt đầu gặp khó khi thị trường smartphone cạnh tranh gay gắt. “Sản xuất điện thoại di động không phải là mong muốn của tôi”, Duan nói, “nhưng tôi tự tin chúng tôi có thể làm tốt trên thị trường này”.
Đến năm 2004, Oppo được thành lập, do Chen Mingyong (Tony Chen) giữ chức Tổng Giám đốc. Oppo đã bán đầu DVD và Blu-ray trước khi gia nhập thị trường smartphone.
Năm 2010, hãng bắt đầu mở rộng sang các nước láng giềng như Thái Lan, Việt Nam và Indonesia trước khi thiết lập ở Ấn Độ. Oppo gia nhập thị trường Mỹ vào tháng 2/2013.
Trong khi đó, Vivo được Duan sáng lập năm 2009 và CEO là ông Shen Wei. Gia nhập thị trường smartphone năm 2011, Vivo tập trung phân phối các điện thoại mỏng, có âm thanh tốt, sử dụng một phiên bản sửa đổi của Android mà hãng gọi là Funtouch OS. Cũng như Oppo, Vivo nhanh chóng tiến vào các thị trường láng giềng.
Ban đầu cả hai thương hiệu đều không được người dùng để mắt tới vì thời điểm đó những chiếc Iphone đã thu hút người dùng nhờ hệ thống ứng dụng và giao diện trang nhã, trong khi BlackBerry đang thống trị thị trường.
Tuy nhiên, Duan đã cho triển khai một phương thức marketing mới là thuê những người nổi tiếng tại địa phương quảng cáo sản phẩm, đồng thời mở rộng hệ thống đại lý rộng khắp Trung Quốc. Nhờ đó, hãng đã thành công thu hút lượng lớn khách hàng trẻ tuổi.
Năm 2016, theo ước tính của IDC, Oppo và Vivo đã xuất xưởng tới hơn 147 triệu smartphone, vượt mặt các ông lớn như Huawei (76,6 triệu máy), Apple (44,9 triệu máy), Xiaomi (41,5 triệu máy). Doanh thu cũng ghi nhận tăng gấp đôi so với năm 2015.
Cùng với đà phát triển ở nội địa, hãng smartphone của Duan cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực ở thị trường nước ngoài. Trong quý 4/2016, hai thương hiệu Oppo và Vivo lần lượt chiếm vị trí thứ 4 và thứ 5 trong danh sách các hãng smartphone lớn nhất toàn cầu.
Theo dữ liệu mới đây từ công ty nghiên cứu Canalys, vào tháng 4/2022, công ty của Duan đã trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, với Oppo và Vivo chiếm thị phần toàn cầu lần lượt là 10% và 8%. Điều này đặt BBK ngang bằng với Apple (18%) và đứng trước Xiaomi (13%).
Ăn trưa với Warren Buffett và đầu tư chứng khoán
Duan ngày càng giữ khoảng cách với Vivo và Oppo dù vẫn là một cổ đông lớn vì không thích ‘ánh đèn sân khấu’. Ông vẫn tham dự các cuộc họp cổ đông của công ty nhưng hầu hết các thông tin về Oppo và Vivo ông đều nhận qua Internet để tránh làm phiền.
Hiện tại, niềm đam mê lớn nhất của ‘ông trùm’ này là đầu tư chứng khoán. Đây cũng là lí do khiến ông bỏ một khoản tiền kỷ lục 621.100 USD vào năm 2006 để được ăn trưa với Buffett. Học hỏi thần tượng của mình, Duan khá thận trọng khi đầu tư. Ông chỉ đầu tư vào những công ty có thể hiểu và tập trung vốn của mình vào một vài cổ phiếu chất lượng cao.
Trong những năm qua, ngoài BBK và các công ty con, Duan đầu tư và nắm giữ dài hạn cổ phần của Apple, Moutai và Tencent.
Ông quan sát các công ty trong thời gian dài trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. Duan thừa nhận rằng cách tiếp cận này có thể khiến ông bỏ lỡ một số cơ hội tốt, nhưng đồng thời cũng giúp chọn được những khoản đầu tư có kết quả tốt./.