Hệ sinh thái Fintech: Yếu tố pháp lý và con người là thách thức lớn

Một trong những nội dung đặt ra tại Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) vừa ban hành mới đây là xây dựng thể chế và tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các loại hình kinh tế mới trong CMCN 4.0.

Ông Ngô Tấn Vũ Khanh

Ông Ngô Tấn Vũ Khanh

Thực tế, nhiều quốc gia đã sớm xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ mới, điển hình như Fintech. Xung quanh vấn đề này, Thời báo Ngân hàng đã có trao đổi với ông Ngô Tấn Vũ Khanh - Giám đốc Kaspersky khu vực Indochina.

Hình dung của ông thế nào về tương lai Fintech Việt Nam trong 5 năm tới, khi đã có chủ trương, chính sách định hướng của Nhà nước?

Việt Nam hiện nay có một môi trường “chuyển đổi số” khá năng động so với các khu vực lân cận, có lực lượng lao động trẻ giàu năng lượng, cùng với đó là chính sách và chủ trương của nhà nước tương đối kịp thời, tạo nền tảng cơ sở để phát triển thị trường Fintech trong thời gian tới.

Việc chúng ta đi chậm hơn nhiều so với những cường quốc Fintech trong khu vực châu Á như Trung Quốc hay Hàn Quốc cũng có thể tính là một lợi thế, khi chúng ta có được những kinh nghiệm quý báu từ những nước đi trước nếu chúng ta chịu khó học hỏi và tiếp thu.

Có thể nói, năm 2019 là năm bản lề cho sự bùng nổ thị trường Fintech. Sang năm 2020 nói riêng và lộ trình 5 năm tới, với sự tham gia của hàng loạt các tập đoàn lớn tại Việt Nam trong giai đoạn nửa cuối năm 2019, hay sự “chín” của thị trường thanh toán khi người dân bắt đầu tham gia tích cực hơn ở lĩnh vực này phản ánh bằng số lượt thanh toán qua mobile, QR Code tăng đáng kể.

Việc nghiên cứu ban hành một cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đã được Bộ Chính trị đề cập tại Nghị quyết 52. Ông nghĩ sao về sự gợi mở này?

Theo thống kê chưa chính thức hiện có gần 150 doanh nghiệp Fintech đang hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, chủ yếu là thanh toán. Việt Nam hiện có khoảng 30 tổ chức không phải ngân hàng đã được NHNN cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, 24 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, hơn 50.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code, 76 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua di động…

Tuy nhiên, tất cả các doanh nghiệp trên đều trông ngóng khung pháp lý để có những điều chỉnh và tầm nhìn phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là vấn đề cạnh tranh không lành mạnh trong môi trường không gian số. Vậy nên, Nghị quyết 52 được cho là tới đúng thời điểm để các bộ, ngành liên quan mạnh dạn đưa ra những chủ trương, chính sách quyết liệt hơn để đẩy mạnh sự phát triển chuyển đổi số nói chung và thị trường Fintech nói riêng.

Hệ sinh thái Fintech Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện. Cần nhìn nhận thế nào về thách thức trước mắt, thưa ông?

Hệ sinh thái Fintech Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện. Cần nhìn nhận thế nào về thách thức trước mắt, thưa ông?

Nếu khung pháp lý Việt Nam ra đời chậm sẽ làm cản trở các doanh nghiệp Fintech thuần Việt trong việc cạnh tranh với các công ty toàn cầu đa quốc gia, cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty trong cùng lĩnh vực. Việc mau chóng cho ra một khung pháp lý là bài toán lớn cần phải nhanh và chính xác, và một quy trình thử nghiệm theo sandbox là hướng đi đúng đắn trong giai đoạn này.

Một số các quy định và quy trình cần thiết nhất được đưa vào sandbox như: giá trị pháp lý của định danh điện tử; thông tin định danh cá nhân; các phương thức xác thực điện tử được sử dụng; quy trình, thủ tục cung cấp, sử dụng dịch vụ và trách nhiệm của các bên khi cung cấp, sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử; mức độ tin cậy, đảm bảo an toàn của các phương thức định danh, xác thực điện tử…

Tuy nhiên, áp dụng cơ chế sandbox cũng phải xác định giới hạn về thời gian không gian ban hành, sandbox phải luôn đi kèm với sự kiểm soát và thay đổi liên tục để phù hợp và thích ứng với yêu cầu của thị trường.

Còn vấn đề nguồn nhân lực, thưa ông?

Như ở trên đã đề cập, Việt Nam hiện có 150 doanh nghiệp Fintech đang hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, chủ yếu là thanh toán. Thanh toán cần đi trước để kéo cả con tàu Fintech đi sau, nhưng nó cũng khiến cho nhiều người đánh đồng Fintech là payment (thanh toán). Cần phải xác định, Fintech có phạm vi rất lớn và cần một cộng đồng tài chính và công nghệ tham gia một cách mạnh mẽ. Do vậy nguồn lực con người là cực kỳ quan trọng.

Nguồn lực con người là thách thức lớn của thị trường Fintech. Đây là lĩnh vực quá mới, đòi hỏi người tham gia phải có kiến thức tài chính lẫn công nghệ. Việt Nam hiện nay chưa có một trường học nào đào tạo bài bản chương trình này (nếu có, chủ yếu là các khóa ngắn hạn).

Do đó, nhân sự trong lĩnh vực Fintech hiện nay thông thường là người làm tài chính - ngân hàng có kiến thức công nghệ hoặc người làm CNTT có hiểu biết cơ bản về ngành tài chính. Trong khi nếu nói về công nghệ, Việt Nam có những chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm rất tốt ở mảng AI, Big data, Blockchain nhưng lại không thể hiện thực hóa những tri thức đó thành một sản phẩm Fintech để ứng dụng trên thị trường.

Thị trường cần thêm những công ty như Trusting Social - một công ty chuyên đánh giá điểm tín dụng vừa gọi được vốn 25 triệu USD vào tháng 6 vừa qua để những nhà đầu tư lạc quan về nguồn nhân lực Fintech tại Việt Nam.

Được biết, ông có tham gia chia sẻ cho Chương trình đào tạo về Fintech do Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh hợp tác với Đại học Soongsil. Ông có thể chia sẻ thêm thông tin?

Fintech là một ngành mới và nhiều thách thức tại Việt Nam, đặc biệt đối với công tác đào tạo ở các trường đại học. Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cùng hợp tác với Đại học Soongsil (Hàn Quốc) mong muốn tổ chức chương trình Fintech một cách bài bản, dựa trên sự hợp tác rất chặt chẽ giữa Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Hàn Quốc và Đại học Soongsil. Từ đó xây dựng một chương trình thực tiễn kết hợp giữa kiến thức nền tảng đặc thù của ngành Fintech và các trường hợp thực tế của các công ty Fintech tại Hàn Quốc và Việt Nam.

Một số nội dung đào tạo chính như: Các công nghệ phân tích tài chính (phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, máy học, các thuật toán về giao dịch tiền tệ; Công nghệ quản lý danh mục đầu tư (hệ tư vấn tự động và thông minh trong đầu tư và quản lý danh mục đầu tư); Vốn, các vấn đề liên quan tới hình thành vốn (cho vay ngang hàng, Shadow Banking - ngân hàng tối ẩn, huy động vốn cộng đồng); Cơ sở hạ tầng của thị trường (tiền kỹ thuật số, chuỗi khối, công nghệ cao trong giao dịch)…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Khuê thực hiện

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/he-sinh-thai-fintech-yeu-to-phap-ly-va-con-nguoi-la-thach-thuc-lon-94226.html