Một hệ thống phòng thủ Avenger của Mỹ đã không hoạt động khi một UAV tự sát lao xuống căn cứ gần Hasakah, đông bắc Syria vào ngày 24/3/2023, làm 1 nhà thầu thiệt mạng, 6 người bị thương, trong đó có 5 binh sĩ.
Một quan chức Mỹ nói với New York Times rằng, hệ thống phòng không Avenger đặt tại căn cứ nói trên có thể đã gặp vấn đề về bảo trì dẫn tới trục trặc.
Hiện chưa rõ liệu nhóm vũ trang tấn công căn cứ có nắm được thông tin này khi quyết định bắn UAV tự sát về cơ sở quân sự của Mỹ ở Syria hay không.
Theo giới quan sát, kể cả khi hệ thống phòng thủ Avenger hoạt động hết công suất, lá chắn này cũng chưa chắc chắn đã phát hiện ra UAV tự sát.
Cơ chế hoạt động của dòng UAV này là bay lảng vảng ở tầm thấp, gây khó khăn cho hệ thống radar trong việc dò ra mục tiêu.
Truyền thông Mỹ dẫn 2 nguồn tin nói rằng, quân đội nước này đang mở cuộc điều tra cụ thể về nguyên nhân Avenger không đánh chặn hiệu quả mối đe dọa trên không, khiến vụ tấn công làm chết người.
Mặt khác, nó cũng cho thấy mối đe dọa của các UAV tự sát, khi các thiết bị giá thành tương đối thấp.
Các UAV tự sát đang cho thấy chúng là loại vũ khí cực kỳ nguy hiểm, nó có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho các cơ sở được bảo vệ kiên cố.
Hệ thống phòng thủ Avenger Mỹ được coi là lá chắn phòng thủ tầm gần trước các tên lửa hoặc UAV vũ trang và UAV tấn công tự sát, trực thăng vũ trang và máy bay cường kích của đối phương trên chiến trường
Được điều khiển hoàn toàn tự động, hệ thống tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp Avenger luôn là ưu tiên hàng đầu của quân đội Mỹ bởi trọng lượng nhẹ, tính cơ động cao.
Tổ hợp phòng không Avenger được Mỹ phát triển từ những năm 1980 và sản xuất từ năm 1989 tới nay.
Nhà phát triển cho biết, hệ thống này dễ dàng ngăn chặn hoặc tiêu diệt các mục tiêu trên không nhờ số tên lửa và súng máy hặng nặng được gắn sẵn trên tháp.
Để cơ động, hệ thống phòng thủ tầm gần Avenger được thiết kế để đặt trên khung gầm xe bọc thép Humvee.
Tuy vậy nếu chúng được triển khai tại các khu vực tòa nhà chính phủ, lúc này hệ thống này sẽ được gắn cố định.
Tổ hợp phòng không tầm ngắn Avenger gồm một tháp pháo xoay 360 độ với hai cụm ống phóng chứa 8 tên lửa FIM-92 Stinger và một khẩu đại liên M3 cỡ nòng 12,7 mm.
Tổ hợp phòng không tầm ngắn FIM-92 Stinger được tháo các bộ phận ngắm bắn và chỉ giữ lại ống phóng chứa tên lửa để lắp vào cụm ống phóng của Avenger.
Tên lửa Stinger có tầm bắn hơn 4,8 km và hạ được mục tiêu bay ở độ cao 3.8 km trở xuống, phù hợp với nhiệm vụ bắn hạ máy bay cỡ nhỏ, máy bay không người lái (UAV) và các loại tên lửa có tốc độ bay chậm của đối phương.
Khi phóng từ hệ thống Avenger, tên lửa Stinger có thể tiếp nhận dữ liệu về mục tiêu mà không cần phải hướng trực diện vào nó.
Ngay khi khai hỏa, tên lửa Stinger nhanh chóng đạt tốc độ tới Mach 2,54 để lao vào mục tiêu.
Đầu đạn của tên lửa chứa 1,02 kg thuốc nổ HTA-3 có thể va chạm mục tiêu phát nổ hoặc tự động phát nổ sau 17 giây kể từ khi được bắn đi, từ đó tạo ra một vùng công phá nhất định để hủy diệt mục tiêu.
Hiện Mỹ đang biên chế hơn 1.000 tổ hợp phòng không tầm thấp này.
Chúng được bố trí tại các tòa nhà trọng yếu chính phủ, cơ quan ngoại giao và các căn cứ quân sự Mỹ trên khắp thế giới.