Hiểm họa từ tập thể dục quá sức
Hoạt động thể dục có rất nhiều lợi ích, nhưng nếu tập quá sức có thể khiến cơ thể đối mặt với nhiều tác hại nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Hiện nay, nhiều người đang mắc phải sai lầm rằng tập thể dục càng nhiều càng tốt. Dù, hoạt động thể dục có rất nhiều lợi ích, nhưng nếu tập quá sức có thể khiến cơ thể đối mặt với nhiều tác hại nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Phản tác dụng vì gắng sức tập thể dục
Tùy vào thể trạng, lứa tuổi mà mỗi người có lựa chọn loại hình và thời gian tập luyện khác nhau. Chị Nguyễn Hải Yến (36 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) cho rằng, việc tập môn thể thao nào phụ thuộc vào sở thích nhưng phải phù hợp với sức khỏe của bản thân. Chị Yến lựa chọn môn chạy bộ cho mình và hai con.
“Tôi và hai con thường xuyên chơi cầu lông và đi bộ mỗi ngày để duy trì sức khỏe, tránh quá sức khi tham gia các giải chạy. Bên cạnh đó, các giải chạy được tổ chức ở khắp nơi trong nước, việc có một sức khỏe tốt sẽ giúp thích nghi được với khí hậu nơi tổ chức giải. Nhiều bạn trẻ bây giờ tham gia các chương trình chạy theo trào lưu mà không có sự rèn luyện trước đó, dẫn đến nhiều ảnh hưởng về sức khỏe khi đột ngột vận động quá sức”, chị Yến cho hay.
Không chỉ chạy, bộ môn tập gym cũng được nhiều người lựa chọn rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều trường hợp tập sai cách, quá sức hoặc tuổi cao làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tử vong.
Mới đây, ông Đ.Đ.N. (59 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM), đang tập gym (nâng tạ) thì đột ngột lên cơn khó thở, tím tái, ngã gục xuống và phải nhập viện trong tình trạng lơ mơ, tay chân lạnh, tím tái, mạch nhanh, huyết áp không đo được.
Ông N. được đưa nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc rất chậm, tay chân lạnh, tím tái, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp không đo được. Sau đó, tri giác người bệnh xấu dần, huyết áp vẫn không đo được, bệnh nhân được hồi sức để nâng huyết áp.
TS.BS Bùi Minh Thành, Trưởng khoa Phẫu thuật tim, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, các bác sĩ vừa hồi sức tích cực ngay trong phòng mổ và tiến hành mở ngực cấp cứu. Ngay sau khi cưa nhanh xương ức bộc lộ tim, màng ngoài tim rất căng, không đập, chứa đầy máu.
Mở màng ngoài tim, máu trào ra ngập cả khoang trung thất, hút được hơn 800 ml, tim được giải áp và đập nhanh nhưng được bao bọc bởi một lớp máu đông khá dày - chính lớp máu đông này đã cứu sống bệnh nhân N.
Chọn phương pháp phù hợp, đúng độ tuổi
Theo TS.BS Bùi Minh Thành, vỡ tim là tình trạng đặc biệt nguy hiểm, tỷ lệ tử vong rất cao. Thậm chí, sau mổ, tỷ lệ tử vong của người bệnh vẫn có thể xảy ra do những biến chứng của vỡ tim gây ra. Đối với trường hợp bệnh nhân N., khai thác bệnh sử, cho thấy người bệnh có đau ngực trước nhập viện 5 ngày, cơn đau kéo dài hơn 10 phút.
Khi tập gym, có thể bệnh nhân N. bị nhồi máu cơ tim. Khoảng thời gian này đủ để làm cơ tim bị thiếu máu, rồi hoại tử. Đặc biệt, khi người bệnh có hoạt động gắng sức mạnh, trong trường hợp này là nâng tạ gây vỡ hay thủng tim.
Thực tế, vẫn còn nhiều trường hợp tập thể thao quá sức. Thông thường, người trưởng thành, nên dành khoảng 5 giờ cho các bài tập luyện ở cường độ trung bình và khoảng 2,5 giờ cho các bài tập cường độ cao mỗi tuần.
Tập thể thao quá sức thường gặp ở những người từ hoàn toàn không tập đến tập luyện quá mức để lấy lại vóc dáng hoặc giảm cân. Về lâu dài, tập thể dục quá sức có thể gây tiêu cơ vân, có khả năng gây tử vong, trong đó các mô cơ bị tổn thương sẽ giải phóng protein và chất điện giải vào máu, từ đó có thể gây hại cho tim và thận.
Tập thể thao quá sức cũng có thể làm tổn hại đến hệ thống miễn dịch, đặc biệt khi tập các bài tập sức bền như chạy marathon hoặc tập gym cường độ cao; làm trầm trọng thêm tình trạng trầm cảm, lo lắng; ở nữ giới có thể bị mất kinh hoặc loãng xương; ở nam giới có thể giảm ham muốn tình dục.
Việc tập luyện các môn thể thao đòi hỏi sức bền thường xuyên có thể dẫn đến những thay đổi vĩnh viễn ở cấu trúc tim. Đó là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nhịp tim bất thường, gia tăng nguy cơ đột quỵ do trụy tim.
Nếu mỗi người không tự ý thức được sức khỏe của bản thân, dẫn đến lạm dụng, tập thể dục quá mức có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của hệ tim mạch, đặc biệt là ở những người có tiền sử gia đình mắc chứng nhịp tim bất thường.
“Việc tập thể thao quá mức không chỉ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực về mặt thể chất mà còn cả tinh thần.
Tùy theo từng độ tuổi và tình trạng sức khỏe, áp dụng các phương pháp tập luyện phù hợp, không nên gắng sức khi đã có tuổi. Cần lên kế hoạch tập phù hợp để phát huy được hết lợi ích của việc tập thể thao.
Khi thấy có dấu hiệu đau ngực, kéo dài hơn 10 - 15 phút, đau gây ngưng thở… thì nên đi khám bệnh, để phát hiện, điều trị và theo dõi cơn đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim thầm lặng”, BS Thành khuyến cáo.
Theo nghiên cứu, việc tập luyện quá sức có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần. Cụ thể, những người thường xuyên vận động quá sức có chỉ số sinh hóa tương đương với người mắc chứng trầm cảm mãn tính. Không chỉ tương đồng về sự biến đổi quá trình tiết tryptophan và serotonin mà cả người bị trầm cảm và người tập thể dục quá mức đều có những biểu hiện về hành vi giống nhau, gồm: Dễ cáu gắt, mất ngủ, động lực kém.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hiem-hoa-tu-tap-the-duc-qua-suc-post706957.html